SaigonCo.op: Thị phần của nhà bán lẻ, sản xuất nội đang thu hẹp dần?
Trong khi các DN bán lẻ nội đang dần bị thu hẹp thị phần do làn sóng M&A mạnh mẽ của DN nước ngoài, hàng Việt cũng cần mất đi lợi thế cạnh tranh trong quầy kệ do chịu mức chiết khấu cao hoặc không được trưng bày ở vị trí đẹp.
Theo đại diện Liên Hiệp Hợp tác xã TPHCM (sở hữu chuỗi siêu thị Co.opmart), các chính sách hiện nay hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI nhiều hơn là doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Ví dụ, một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam đã được sự hỗ trợ nhanh chóng các địa điểm tốt để kinh doanh.
Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc giảm 50% trong vòng 2 năm đầu, trong khi các nhà bán lẻ trong nước mở siêu thị không được hưởng những ưu đãi đó. Thêm vào đó, làn sóng mua bán sáp nhập (M&A) của các tập đoàn nước ngoài tại Việc Nam ngày càng diễn ra sôi động.
Theo đại diện của Co.opMart, việc tập đoàn bán lẻ nước người dễ dàng có mặt tại thị trường Việt Nam sẽ tác động tới hệ thống phân phối. Cụ thể, điều này sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong hệ thống phân phối giữa trong nước và nước ngoài.
Đẩy nhà bán lẻ nội ra khỏi cuộc chơi
Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, cũng như việc gia nhập Hiệp định thương mại tự do (FTA), các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam vào 01/01/2015 và sẽ xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu ở hầu hết các mặt hàng vào năm 2018 theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.
Tuy nhiên, đại điện siêu thị này cho rằng thực tế trên sẽ tạo điều kiện để hàng hóa nhập khẩu tràn vào hệ thống bán lẻ và sự đầu tư ồ ạt của các nhà bán lẻ nước ngoài.
Trong khi đó, M&A diễn ra khá sôi nổi: Aeon đã mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart. Đây là hai siêu thị khá lớn tại Việt Nam. Sau khi ký kết hợp tác, Aeon đã có những bước cải tạo một số siêu thị cũ của Fivimart và Citimart với thương hiệu AeonFivimart và AeonCitimart đồng thời mở rộng mạng lưới của 2 chuỗi này.
RH Group (thành viên Tập đoàn C.T Group) mở hệ thống siêu thị S.Mart trên cơ sở tại hợp tác với SuperAuchan và phát triển 3 siêu thị Simply Mart. Dự kiến, Tập đoàn sẽ bùng nổ thêm 15 siêu thị nữa, với quy mô mỗi siêu thị có diện tích từ 2.000 đến 3.000 m2.
Khi việc mất cân bằng xảy ra, thì hệ thống phân phối nước ngoài sẽ chi phối mạng lưới bán buôn, bán lẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất nội địa và người tiêu dùng.
Theo đại diện Co.opMart, nhiều chính sách kinh doanh hiện nay đang tạo ra sự thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhiều nhà đầu tư “ngoại” đang được hưởng ưu ái. Hiện tại, nhiều nơi muốn thu hút đầu tư nước ngoài nên đã giành nhiều ưu tiên cho các nhà đầu tư “ngoại”. Nhận thức như vậy vô tình đã gạt hệ thống phân phối nội ra ngoài cuộc.
“Ngoài Saigon Co.op, Satra,… hệ thống phân phối nội địa ngày càng vắng bóng trên thị trường do làn sóng M&A hiện nay. Khi việc mất cân bằng xảy ra, thì hệ thống phân phối nước ngoài sẽ chi phối mạng lưới bán buôn, bán lẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất nội địa và người tiêu dùng” - đại diện Co.opMart nói.
Hàng Việt cũng dần mất vị thế
Tỷ trọng hàng Việt Nam trong siêu thị đã tăng lên nhờ Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng, song chủ yếu đều ở siêu thị nội. Trong khi đó, khảo sát sơ bộ tại một số hệ thống có yếu tố nước ngoài thì tỷ lệ hàng ngoại ngày càng lớn, có những sản phẩm chiếm tới 50% theo Co.opMart.
Các nhà sản xuất trong nước nhận định hàng Việt đảm bảo chất lượng vào siêu thị nội, nhưng lại gặp nhiều trở ngại nếu muốn chen chân vào siêu thị nước ngoài. Đa số đều đưa ra yêu cầu các thủ tục như: giấy chứng nhận, kiểm định về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế,...
Tuy nhiên, mức chiết khấu rất cao hoặc dành vị trí trưng bày cho hàng hóa tự sản xuất của tập đoàn đó tại nước sở tại, nên hàng nội khó có chỗ đứng trên thị trường.
Theo nhận định của Co.opMart, xu hướng M&A đang diễn ra, hàng nước ngoài càng dễ dàng có mặt tại các hệ thống siêu thị ở Việt Nam thay vì tốn nhiều công sức và thời gian để xây dựng hệ thống phân phối. Điển hình như: Các thương hiệu bán lẻ của Nhật tại Việt Nam gồm có: Aeon Mall, Aeon Citimart, Aeon Fivimart, Ministop, Family Mart với hàng hoá Nhật Bản có lợi thế về chất lượng, mẫu mã, đặc tính độc đáo, đặc biệt là niềm tin của khách hàng và bắt đầu từ tháng 4/2015, hàng loạt mặt hàng có xuất xứ từ Nhật Bản nhập khẩu vào Việt Nam sẽ có mức thuế ưu đãi là 0%.
Tương tự, các thương hiệu bán lẻ của Thái Lan tại Việt Nam như B‟s Mart và Central Group đã và đang tận dụng cơ hội đưa hàng Thái vào thị trường Việt Nam. Xét về quy mô sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với hàng Thái, về chất lượng sản phẩm cũng thế. Về giá cả, hàng Thái so với hàng Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn rẻ hơn, cạnh tranh hơn nên phù hợp với số đông người tiêu dùng Việt Nam.
Theo Co.opMart, thị phần của các nhà bán lẻ, sản xuất trong nước đang có xu hướng thu hẹp dần. Điều này làm ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước thông qua việc các nhà sản xuất giảm năng lực và sản lượng sản xuất, từ đó giảm khả năng cạnh tranh của hàng nội và tác hại lớn nhất có thể rơi vào khu vực nông nghiệp. Lúc đó, hàng ngoại sẽ chi phối nền sản xuất trong nước, đặc biệt vấn đề làm giá và về lâu dài, người chịu thiệt nhiều nhất là người tiêu dùng.
N. An
Nguồn Trí thức trẻ