Netflix đang đuối sức?
Đầu tháng 10, phố Wall bất ngờ rộ lên nhiều tin đồn tập đoàn giải trí khổng lồ The Walt Disney Company sẽ thâu tóm dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix và có thể là CEO Reed Hastings của Netflix cũng sẽ trở thành CEO của Disney. Sau khi có tin đồn này, giá cổ phiếu Netflix đã lập tức tăng khoảng 8%.
Tuy nhiên, đến giờ phút này, xem ra kịch bản trên vẫn chưa có dấu hiệu sẽ trở thành hiện thực, ngoại trừ chuyện phim của Disney đã bắt đầu có mặt trên Netflix, theo một thỏa thuận được ký từ năm 2012. Cũng theo một tin đồn khác, Apple có thể sẽ mua Netflix để bổ sung thêm vào mảng dịch vụ. Tuy nhiên, tin này lại càng thiếu cơ sở thực tế hơn vì 2 bên chưa hợp tác nhiều với nhau và Apple cũng rất ít khi thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A).
Điều gì đã khiến cho Phố Wall dễ bị “chấn động” trước các tin đồn về Netflix? Là cổ phiếu tốt nhất nhóm S&P 500 trong năm 2015 với mức tăng 134%, tình hình Netflix đã không được khả quan lắm trong năm nay, mới tăng chưa tới 10%, bất chấp số liệu quý III khá tốt. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng vào việc Netflix sẽ được thâu tóm, để có cơ hội lặp lại kỳ tích của năm ngoái.
Hiện tại, Netflix vẫn đang giữ vị trí số 1 trên thị trường dịch vụ xem video theo yêu cầu (video on-demand/VOD) với tổng cộng 83 triệu thuê bao trên thế giới. Năm 2015, một mình Netflix chiếm tới 37% tổng lưu lượng dữ liệu internet tại Bắc Mỹ, gấp đôi so với YouTube.
Với giá trị vốn hóa thị trường của Netflix khoảng 43 tỷ USD, chỉ có một số rất nhỏ các tập đoàn công nghệ và truyền thông đủ sức thâu tóm hãng này và họ cũng sẽ phải suy nghĩ rất kỹ xem có đáng cái giá đó hay không. Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu của Netflix đạt 5,94 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, còn lợi nhuận ròng đạt 121 triệu USD, tăng 53%. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý là năm 2015, Netflix kinh doanh không được hiệu quả. Dường như Netflix đang ở quỹ đạo đi xuống nếu so với 9 tháng đầu năm 2014 khi lợi nhuận ròng đạt 183 triệu USD.
Trước đây, bản quyền phát sóng trên VOD cho các loạt phim truyền hình còn khá rẻ, vì các studio sản xuất khi đó không kỳ vọng nhiều vào kênh này. Năm 2008, Netflix từng giành được quyền chiếu cả kho phim của kênh Starz trong 4 năm liền với giá 25 triệu USD/năm. Tuy nhiên, khi ngành VOD lớn mạnh vượt bậc trong những năm gần đây, chi phí này cũng theo đó gia tăng đáng kể.
Đến năm 2011, Starz từ chối kéo dài thỏa thuận với Netflix, dù hãng này khi đó đã chịu tới 300 triệu USD/năm.Để hiểu được tại sao biên lợi nhuận ròng của Netflix thường xuyên nằm ở mức khiêm tốn dưới 5%, phải hiểu rằng ngành kinh doanh VOD có tỉ trọng chi phí cực kỳ cao. Năm 2016 này, tổng ngân quỹ để đầu tư vào nội dung của Netflix là 5 tỷ USD. Đây là con số thoạt nghe có vẻ lớn, nhưng chi phí mua lại bản quyền hay tự sản xuất phim đều không hề rẻ.
Cách đây 4 năm, chi phí đầu tư cho nội dung của Netflix còn dưới 2 tỷ USD, năm nay đã lên tới 5 tỷ USD và dự kiến đạt 6 tỷ USD trong năm 2017. Báo cáo tài chính gần đây nhất (quý III/2016) của Netflix cho thấy họ đang nợ 14,4 tỷ USD chi phí bản quyền, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Để so sánh, chi phí nội dung của kênh truyền hình cáp chuyên về phim mạnh nhất hiện nay là HBO cũng chỉ khoảng 2 tỷ USD/năm.
Bên cạnh đó, những đối thủ lớn của Netflix như Hulu, Amazon và thậm chí là YouTube cũng đang tích cực tranh giành quyền chiếu các bộ phim ăn khách. Điều này khiến cho các studio có lợi thế trong đàm phán và dễ dàng yêu cầu được giá cao hơn từ các kênh VOD. Trong năm 2015, theo ước tính của RBC Capital Markets, tổng số tiền mà 3 hãng Netflix, Hulu và Amazon đổ vào việc mua bản quyền nội dung là 6,5 tỷ USD, tăng 70% so với năm 2013.
Ngoài ra, các kênh truyền hình cáp lớn nhất chuyên về phim như HBO, Starz và Showtime cũng chủ động tung ra các dịch vụ VOD dành riêng cho phim của họ, nghĩa là Netflix không tiếp cận được kho phim của các hãng này. Trong tháng 4 vừa qua, theo số liệu từ Sensor Tower, tổng số lượt tải về ứng dụng di động của 4 dịch vụ HBO Now, Amazon Video, Hulu và Showtime gộp lại đã lần đầu tiên vượt qua Netflix.
Trước tình hình như vậy, cũng không ngạc nhiên khi kho phim của Netflix đang ngày càng bị thu hẹp lại, bất chấp việc chi phí nội dung ngày càng tăng cao. Từ đỉnh điểm có khoảng 11.000 phim năm 2012, hiện kho phim của Netflix tại Mỹ chỉ còn 5.302 phim, theo tính toán của Exstreamist và uNoGS. Tính theo danh sách 250 phim có điểm cao nhất trên trang tổng hợp phim IMDB, Netflix còn “thê thảm” hơn: vỏn vẹn 31 phim, so với 49 phim hồi năm 2014.
Gặp khó khăn trong việc mua bản quyền từ các studio, việc Netflix phải đầu tư vào sản xuất nội dung riêng (original content) cũng là điều dễ hiểu. Năm 2015, tổng thời lượng các phim độc quyền dành riêng cho Netflix là khoảng 400 giờ, sang năm 2016 mục tiêu này là 600 giờ và tới năm 2017 là 1.000 giờ. Tuy nhiên, việc đi theo chiến lược tự sản xuất cũng không phải là điều đơn giản.
Gần đây, Netflix đã tuyên bố sẽ hủy bỏ loạt phim Bloodline chỉ sau 3 mùa chiếu. Đây là điều bất ngờ vì bộ phim Bloodline vừa mới giành một giải Emmy vào tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, điều tra của tạp chí Vulture cho thấy, Netflix đã phải bỏ ra tới 7-8,5 triệu USD cho mỗi tập phim Bloodline. Đây là một con số không hề nhỏ, nếu so với mức bình quân 3-3,5 triệu USD để sản xuất 1 tập phim truyền hình tại Mỹ, hay chi phí 6-9 triệu USD/tập cho loạt phim ăn khách nhất hiện nay là Trò Chơi Vương Quyền (Game Of Thrones) của HBO.
Nói cách khác, Netflix đã “vung tay quá trán” cho Bloodline và không có khả năng tiếp tục nữa. Điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu Netflix có đang chi ra quá nhiều cho các loạt phim độc quyền khác của họ hay không. Hiện tại, Netflix đang chuẩn bị ra mắt một loạt phim truyền hình mới là The Crown kể về Nữ hoàng Anh Elizabeth II, với kinh phí đầu tư lên tới khoảng 120 triệu USD cho 10 tập đầu tiên. Đây là dự án sản xuất đắt đỏ nhất từ trước đến giờ của Hãng và vì thế cũng là một cú đặt cược đầy mạo hiểm.
Một yếu tố khác cũng cần phải lưu ý là Netflix không phải là chủ sở hữu bản quyền của các phim tự sản xuất, mà chỉ là độc quyền chiếu các phim này trên Netflix trong thời gian nhất định. Nhiều loạt phim nổi tiếng dành riêng cho Netflix đều thuộc sở hữu của một studio bên ngoài: House Of Cards thuộc về Media Rights Capital, Orange Is The New Black thuộc về Lionsgate. Trong khi đó, nguồn thu duy nhất mà Netflix có thể thu về từ các phim này là tiền thuê bao hằng tháng, các studio còn có nhiều kênh thu nhập khác.
Một phần Netflix vẫn giữ được doanh thu tốt là nhờ tăng mức phí sử dụng, từ 7,99 USD/tháng cho gói cơ bản lên 9,99 USD vào tháng 5 năm nay. Tuy nhiên, về lâu dài, Netflix phải nghĩ được cách thuyết phục khách hàng trả nhiều tiền hơn cho một kho phim nhỏ hơn. Ngoài ra, cũng có nghi vấn liệu Netflix có duy trì được đà tăng trưởng thuê bao ở bên ngoài nước Mỹ hay không, khi kho phim của Netflix ở các nước khác đều nhỏ hơn ở Mỹ. Peter Garnry, Trưởng Bộ phận Chiến lược cổ phiếu của Saxo Bank (Đan Mạch), nhận xét: “Dòng tiền Netflix chi ra để thu hút thuê bao mới đã tăng 100%, trong khi doanh thu chỉ tăng 30%, vì vậy sự chênh lệch này là một mối quan ngại đối với tôi”.
Tuấn Minh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư