Công ty Kantar Worldpanel công bố thị trường thương mại điện tử FMCG toàn cầu đã tăng 15% lên 48 tỷ đô
Ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, thị trường hàng tiêu dùng nhanh thông qua thương mại điện tử tăng trưởng vượt trội hơn so với tăng trưởng chung của thị trường trong 12 tháng tính đến tháng 6 năm 2016.
Doanh số hàng tiêu dùng nhanh thông qua kênh thương mại điện tử đạt 48 tỷ đô trong 12 tháng tính đến tháng 6 năm 2016, dựa theo báo cáo mới nhất của công ty Kantar Worldpanel được công bố ngày 29 tháng 9 vừa qua.
Theo báo cáo thường niên năm thứ 3 “Tương lai của thương mại điện tử trong ngành hàng tiêu dùng nhanh”, thương mại điện tử hiện chiếm 4,4% tổng doanh thu bán hàng. Trái ngược với thị trường thương mại điện tử đang phát triển chóng mặt, ngành hàng tiêu dùng nhanh nói chung đang khá ảm đạm, chỉ tăng 1.6% so với cùng kì năm ngoái. Tại Việt Nam, khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn: trong khi kênh thương mai điện tử tăng đến 33% thì mức tăng trưởng chung của ngành hàng tiêu dùng nhanh chỉ đạt 4.4% tại thành thị 4 thành phố lớn.
Ông Stéphane Roger, Giám đốc toàn cầu về Hành vi mua sắm và các Kênh bán lẻ của Kantar Worlpanel, cho biết:
“Ngành hàng tiêu dùng nhanh đang tăng trưởng chậm lại, nhưng dữ liệu của chúng tôi chỉ ra rằng người tiêu dùng ngày càng hướng đến sự tiện lợi, đặc biệt là mua sắm trực tuyến. Kênh thương mại điện tử trong lĩnh vực này, mặc dù hiện tại khá nhỏ với chỉ một trong bốn người là có mua hàng trực tuyến, tuy nhiên lại đang tăng trưởng rất nhanh. Chúng tôi dự đoán kênh mua sắm này sẽ tăng lên đến 9% thị phần trong tổng ngành hàng và trị giá 150 tỷ đô vào năm 2025. Với những cái tên mới nổi bật như Amazon, chúng ta có thể hi vọng hình thức này sẽ biến chuyển vô cùng mạnh mẽ.
Mặc dù doanh số bán hàng trực tuyến có khả năng sẽ dần chiếm lĩnh doanh thu từ các cửa hàng, nhưng điều quan trọng là các nhà bán lẻ cần phản ứng nhanh chóng để phát triển một mô hình thương mại điện tử vững chắc. Những nhà bán lẻ tiên phong đang chiếm hầu hết thị phần bán hàng trực tuyến – thị phần của họ có thể chênh lệch lên đến 40% tại Pháp và nhiều hơn gấp 3 lần tại Anh so với đối thủ của họ. Trong báo cáo này, chúng tôi đã tìm hiểu việc các nhà bán lẻ và thương hiệu đang hoạt động ra sao trên tất cả các kênh bán hàng”.
Ông Fabrice Carrasco – Tổng Giám Đốc điều hành của Kantar Worldpanel Việt Nam, Indonesia và Philippines đã nhận định trong bài viết gần đây nhất của ông: “Tại Việt Nam, hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến đã tăng trưởng ở mức hai con số từ một nền tảng nhỏ trong những năm gần đây và chúng tôi dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục phát huy. Trong vòng chưa đầy ba năm, nó đã phát triển và hiện hữu trong những thị trường không phải hàng tiêu dùng nhanh, trong khi rất nhiều chuyên gia nhận định rằng xu hướng này chưa sẵn sàng để thành công tại thị trường trong nước. Có thể nói rằng, thương mại điện tử cũng sẽ trở thành hiện hữu trong tương lai của các mặt hàng tiêu dùng nhanh, và các thương hiệu cũng như những ai tham gia đang hoàn thiện mình một cách nhanh chóng. Vì vậy, hãy chuẩn bị sẵn sàng cho những bước đi tiên phong nếu bạn thực sự quan tâm về thương mại điện tử, bởi nó sẽ trở thành hiện thực nhanh hơn bạn nghĩ”.
Những điểm nổi bật trong báo cáo:
Tiêu điểm toàn cầu: Dấu hỏi về hiệu suất?
Mức tăng trưởng của thương mại điện tử không phải là cân bằng trên thế giới, và không thể giải thích bằng sự liên kết. Không quá bất ngờ khi Hàn Quốc, quốc gia hàng đầu về điện tử kĩ thuật số, đang là thị trường hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến lớn nhất trên thế giới, tính theo giá trị thị phần (16.6%). Tuy nhiên, tại Mỹ, chỉ 1.4% các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh được mua trực tuyến. Trung Quốc là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong 12 tháng qua tăng 47%, chiếm 4.2% giá trị thị phần. Phần lớn châu Âu thích ứng tương đối chậm với hình thức này, ngoại trừ Anh (6.9% thị phần) và Pháp (5.3%). Pháp là quốc gia có thị trường thương mai điện tử khá đặc biệt, khi mà sự thành công của họ chủ yếu đến từ Mô hình thu hút và các gian hàng trực tuyến bắt nguồn từ các cửa hàng. Thích ứng chậm cũng là điều tương tự tại các nước Mỹ Latinh ngoại trừ Argentina với thị phần trực tuyến chiếm 1%.
Trực tuyến khởi tạo sự trung thành
Một khi khách hàng đã bắt đầu mua sắm trực tuyến, họ nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều đó. Nhóm khách hàng này chi nhiều hơn cho thương mại điện tử qua các năm, dẫn đến việc giảm số lần mua sắm tại các cửa hàng truyền thống.
Thúc đẩy nhu cầu mua hàng ngẫu hứng
Nghiên cứu so sánh tại các nước Anh, Pháp và Trung Quốc chỉ ra rằng sau một năm kể từ khi bắt đầu mua sắm trực tuyến, người mua tại Anh và Pháp đã chi ít hơn (-2.4 % và -1.4%). Điều này xuất phát từ việc hành vi mua hàng ngẫu hứng giảm dần. Các thương hiệu cần phải bắt tay vào thu hút và thúc đẩy lượng mua sắm ngẫu hứng qua trực tuyến, ví dụ như đề xuất các sản phẩm bổ sung. Tại Trung Quốc,
50% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh từ trực tuyến là chăm sóc sắc đẹp, vốn được xem là một cơ hội đáng giá và nó thực sự đã tăng trưởng trong một năm qua (+8.1%)
Giỏ hàng mua sắm trực tuyến ngày càng lớn
Người mua thường chi tiêu nhiều hơn cho mỗi chuyến mua hàng trực tuyến so với mua hàng truyền thống. Vì vậy, điều này có thể là yếu tố tiềm năng sinh lời. Ở Việt Nam chẳng hạn, trung bình giỏ hàng trực tuyến cao gần gấp 4 lần so với mức trung bình.
Các thương hiệu nằm trong danh sách mua hàng trực tuyến thường được tiếp tục mua trong những lần sau đó
Số liệu Kantar Worldpanel chỉ ra rằng 55% người mua sắm trực tuyến sử dụng danh sách mua sắm tương tự lần mua trước cho lần mua kế tiếp. Các thương hiệu cần tập trung nỗ lực để được nằm trong danh sách này.
Vui lòng nhấn vào đây để đọc báo cáo đầy đủ.
Vui lòng nhấn vào đây để đọc toàn bộ bài viết của ông Fabrice Carrasco.
David Anjoubault - General Manager, Kantar Worldpanel Vietnam
Nguồn Kantar Worldpanel