Vietnamobile đi tìm thị trường ngách: lượm “bạc cắc”
Chuyển đổi mô hình kinh doanh sang công ty cổ phần, kèm với đó là một khoản đầu tư và chiến lược mới, liệu cuộc cách mạng này có giúp Vietnamobile lật ngược thế cờ?
Sau khi chuyển đổi mô hình công ty và tăng vốn đầu tư lên 1,2 tỷ USD, Vietnamobile đang thể hiện rõ quyết tâm lập riêng một sân chơi cho mình trong phân khúc khách hàng trẻ, thay vì cạnh tranh trên mọi mặt trận vốn đang là sân chơi riêng của các đại gia Viettel, MobiFone và Vinaphone.
SIM Pizza và chiến lược lượm bạc cắc
Giữa tháng 9 vừa qua, Vietnamobile – liên doanh viễn thông giữa Hà Nội Telecom và Hutchison Asia Telecommunications – đã chính thức tung ra sản phẩm SIM Pizza với những ưu đãi vượt trội cho tất cả các dịch vụ viễn thông bao gồm: gọi, nhắn tin, lướt mạng, sử dụng OTT, dịch vụ giá trị gia tăng và cho phép người dùng tự thiết kế SIM theo nhu cầu cá nhân.
Với cái nhìn đầy lạc quan, Tổng giám đốc điều hành của Vietnamobile, bà Elizabete Fong kỳ vọng: “SIM Pizza sẽ giúp số thuê bao của Vietnamobile tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới, bởi đây thực sự là một sản phẩm siêu sáng tạo và độc đáo trong lịch sử Vietnamobile, lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường Việt Nam”.
Nhưng tại sao lại lấy tên là SIM Pizza và sản phẩm này dành cho những đối tượng khách hàng nào? Bà Fong cho biết: “Khách hàng chính sẽ là học sinh, sinh viên và những người trẻ tuổi khác. Họ thích những trải nghiệm mới, dịch vụ gia tăng và chi phí không đắt đỏ”. Có lẽ chính vì nhắm vào những đối tượng khách hàng trẻ tuổi, Vietnamobile đã gắn sản phẩm mới nhất của mình với hình ảnh chiếc bánh pizza, một món ăn phương Tây thường được giới trẻ Việt Nam yêu thích.
Việc tung ra thị trường sản phẩm SIM Pizza cũng đã phần nào nói lên chiến lược kinh doanh của Vietnamobile trong thời gian tới. “Chúng tôi không cạnh tranh trên tất cả các phân khúc mà chỉ tập trung vào phân khúc khách hàng trẻ tuổi”, bà Fong khẳng định điều đó khi được hỏi về chiến lược phát triển của Vietnamobile trong thời gian tới.
Lựa chọn phân khúc này để cạnh tranh có thể là bước đi khôn khéo của Vietnamobile, bởi sẽ rất khó cho nhà mạng này cạnh tranh được với những đại gia viễn thông khác vốn đã khẳng định được vị thế của họ như Viettel, MobiFone và Vinaphone. Nhưng chọn đối tượng khách hàng này, Vietnamobile phải xác định doanh thu trên một thuê bao sẽ không nhiều. Đó cũng là lý do tại sao các đại gia như Viettel, MobiFone và Vinaphone bỏ ngỏ phân khúc này.
Với sản phẩm SIM Pizza, để thu hút khách hàng trẻ, Vietnamobile đưa ra gói cước ưu đãi cực kỳ thấp, chỉ với 680 đồng cho mỗi phút gọi áp dụng cho cả nội và ngoại mạng trên toàn quốc. Riêng ở ba thành phố là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng thì gói cước sẽ là 990 đồng. Nhưng chưa hết, người dùng sẽ được miễn phí dữ liệu truy cập, sử dụng Facebook và ứng dụng Zalo trong vòng ba tháng. Ngoài ra còn một loạt những gói ưu đãi nhắn tin hay gọi điện nội mạng mà giá cước cũng ở mức cực rẻ.
Gần 10 năm đầu tư tại Việt Nam đã giúp Vietnammobile hiểu rõ thị trường và tích lũy kinh nghiệm cho sự phát triển tới đây.
Bà Fong đồng ý là phân khúc khách hàng mà Vietnamobile hướng tới không phải là những người có thu nhập tốt nên doanh thu từ mỗi thuê bao sẽ không được nhiều. Nhưng bù lại Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ chiếm đa số trong tổng số gần 100 triệu dân nên nhà mạng này có thể có doanh thu tốt nhờ số lượng thuê bao lớn. Và nếu như chiến lược mới của Vietnamobile thành công thì thị phần của nhà mạng này sẽ mở rộng hơn và vị thế của Vietnamobile cũng sẽ vững chắc hơn.
Còn hiện tại, Vietnamobile vẫn chiếm thị phần nhỏ nhất trong số các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông di động. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2015, Vietnamobile mới chỉ có gần 11 triệu thuê bao. Trong khi đó, số thuê bao của Viettel là 56,4 triệu, Vinaphone là 29,7 triệu. Doanh thu của Vietnamobile cũng rất thấp nếu so với những doanh nghiệp đàn anh kể trên. Năm 2015, tổng doanh thu của nhà mạng này ước đạt 9.950 tỷ đồng, Viettel là 222.700 tỷ đồng và MobiFone là 36.900 tỷ đồng. “Nhiều người nói chúng tôi thất bại trong suốt gần 10 năm đầu tư tại Việt Nam, nhưng theo quan điểm của chúng tôi thì không phải vậy. Quãng thời gian qua giúp chúng tôi tìm hiểu thị trường và tích lũy kinh nghiệm cho sự phát triển sau này”, bà Fong nói.
Rào cản 3G
Có thể bà Fong và các nhà đầu tư của Vietnamobile như Hà Nội Telecom và Hutchison Asia Telecommunications đang rất lạc quan rằng, các sản phẩm như SIM Pizza sẽ giúp mở rộng thị phần của Vietnamobile. Nhưng mọi chuyện sẽ không đơn giản như vậy.
Thực tế thì trong những năm qua, Vietnamobile đã tung ra khá nhiều sản phẩm SIM mới kèm các gói ưu đãi, khuyến mại nhắm vào giới trẻ, nhưng số thuê bao của mạng này vẫn không có sự gia tăng đột biến. Nếu nói về kinh nghiệm thì Vietnamobile có lẽ không thua kém so với các đối thủ khác, vì Hutchison Asia Telecommunications là công ty đã có nhiều kinh nghiệm phát triển mạng viễn thông di động tại châu Á và cả châu Âu. Nhưng kinh nghiệm đôi khi không quyết định kết quả cuộc chơi, vì đã từng có hai tập đoàn viễn thông nước ngoài sừng sỏ khác là SK Telecom của Hàn Quốc và Vimpelcom của Nga chịu thất bại nhanh chóng tại Việt Nam.
Nước đi mới của Vietnamobile
- Chuyển đổi mô hình từ hợp tác kinh doanh sang công ty cổ phần.
- Đầu tư thêm 200 triệu USD.
- Mở rộng diện phủ sóng 3G khắp cả nước.
- Nhắm vào phân khúc khách hàng trẻ
Vietnamobile hiện là công ty viễn thông có vốn đầu tư nước ngoài duy nhất đang tồn tại trên thị trường Việt Nam. Và lý do chính đang cản trở tăng trưởng thuê bao của mạng này là diện phủ sóng 3G của Vietnamobile vẫn còn quá nhỏ. Hiện tại thương hiệu này mới phủ sóng 3G tại ba thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, các vùng còn lại mới chỉ được phủ sóng 2,75G – theo thông tin do chính bà Fong cung cấp. Trong khi số người sở hữu những chiếc điện thoại smartphone ngày càng tăng lên và các nhà mạng thậm chí còn chuẩn bị cung cấp dịch vụ 4G thì diện phủ sóng 3G quá hẹp của Vinamobile không hấp dẫn được khách hàng.
Cả Hutchison Asia Telecommunications và Hà Nội Telecom đã nhìn thấy điều đó và đầu năm nay đã quyết định chuyển đổi mô hình từ hợp tác kinh doanh sang công ty cổ phần. Đi kèm với đó là khoản đầu tư mới hơn 200 triệu USD. Bà Fong cho biết, toàn bộ số tiền đầu tư mới đó sẽ được sử dụng để đầu tư vào mạng 3G tại Việt Nam. “Chúng tôi hy vọng trong vòng 12 tháng Vietnamobile sẽ phủ sóng 3G khắp cả nước”, bà Fong chia sẻ.
Tuy nhiên, 12 tháng tính từ khi nào thì lại là điều chưa rõ. Tổng giám đốc Vietnamobile cho biết, điều này còn phụ thuộc vào việc khi nào Vietnamobile nhận được giấy phép từ cơ quan quản lý.
Ngọc Linh
Nguồn Doanh Nhân Online