Cửa hàng tiện lợi: Cuộc chiến 1 chọi 300
9 giờ sáng, tại cửa hàng Circle K cạnh khách sạn Caravelle, thi thoảng vài vị khách tây tạt vào. Nhóm ba phụ nữ trạc 30 ghé mua ít băng vệ sinh, vài thỏi sôcôla và nước ngọt coca với hoá đơn chưa tới 15 USD. Ngay trong cửa hàng là máy ATM của Citibank. Trong khi đó, tại cửa hàng Ministop trên đường Nguyễn Hồng Đào (P.14, Tân Bình), một máy ATM Vietcombank và máy thanh toán liên kết Paylink ngay cửa ra vào. Dù cũng có các mặt hàng tiêu dùng phổ biến như các cửa hàng tiện lợi khác, nhưng khách ở đây chủ yếu giới trẻ và mua chủ yếu là các món thức ăn nhanh, kem hay nước ngọt.
Tương tự, vào cửa hàng FamilyMart, người mua hàng nếu thanh toán bằng thẻ JCB sẽ được giảm 20%. Dạo qua BigC Express trên đường Hoàng Hoa Thám (P.12, Tân Bình), 8 giờ tối, dù cách chợ lớn Hoàng Hoa Thám vài chục mét nhưng siêu thị này vẫn khá đông khách, chủ yếu là các bà nội trợ mua hoá đơn chừng 200.000 đồng, họ còn vào đó mua cả thẻ điện thoại. Khoảng 30 – 40% sản phẩm tại đây mang nhãn hiệu BigC và Wow! Chuỗi C Express cùng với New Chợ được hình thành gần đây đang sử dụng hàng hoá do BigC cung cấp.
1.000 chọi 300.000
Con số khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ trên cả nước hiện nay còn quá nhỏ so với kênh bán lẻ truyền thống khoảng 300.000 cửa hàng tạp hoá và hơn 2.000 chợ trải khắp các tỉnh thành. Theo một số liệu thống kê không chính thức, kênh tiệm tạp hoá kinh doanh dựa vào mặt bằng hộ gia đình có thể lên đến nửa triệu trên cả nước. Như vậy kế hoạch mở chuỗi lên 300 – 500 cửa hàng tiện lợi trong 5 – 10 năm tới của các nhà bán lẻ chuyên nghiệp vẫn là con số rất nhỏ trong toàn kênh thương mại hiện đại Việt Nam.
Hiện nay khoảng 30 chuỗi đang kinh doanh như Circle K, Shop&Go, Ministop, FamilyMart, B&B, Day&Night, Co.opfood, Satrafoods, New Chợ, CExpress, Hapromart… Trong những năm qua nhiều chuỗi loay hoay định hình thị trường, nhiều chuỗi thất bại nên việc mở rộng khá thận trọng, từ năm 2012 các chuỗi này bắt đầu được đẩy mạnh.
Đủ kiểu cửa hàng tiện lợi hình thành, chuyên về thực phẩm như Vissan với gần 100 điểm bán, Foocomart 44, Co.opfood có 45, Hapro với hơn 130 gồm cửa hàng tiện ích Haprofood và cửa hàng chuyên doanh khác; Satrafoods dự kiến mở được 20 cửa hàng năm nay. Mô hình cửa hàng tiện lợi 24/7 cũng tăng nhanh, chuỗi Shop&Go với 83 cửa hàng và đang mở rộng ra phía Bắc, FamilyMart với 27 cửa hàng trong kế hoạch đạt 300 vào năm 2015 và 1.000 vào năm 2020; Ministop với 12 cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM trong mục tiêu 500 cái trong năm năm tới; Circle K với 33 cửa hàng trong kế hoạch mở 550 cửa hàng đến năm 2018…
Theo bà Nguyễn Ánh Hoa, chủ hệ thống B&B, sự khác biệt của chuỗi cửa hàng tiện ích Việt Nam nằm ở nhóm hàng đồ tiêu dùng cơ bản cho gia đình hàng ngày, trong đó thực phẩm chiếm đến 60 – 70%. Trong khi các chuỗi nước ngoài không nhắm đến hàng hoá tươi sống nhưng có thể có cả các giấy phép riêng về sản phẩm y tế thông dụng, bao cao su, thực phẩm chức năng… Còn theo bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa, giám đốc chuỗi cửa hàng Co.opfood: “Thực phẩm chiếm từ 70 – 90% doanh thu của chuỗi Co.opfood. Doanh thu hàng ngày tại các cửa hàng nhỏ mức thấp khoảng 30 triệu đồng, các cửa hàng lớn hơn khoảng 50 – 70 triệu”.
Trả tiền cho sự tiện lợi
Có thể nói các chuỗi siêu thị New Chợ, C Express sẽ giúp thương hiệu như BigC phủ rộng đến các khu dân cư. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, giám đốc đối ngoại BigC, xác nhận đó là những nơi có hợp tác với BigC, được BigC cung ứng hàng hoá và tư vấn dịch vụ, hỗ trợ các hoạt động kinh doanh. Trong khi BigC vẫn khẳng định đang tập trung vào chiến lược mở rộng đại siêu thị.
Mạng lưới 300.000 cửa hàng tạp hoá hiện nay đang tiếp nhận đến 90% lượng hàng phân phối trên thị trường nhưng mô hình kinh doanh còn khá lạc hậu. Một phần nhỏ trong số này, chủ yếu tại các đô thị lớn, cũng bắt đầu thay đổi theo hướng bài trí đẹp mắt, sạch sẽ và dịch vụ tốt hơn. Kế hoạch nâng cấp mạng lưới bán lẻ, các điểm bán hàng gia đình chỉ thành công khi các hộ kinh doanh cảm thấy sức ép của thị trường. Khi kênh tiêu dùng hiện đại phát triển, chính các hộ gia đình sẽ phải thay đổi để tiếp nhận lợi thế của hệ thống phân phối hiện đại.
Một số thương hiệu đang đề ra chiến lược mở rộng chuỗi bằng cách hợp tác đầu tư và hỗ trợ các hộ gia đình nâng cấp trên mặt bằng sẵn có và đào tạo kỹ năng quản lý. Về lâu dài, các kênh phân phối – bán lẻ sẽ vươn rộng đến các khu dân cư để tạo ra mạng lưới đủ lớn và tận dụng lợi thế về quy mô để có chi phí cạnh tranh. Các nhà phát triển chuỗi khi đủ độ lớn nhất định, một mặt sẽ thâu tóm các điểm bán thuận lợi, mặt khác sẽ áp lực lên các kênh tạp hoá dần chuyển dịch sang mô hình một cửa hàng bách hoá hiện đại hơn.
Mạng lưới 300.000 cửa hàng tạp hoá hiện nay tiếp nhận đến 90% lượng hàng phân phối trên thị trường.
Các nhà đầu tư tính toán, đầu tư vào chuỗi cửa hàng tiện lợi có khả năng chịu lỗ trong năm năm đầu, một địa điểm đắt khách có thể thu hồi vốn nhanh trong hai năm. Các doanh nghiệp không trường vốn sẽ khó chịu được chi phí dài hơi trong phát triển chuỗi, nhất là khả năng quản lý kênh phân phối linh hoạt và đa dạng. Nhiều doanh nghiệp trong nước đang lựa chọn tránh đối đầu trực tiếp với các nhà đầu tư nước ngoài bằng phát triển theo thị trường ngách, học tập mô hình và cải tiến phù hợp với văn hoá tiêu dùng Việt Nam cũng là một thành công.
Theo phân tích của Kantar về thay đổi hành vi mua sắm trong mười năm tới tại Việt Nam, việc bùng nổ số lượng cửa hàng mini sẽ làm suy giảm kênh bán lẻ truyền thống, người tiêu dùng dịch chuyển sang kênh thương mại hiện đại nhờ vào lợi thế cung cấp sản phẩm với giá cả cạnh tranh, các gói hàng hoá đa dạng và các chương trình khuyến mãi lớn trong khi mua sắm an toàn và tiện lợi. Các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini sẽ tiếp tục phát triển mạnh, đến năm 2022 mỗi hộ gia đình ít nhất sẽ mua sắm ở các cửa hàng một lần trong năm.