Vì sao Vinamilk đưa sữa lên Net?

Vinamilk (VNM) vừa công bố mở thêm mảng kinh doanh sữa trực tuyến. Đây là thông tin bất ngờ vì doanh thu thị trường này trong 5 năm tới cũng còn rất nhỏ so với doanh thu hiện tại của VNM. Câu hỏi được đặt ra là doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam kỳ vọng gì ở mảng thương mại điện tử?

Theo thông tin từ VNM, bắt đầu từ tháng 10, người tiêu dùng có thể mua các sản phẩm của Vinamilk tại giacmosuaviet.com.vn. Trước mắt là ở TP.HCM, chương trình này sẽ được mở rộng sang các tỉnh, thành phố lớn còn lại. Ước tính có hơn 200 sản phẩm được chia thành 6 ngành hàng được mở bán trên website. Sản phẩm sau khi đặt hàng trước 10 giờ sáng sẽ được giao trong ngày, sau thời gian đó sẽ được giao trong 24 giờ. Hóa đơn có giá trị từ 300.000 đồng trở lên, khách hàng sẽ được miễn phí vận chuyển. Thanh toán bằng tiền mặt hoặc thanh toán trực tuyến bằng các loại thẻ nội địa và quốc tế đều được VNM chấp nhận.

Cũng phải nói thêm VNM cũng không phải là doanh nghiệp sữa đầu tiên tham gia thương mại điện tử. Trước đó có các doanh nghiệp như TH True Milk, IDP... Nhưng giacmosuaviet.com.vn được đánh giá là website có thiết kế hỗ trợ việc mua hàng dễ dàng hơn.

Được biết, VNM hiện chưa đặt nặng vấn đề chỉ tiêu doanh thu cho mảng này, chủ yếu là làm thương hiệu. Bên cạnh đó, đây cũng là xu hướng chung của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) trên thế giới, nhằm đem lại sự tiện lợi nhất cho khách hàng.

Vì sao Vinamilk đưa sữa lên Net?

Sản phẩm Vinamilk sau khi đặt hàng trước 10 giờ sáng sẽ được giao trong ngày, sau thời gian đó sẽ được giao trong 24 giờ. Ảnh: Sơn Phạm.

Thực tế, thị trường thương mại điện tử mà VNM tham gia doanh thu trong 4 năm nữa cũng còn rất nhỏ so với thị trường truyền thống. Theo ước tính của website statista.com, hiện tại mỗi người Việt Nam chi khoảng 17 USD cho mua sắm thực phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe trên trực tuyến (bao gồm sữa, thức ăn, đồ giải khát, dược phẩm...), con số này sẽ xấp xỉ 20 USD vào năm 2020. Doanh thu hiện tại của mảng này là 53 triệu USD, ước tính sẽ cán mốc 142 triệu USD vào năm 2020, tương đương hơn 3.000 tỉ đồng. Chưa cần tính đến tỉ lệ ngành sữa chiếm bao nhiêu phần trăm, chỉ cần nhìn sang 3.000 tỉ đồng và gần 60 doanh nghiệp sữa trên thị trường hiện nay thì con số này không có gì hấp dẫn đối với một doanh nghiệp lớn như VNM.

Trong khi đó, VNM đang nắm trong tay hệ thống phân phối quyền lực nhất nhì ở thị trường Việt Nam. Theo báo cáo của VNM năm 2015, tính đến cuối năm ngoái, Công ty có 243 nhà phân phối độc quyền, qua đó gián tiếp sở hữu hơn 200.000 điểm bán lẻ trên cả nước. Còn ở kênh bán lẻ hiện đại, sản phẩm VNM có mặt ở 1.600 siêu thị và hơn 500 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Để duy trì sức mạnh của mình, năm ngoái, chỉ tính riêng chi phí bán hàng của Công ty cũng đã hơn doanh thu cả thị trường đồ ăn và sản phẩm chăm sóc sức khỏe vào năm 2020, hơn 6.000 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2014. Trong đó, chi phí nhiều nhất là hỗ trợ và hoa hồng cho nhà phân phối, hơn 2.300 tỉ đồng. Do đó, khó kiếm ra lý do gì để VNM phải tập trung nguồn lực hiện nay vào một mảng chưa thực sự hấp dẫn trong 5 năm tới.

Trên thực tế, ở các quốc gia thương mại điện tử phát triển rất mạnh như Mỹ, ngành sữa nói riêng hay ngành bách hóa nói chung cũng đang gặp vấn đề khi gia nhập thế giới bán hàng trực tuyến. Các mặt hàng như cà phê đóng gói đã phổ biến từ lâu trên các trang thương mại điện tử ở đây, nhưng các mặt hàng có hạn sử dụng, nhất là ngắn ngày như sữa thì không.

Mintel cho rằng hóm millennial có xu hướng rời bỏ những thương hiệu không cung cấp được các phương thức kết nối trực tuyến và tìm đến những thương hiệu có cung cấp công cụ này.

Nhiều doanh nghiệp phải tìm cách kéo dài tuổi thọ sản phẩm như hãng chế biến bánh kẹo Hershey đang thử nghiệm dòng sản phẩm Ice Breaker. Hoặc đem lại các trải nghiệm mua sắm mới mẻ cho khách hàng như Mondelez mở chiến dịch cho người mua tùy chỉnh bao bì của sản phẩm Oreo và Oreo Colorfilled vào các dịp mua sắm.

Bên cạnh đó, việc các ông lớn Mondenlez, General Mills hay PepsiCo vẫn đang tìm mọi cách để tăng doanh số bán hàng trực tuyến cũng đang tạo áp lực cho những doanh nghiệp cùng ngành, nếu không tham gia họ sẽ bỏ lỡ một cơ hội béo bở trong tương lai. Cũng có doanh nghiệp thành công như Nestlé khi bán hàng trực tuyến thông qua Tmall của Alibaba, ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu gấp 3 và lợi nhuận cao hơn so với mảng truyền thống.

Theo hãng nghiên cứu thị trường bán lẻ và may mặc Mintel, áp lực này không phải là xu hướng mà là kỳ vọng vào nhóm millennial (nhóm khách hàng trên dưới 20-30 tuổi) nắm bắt nhanh sự thay đổi của công nghệ. Mintel cho rằng nhóm này chắc chắn là nhóm thường xuyên mua sắm trực tuyến. Vì thế, họ sẽ có xu hướng rời bỏ những thương hiệu không cung cấp được các phương thức kết nối trực tuyến và tìm đến những thương hiệu có cung cấp công cụ này.

Có vẻ như sau khi nắm trong tay hệ thống phân phối lớn nhất nhì Việt Nam, VNM cũng không bỏ qua cơ hội củng cố thêm quyền lực của mình trên internet.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư