Thị trường thương mại điện tử: "Tay ngang" vào cuộc
Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) thương mại điện tử vẫn chưa thu hồi được vốn đầu tư thì gần đây khá nhiều website bán hàng online gia nhập "sân chơi". Liệu các DN này có đạt kỳ vọng?
Nhiều ý kiến cho rằng lĩnh vực bán lẻ điện máy online không có nhiều lợi thế so với lĩnh vực tiêu dùng khác khi khách hàng thường có xu hướng mua hàng tại các kênh phân phối để trải nghiệm sản phẩm trực tiếp. Tuy nhiên, với nguồn hàng công nghệ, thực phẩm, gia dụng, đồ dùng em bé... rất phong phú đang được kinh doanh tại 3 công ty trực thuộc, Thế Giới Di Động đã mạnh tay triển khai hệ thống bán hàng online qua website VuiVui.com.
Với thế mạnh kinh doanh hầu hết các ngành hàng phổ biến như điện tử, điện máy, ô tô, xe máy, đồ nội thất, sách, thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm tươi... cộng với thời gian giao hàng chỉ trong vòng 24 giờ, tháng 8/2015, Adayroi.com - sàn thương mại điện tử của Vingroup đã ra mắt.
Tương tự, dựa vào thế mạnh độc giả đông đảo, báo điện tử Vnexpress cũng đã khai trương website shop.vnexpress.net chuyên bán đồ công nghệ như điện thoại, máy tính, phụ kiện... Tiếp theo, Công ty CP Báo Thanh Niên cũng mở website bán hàng Muahangviet.com.vn chuyên cung cấp các loại nông sản sạch.
Với thế mạnh về mạng lưới vận chuyển, trung tuần tháng 9/2016, Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) khai trương sàn thương mại điện tử sandacsan.com.vn với nhiều sản phẩm được giảm giá theo từng khung giờ. Ngày 1/10, Báo điện tử Phununews ra mắt trang thương mại điện tử Phunumart theo mô hình kinh tế chia sẻ.
Ông Lê Bảo Quốc - Giám đốc Điều hành Phunumart cho biết: "Lợi thế của phunumart là đối tác chiến lược của các trang thương mại điện tử như mGift.vn, kay.vn, dealtoday.vn, các đơn vị báo chí như phununews.vn, nguoitieudung.com.vn, nguoiduatin.vn, tamnhin.net, vietpress.vn. Chiến lược của Phunumart là tiếp cận khách hàng các tỉnh vì 80% sức mua vẫn còn nằm ở đây".
Cũng trong tháng 10 này, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã ra mắt website thương mại điện tử Vinamilk eShop...
Dù được xem là "tay ngang" (thương mại điện tử không phải là lĩnh vực kinh doanh chính), nhưng với tiềm lực sẵn có, một số DN đã thu được kết quả khá ấn tượng. Theo nghiên cứu của Euromonitor International, năm 2015 doanh thu từ mảng online của Thế Giới Di Động đạt 1.650 tỷ đồng, chiếm 6,5% doanh thu, tăng 94% so với năm 2014. Trong 8 tháng đầu năm nay, doanh thu tăng 74% so với cùng kỳ năm 2015, lên 1.877 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngoan - chuyên viên tư vấn thương hiệu, Chủ tịch Công ty CP Manda Mind: "Dù có tiềm lực và thế mạnh riêng nhưng hầu hết các DN tham gia thương mại điện tử vẫn chưa thu được lợi nhuận. Công ty CP Đặc sản ba miền cũng đang lỗ khi phải nuôi trang thương mại điện tử dacsan3mien.com. Lý do lỗ là chi phí logicstic, nếu đơn hàng chỉ 100 - 200.000 đồng, giao hàng miễn phí sẽ không có lợi nhuận. Hai là chi phí đầu vào, nếu muốn nhiều hàng hóa thì phải có nguồn vốn mạnh đi kèm kho bãi lưu trữ". Đây cũng là điểm yếu của Muahangviet.com.vn khi mặt hàng nông sản, rau củ quả luôn đòi hỏi phải có hệ thống bảo quản.
Cũng theo ông Ngoan, không có DN thương mại điện tử nào thu hồi vốn sau 3 năm, vì vậy, mục đích trước mắt khi tham gia vào thương mại điện tử của các doanh nghiệp là mở thêm một kênh bán hàng để nhắm vào đối tượng khách hàng trẻ, đồng thời khai thác sản phẩm, dịch vụ và lượng khách hàng dồi dào sẵn có. Nghĩa là tạo thêm giá trị gia tăng xung quanh giá trị kinh doanh cốt lõi chứ không nhằm mục đích kiếm lãi.
Đó là lý do đến thời điểm này, hầu hết các trang thương mại điện tử này vẫn trong giai đoạn thử nghiệm chứ chưa hoạt động trên quy mô toàn quốc như Lazada.vn.
Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn