Mỹ nhân hại thương hiệu

Hiện nay, một số mỹ nữ, mỹ nam đã làm nghề “đại sứ thương hiệu”. Chẳng hạn, là Hồ Ngọc Hà từng là đại sứ thương hiệu của Toshiba. Minh Hằng thì đại diện cho hãng thời trang Ý Carlo Rino; siêu mẫu Thanh Hằng, cho Công ty Máy tính Acer (Đài Loan) và Bình Minh cho MacCoffee (Singapore).

Chọn đại sứ thương hiệu là một bài toán cân não. Ngoài sắc đẹp, người được chọn còn phải có lý lịch sạch sẽ và cuộc sống lành mạnh. Bởi lẽ, hành động hay phát ngôn của đại sứ luôn ảnh hưởng mạnh mẽ đến thương hiệu.

Chính vì vậy, khi làm đại sứ thương hiệu, các người đẹp phải luôn cẩn trọng trong từng lời ăn, tiếng nói và đặc biệt là đời tư.

Mỹ nhân hại thương hiệu

Khi làm đại sứ thương hiệu, các người đẹp phải luôn cẩn trọng trong từng lời ăn, tiếng nói và đặc biệt là đời tư.

Thương hiệu “khóc”

Hoàng Thùy Linh, tức Vàng Anh của phim truyền hình Nhật Ký Vàng Anh từng làm điên đảo giới trẻ, đã dính vào một vụ bê bối, gây tổn hại cho thương hiệu của một doanh nghiệp. Đó là HT Mobile, mạng di động đã chi nhiều tỉ đồng tài trợ cho bộ phim. Sau vụ bê bối, HT Mobile đành phải dỡ bỏ hàng loạt biển quảng cáo in hình Thùy Linh. Các chiến dịch quảng cáo và tiếp thị cũng theo đó mà đổ vỡ. Gần đây, nó đã gượng dậy với cái tên mới Vietnamobile.

Không đau như mạng di động nói trên, nhưng Sunsilk đã một phen điêu đứng với Hồ Ngọc Hà. Vào lúc Sunsilk bị dư luận phản ứng dữ dội vì khẩu hiệu “Sống là không chờ đợi” cổ súy lối sống thực dụng, buông thả, cũng rộ lên tin Hồ Ngọc Hà có thai với Cường Đô-la, một thiếu gia nhà giàu ăn chơi khét tiếng.

Mỹ nhân hại thương hiệuChưa đến mức phải hủy bỏ toàn bộ chiến dịch, nhưng hãng xe hơi Đức Audi phải tốn rất nhiều công sức để dọn dẹp dư luận sau khi vụ rớt áo khoe ngực của đại sứ thương hiệu Trang Nhung được đưa lên các diễn đàn và cộng đồng mạng. Không bao lâu sau đó, những hình ảnh nhạy cảm nhất trên mạng đã được gỡ bỏ. Theo blogger Cô gái Đồ Long, có lẽ ít ai biết rằng Audi đã can thiệp nhằm giữ cho hình ảnh thương hiệu được sạch sẽ.

Thủy Tiên đã gây ra một vụ bê bối ầm ĩ với bộ ảnh nóng giữa cô với cầu thủ Công Vinh. Một số người cho rằng việc này là nhằm đánh bóng tên tuổi. Tuy nhiên, cô một mực phản bác: “Chúng tôi đã đủ nổi tiếng và tên tuổi chưa bị coi là hết thời tới nỗi cần phải tạo ra scandal để đánh bóng tên tuổi”. Mặc cho mục đích đằng sau bộ ảnh nóng là gì, hãng thực phẩm Vinamit vẫn quyết định chấm dứt hợp đồng với nữ ca sĩ này.

Mỹ nhân ngoại cũng lắm điều tiếng

Các doanh nghiệp nước ngoài cũng nhiều phen sóng gió với các mỹ nhân - đại sứ thương hiệu. Làng giải trí Hàn Quốc có thể sẽ không thể quên vụ bê bối của nữ ca sĩ Beak Ji Young, khi người quản lý tung băng sex của 2 người lên mạng rồi bỏ sang Mỹ. Khi dư luận bắt đầu nhảy vào chỉ trích thì cũng là lúc các đài truyền hình, phát thanh, công ty quảng cáo nhanh chóng cắt đứt hợp đồng với cô. Tuy là nạn nhân, nhưng vụ này đã khiến cho sự nghiệp đang lên của cô ca sĩ này bị chững lại trong một thời gian dài.

Tương tự, nữ diễn viên Triệu Nhã Chi, được mệnh danh là người đẹp cổ trang của đài truyền hình Hồng Kông TVB, cũng bị một hãng nước ngọt chấm dứt hợp đồng quảng cáo, sau khi dính đến hàng loạt các vụ ngoại tình và bạo hành gia đình. Sau đó hãng này đã chọn đại sứ là một... bé sơ sinh để đảm bảo an toàn.

Mỹ nhân hại thương hiệuTuy không dính vào các vụ bê bối, nhưng nếu đại sứ không làm vừa lòng khách hàng, doanh nghiệp sẽ mau chóng nói lời chia tay.

Gần đây, nhóm nhạc nữ Hàn Quốc T-ara đã lục đục với nhau, gây ra làn sóng tẩy chay trên mạng. Và hãng mỹ phẩm Tony Moly mà T-ara là đại sứ thương hiệu đã thông báo: “Chúng tôi đang trong quá trình thảo luận hợp đồng mới, nhưng vì những ồn ào lần này, chúng tôi quyết định không ký lại hợp đồng với nhóm”. Các hãng quảng cáo cũng chấm dứt hợp đồng và gỡ bỏ hàng loạt hình ảnh của nhóm vì e ngại khách hàng giận nhóm này mà chém luôn cả họ.

Và đây là chuyện bên trời Tây: ảnh chụp siêu mẫu Kate Moss say sưa hít ma túy đăng trên tờ báo Anh Daily Mirror đã khiến cô bị mất khá nhiều tiền. Tin này đã xuất hiện ở nhiều nơi và các hãng thời trang H&M, Burberry, nước hoa Chanel đã lập tức chấm dứt hợp đồng với cô, khiến cô mất đứt 1,4 triệu USD. Tuy nhiên, một thời gian sau, khi vụ bê bối lắng xuống, các hãng này đã ký lại hợp đồng với Kate Moss.

Đối phó khủng hoảng truyền thông

Ngay vào lúc khủng hoảng nổ ra, doanh nghiệp cần xác định ngay tầm vóc, mức độ và nguyên nhân.

Theo ông Didier Heiderich, chủ tịch của Observatoire International des Crises (Tổ chức Quan sát Quốc tế về Khủng hoảng), chỉ có 2 loại công ty hay tổ chức: đang bị khủng hoảng và sắp bị khủng hoảng. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải coi khủng hoảng là một phần tất yếu trong hoạt động kinh doanh và luôn chuẩn bị cho điều này.

Ông cho biết, có một số nguyên tắc cơ bản để xử lý khủng hoảng. Ngay vào lúc khủng hoảng nổ ra, doanh nghiệp cần xác định ngay tầm vóc, mức độ và nguyên nhân. Song song với việc điều tra, cũng cần thành lập một ban tác chiến bao gồm tổng giám đốc và trưởng các bộ phận trực tiếp liên quan. Tiếp đến, chọn ra người phát ngôn để thống nhất thông tin cung cấp cho cộng đồng và báo chí. Ban tác chiến sẽ quyết định kế hoạch hành động để xử lý các vấn đề như gỡ bỏ toàn bộ hình ảnh phản cảm, chấm dứt hợp đồng, chọn đại sứ mới.

Họ cũng sẽ làm việc chặt chẽ với báo chí và kiểm soát các công cụ trực tuyến để đảm bảo có tin tức tích cực, pha loãng thông tin tiêu cực, đảm bảo thông tin xuyên suốt trong nội bộ và bên ngoài.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư