Viettel muốn miếng bánh 10 tỉ USD thương mại điện tử?
Dù đi sau nhưng Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) đã nhanh chóng chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực viễn thông, với lợi nhuận gấp gần 4 lần VNPT và Mobifone cộng lại, lên tới 45.800 tỉ đồng vào năm 2015.
Tuy nhiên, ở những thị trường ngoài ngành như bán lẻ, giao nhận..., Viettel lại không đạt được như ý. Vì vậy, Viettel Post, một đơn vị chuyên mảng giao nhận của Viettel, tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu mảng kinh doanh mới này của Viettel có thành công?
Viettel 2.0
Trang thương mại điện tử của Viettel Post chuyên cung cấp các mặt hàng đặc sản tại địa chỉ www.sandacsan.com.vn. Trang này bán nhiều mặt hàng thực phẩm, đồ uống, gạo, gia vị và thủ công mỹ nghệ... Việc Viettel Post đặt chân vào thương mại điện tử, ngoài sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ trực tuyến, còn có thể lý giải là ngành kinh doanh giao nhận đang gặp khó khăn và biên lợi nhuận thấp, trong khi tốn kém về nhân lực. Doanh nghiệp nước ngoài đã thâu tóm toàn bộ thị trường bưu chính từ nước ngoài về Việt Nam và gần hết thị trường từ Việt Nam ra nước ngoài. Do đó, Viettel Post phải tìm hướng phát triển mới nhằm gia tăng doanh số và lợi nhuận. Đặc biệt, khi chữ ký số được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến hơn, khiến số lượng thư, tài liệu của doanh nghiệp bưu chính sẽ giảm mạnh. Vì vậy, thương mại điện tử được coi là giải pháp “thoát hiểm” của các doanh nghiệp bưu chính như Viettel Post.
Theo báo cáo tài chính của Viettel Post, 6 tháng đầu năm nay, mặc dù tạo ra hơn 1.300 tỉ đồng doanh thu, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2015 nhưng lợi nhuận chỉ gần 60 tỉ đồng, so với con số 30 tỉ đồng 6 tháng đầu năm 2015. Với lợi thế về internet, việc tham gia lĩnh vực thương mại điện tử của Viettel Post nhằm gia tăng doanh thu, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh chính là giao nhận.
Có thể thấy, Viettel Post có thế mạnh về mạng lưới vận chuyển, tận dụng việc đi xa và hệ thống bưu cục, nhân sự rộng lớn trên toàn quốc. Mở thêm lĩnh vực thương mại điện tử, Viettel Post tự tin có thể tiết giảm được chi phí và kết nối được với người tiêu dùng.
Viettel Post được thành lập năm 1997, đến nay đã phủ 100% mạng lưới chuyển phát trên toàn quốc, kể cả các huyện đảo. Công ty hiện có gần 680 bưu cục, 300 đại lý nhận chuyển phát thư hàng, gần 1.000 phương tiện vận chuyển và 5.000 nhân sự khắp cả nước. Theo công bố của Viettel Post, công ty này đang có thị phần thứ 2 trong ngành chuyển phát tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng đạt 40,6%/năm trong giai đoạn năm 2011-2015.
Với sandacsan.com.vn, Viettel Post cũng muốn tạo ra một trang thương mại điện tử nhằm hỗ trợ người sản xuất kinh doanh, quảng bá sản phẩm, giúp họ tiết kiệm chi phí vận chuyển và hỗ trợ kênh thanh toán cho cả người mua và người bán. Sandacsan.com.vn của Viettel hoạt động theo mô hình B2C, đòi hỏi Viettel phải đầu tư hệ thống kho hàng và giao nhận ở quy mô lớn.
Mô hình kinh doanh thương mại điện tử công ty - người tiêu dùng (B2C) của Việt Nam năm 2015 đạt doanh số khoảng 4,07 tỉ USD, tăng 37% so với năm trước đó, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Thị trường thương mại điện tử được kỳ vọng đạt quy mô lên tới 10 tỉ USD vào năm 2020 tiếp tục là miếng bánh hấp dẫn. Với lợi thế về tiềm lực tài chính, chắc chắn một doanh nghiệp đầy tham vọng như Viettel không dễ bỏ qua thị trường tiềm năng này.
Đến nay, mảng doanh thu của Viettel Post thông qua việc kết hợp với các doanh nghiệp thương mại điện tử vẫn đang khả quan. Viettel Post kỳ vọng sẽ đạt mức 20% tổng doanh thu dịch vụ chuyển phát trong khoảng 3-5 năm tới. Nhưng có thể thấy, thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời điểm hiện nay cần những mô hình và ý tưởng kinh doanh đột phá, mang tính cách mạng, chứ không đơn thuần chỉ là quảng cáo, bán hàng trên mạng. Ngoài lợi thế về giao nhận, mô hình sandacsan.com.vn của Viettel Post không có lợi thế về ý tưởng khi đối đầu với hàng loạt trang web thương mại điện tử có mô hình tương tự như sendo.vn, adayroi.com, lazada.vn...
Rào cản gia nhập thị trường
Ngoài viễn thông, Viettel từng rầm rộ mở chuỗi cửa hàng bán lẻ thiết bị di động nhưng đến nay không mấy thành công, doanh thu gần như không tăng trưởng.
Theo số liệu thống kê của GfK, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, các chuỗi bán lẻ di động lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn Thông A, Vinpro đều tích cực mở rộng. Trong khi đó, Viettel Store đã phải giảm 3 cửa hàng, từ 291 xuống còn 288. Tính về số lượng cửa hàng, Viettel Store đứng vị trí thứ 3 sau Thế Giới Di Động và FPT. Nếu so sánh về tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, Viettel Store đứng thứ 5, với mức tăng trưởng 4%, thấp hơn nhiều so với 4 hệ thống, Vinpro 59%, Thế Giới Di Động 47%, FPT Shop 24%, Viễn Thông A 20%.
Không chỉ Viettel Store mà cả Tập đoàn Viettel đều đang đứng trước bài toán thay đổi. Đầu năm nay, CEO Viettel ông Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt câu hỏi cho toàn bộ nhân viên Viettel “tồn tại, hay không tồn tại” và đặt vấn đề tái tạo ra một Viettel mới, Viettel 2.0. Tuy nhiên, thay đổi không có nghĩa là Viettel mở rộng sang nhiều lĩnh vực như hiện nay. Điều này có thể sẽ là những quyết định khiến Viettel gặp khó khăn.
CEO Viettel ông Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt câu hỏi cho toàn bộ nhân viên Viettel “tồn tại, hay không tồn tại” và đặt vấn đề tái tạo ra một Viettel mới, Viettel 2.0.
Viettel tham gia mô hình thương mại điện tử với nhiều thách thức phải đối mặt, đặc biệt trong thời điểm có nhiều trang thương mại ngừng hoạt động như Deca.vn, Beyeu.com, Lamdieu.com, Foreva.vn, fab.vn... và gần đây nhất là Lingo.vn. Central Group cũng đã khai tử Cdiscount sau khi mua lại Big C. Trong khi đó, không ít trang thương mại điện tử đã phải bán mình. Gần đây nhất, tháng 4.2016, Rocket Internet, chủ sở hữu Zalora Việt Nam, đã bán lại sàn thương mại điện tử này cho Central Group (Thái Lan). Tương tự, Alibaba (Trung Quốc) đã chính thức làm chủ sàn thương mại điện tử Lazada tại Đông Nam Á, sau khi hoàn tất thương vụ trị giá 1 tỉ USD. Đầu tháng 12.2015, Foodpanda.vn cũng đã bị Vietnammm.com mua lại...
Một nguyên nhân khác khiến nhiều trang thương mại điện tử hoạt động ngày càng khó khăn là do sự gia nhập thị trường của các “đại gia” như Vingroup (Adayroi.com), FPT (Sendo.vn), Tiki.vn... Sức ép cạnh tranh lớn từ các thương hiệu này khiến các trang thương mại điện tử khác khó còn cơ hội phát triển, nếu không tạo ra đột biến.
Chi phí giao hàng cao, dịch vụ chưa tốt đang khiến giá bán các sản phẩm trực tuyến không rẻ hơn so với kênh mua sắm truyền thống. Đây là điểm yếu của thương mại điện tử tại Việt Nam nhưng cũng là cuộc chiến của nhiều công ty giao nhận thương mại điện tử, trong đó có Viettel Post. Ngoài VNPost, Chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS), DHL-VNPT, Công ty Chuyển phát nhanh Tín Thành (Kerry TTC), Viettel Post còn phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp mới như Giao hàng nhanh, Lazada Express...
Theo định hướng của Viettel Post, dịch vụ giao hàng, giao hàng thương mại điện tử của doanh nghiệp này hướng đến mô hình chuyên nghiệp, nhân viên giao hàng cũng là người chăm sóc tư vấn bán hàng cho người nhận... Đó là một định hướng của doanh nghiệp lớn có tiềm lực. Mảng thương mại điện tử của Viettel Post cũng cần phải có định hướng ở tầm tương tự, chứ không đơn giản chỉ là một trang web bán hàng thực phẩm, đặc sản như hiện nay.
Minh Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư