Doanh nghiệp Nhật hăng hái nắm bắt cơn 'thèm' mì gói của người Việt

Việt Nam là một trong những nước “thèm” mì ăn liền nhất thế giới khi thu nhập người dân tỷ lệ thuận với mức tiêu thụ mì gói. Nắm bắt điều này, các doanh nghiệp Nhật Bản quyết tâm giành thị phần thị trường Việt Nam.

Theo tờ The Asashi Shimbun, Việt Nam xếp hạng tư trong các thị trường mì ăn liền lớn nhất thế giới sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang thúc đẩy nhiều thay đổi trong lối sống mà theo nhiều nhà sản xuất Nhật, đây là điều kiện lý tưởng cho kế hoạch mở rộng.

Theo Hiệp hội Mì Ăn liền Thế giới ở Ikeda, Osaka (Nhật Bản), người Việt ăn 4,8 tỉ suất mì ăn liền trong năm 2015. Với 90 triệu dân, mỗi người Việt trung bình ăn 50 suất/năm. Việt Nam chiếm 5% nhu cầu mì gói thế giới.

Các hãng Nhật từng tập trung vào loại mì được đóng gói trong bao bì nhựa và rẻ hơn giờ đây đang thúc đẩy dòng sản phẩm mì ly đắt hơn để kích thích thị trường, phục vụ nhu cầu gia tăng của bộ phận người giàu hơn.

Doanh nghiệp Nhật hăng hái nắm bắt cơn thèm mì gói của người Việt

Ảnh chụp màn hình trang The Asashi Shimbun.

Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, chi nhánh địa phương của Công ty Acecook ở Osaka kiểm soát hơn 50% thị phần thị trường mì ăn liền Việt Nam. Hồi tháng 7, Acecook Vietnam ra mắt sản phẩm Handy Hảo Hảo dạng mì ly có nhiều thịt và rau hơn, với giá 8.000 đồng/ly, đắt gấp đôi so với mì ăn liền đóng gói thông thường vốn vào khoảng 3.500 đồng.

Nhà máy mới nhất của Acecook Việt Nam tọa lạc tại khu công nghiệp chỉ cách trung tâm TP.HCM 40 phút lái xe. Hiện hãng có ba dây chuyền sản xuất, một trong số này được dành riêng để sản xuất loại mì ly. Sản phẩm chính của Acecook là Hảo Hảo, chào sân từ năm 2000.

Một trong những lý do chính dẫn đến sự thay đổi của Acecook Việt Nam là số dân có thu nhập trung bình gia tăng, chủ yếu ở những khu vực đô thị, và sở thích thực phẩm đa dạng của họ. Năm 2013, nhu cầu mì gói Việt Nam chạm đỉnh với 5,2 tỉ suất tiêu thụ song con số trên hạ trong hai năm sau đó. Kinh tế Việt Nam nhìn chung đi lên với tốc độ bình quân từ 5% đến cận 7% và GDP đầu người tăng 5 lần so với cách đây 15 năm.

Theo Hiệp hội Mì Ăn liền Thế giới ở Ikeda, Osaka (Nhật Bản), người Việt ăn 4,8 tỉ suất mì ăn liền trong năm 2015. Với 90 triệu dân, mỗi người Việt trung bình ăn 50 suất/năm. Việt Nam chiếm 5% nhu cầu mì gói thế giới.

Các yếu tố trên giúp tăng mạnh số lượng cửa hàng thức ăn nhanh, cửa hàng tiện lợi và sự xuất hiện của kiểu mì ăn liền dạng ly, chén nhiều hơn các sản phẩm khác vì nó tiện lợi. Chủ tịch Acecook Việt Nam Junichi Kajiwara cho hay: “Mì ly bán chạy hơn so với mì ăn liền dạng túi tại một số cửa hàng ở TP. HCM. Trước đây chẳng ai nghĩ điều này có thể xảy ra”.

Ngoài Acecook Việt Nam, nhiều hãng Nhật Bản khác như Nissin Foods Holdings cũng cho ra mắt sản phẩm mì ly mới đặc trưng bởi hương vị độc đáo và các thành phần đặc biệt tại Việt Nam. Dù sản phẩm Cup Noodles tương đối đắt, từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng, hãng Nissin cho hay chiến lược của họ là tạo ra nhu cầu mì ăn liền đắt giữa những người có thu nhập trung bình.

Công ty Hàn Quốc và Việt Nam cũng lao vào “cuộc chiến mì gói”. Người đứng đầu văn phòng Hà Nội của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản Atsusuke Kawada cho hay: “Dân số Việt Nam vẫn đang đi lên. Người Việt đang ngày càng giàu, thậm chí ở những vùng nông thôn. Có nhiều cơ hội để thúc đẩy tiêu thụ”.

Thu Thảo
Nguồn Thanh Niên