Dịch vụ ngân hàng điện tử: Xu hướng thanh toán trong thời kỳ hội nhập

Ngân hàng đã đến gần hơn với người tiêu dùng nhờ mạng lưới Internet hay viễn thông, việc trao đổi thông tin giữa khách hàng và ngân hàng được giản lược chỉ qua một cái click chuột hay bàn phím điện thoại.

Tuy nhiên, khi các ngân hàng Việt Nam phát triển lớn mạnh, số lượng khách hàng ngày một nhiều sẽ đi cùng với việc bảo mật ngày một phức tạp hơn, nhất là khi tội phạm mạng luôn chạy trước, đón đầu về công nghệ thông tin.

Xu hướng tất yếu phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử

Theo Công ty cổ phần Chuyển mạch quốc gia Việt Nam (Banknetvn), thị trường thẻ Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thẻ phát triển năng động nhất thế giới với tốc độ phát triển trung bình 25-35% trong vòng ba năm trở lại đây.

Kể từ khi thị trường Việt Nam có tấm thẻ ngân hàng đầu tiên năm 1996, đến tháng 6/2016, số lượng thẻ phát hành đạt mức trên 106 triệu thẻ (tăng gấp 3,4 lần so với cuối năm 2010) với 48 ngân hàng phát hành. Trong đó, thẻ ghi nợ chiếm 90,66%, thẻ tín dụng chiếm 3,53%, thẻ trả trước là 5,81%.

Dịch vụ ngân hàng điện tử: Xu hướng thanh toán trong thời kỳ hội nhập

Khi các ngân hàng Việt Nam phát triển lớn mạnh, số lượng khách hàng ngày một nhiều sẽ đi cùng với việc bảo mật ngày một phức tạp hơn, nhất là khi tội phạm mạng luôn chạy trước, đón đầu về công nghệ thông tin.

Về mạng lưới, cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán thẻ ngân hàng được cải thiện chất lượng, tập trung đầu tư phát triển, số lượng các máy chấp nhận thẻ (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh; đến cuối tháng 6/2016, trên toàn quốc có trên 17.300 ATM và hơn 239.000 POS được lắp đặt.

Cùng với sự gia tăng về số lượng thẻ và đầu tư cơ sở hạ tầng thanh toán, hiện nay, các ngân hàng đã cung cấp khá tốt các tiện ích cơ bản trên ngân hàng điện tử như chuyển khoản, thanh toán hoá đơn dịch vụ điện, nước, internet, điện thoại, truyền hình cáp, mua vé máy bay, mua hàng trực tuyến, đóng phí bảo hiểm…

Ngân hàng điện tử đã được quan tâm xây dựng như một kênh giao dịch tài chính – ngân hàng dành cho mọi đối tượng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, giúp khách hàng làm chủ nguồn tài chính mọi lúc, mọi nơi. Phát triển các dịch vụ của ngân hàng điện tử là xu hướng tất yếu, mang tính khách quan trong nền kinh tế hiện đại, trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế. Lợi ích đem lại của ngân hàng điện tử là rất lớn cho khách hàng, ngân hàng và cho nền kinh tế, nhờ tính tiện ích, tiện lợi, nhanh chóng, chính xác và bảo mật.

Kết quả điều tra, khảo sát tình hình ứng dụng thương mại điện tử năm 2015 của Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin – Bộ Công thương cho thấy, trong các hình thức thanh toán chủ yếu người mua hàng trực tuyến thực hiện có 48% người mua (tham gia khảo sát) sử dụng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng, 20% người tham gia khảo sát cho biết từng sử dụng các loại thẻ thanh toán; đối với doanh nghiệp, có 97% doanh nghiệp được khảo sát chấp nhận cho khách hàng thanh toán bằng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng, 16% doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng thẻ thanh toán.

Như vậy, dịch vụ ngân hàng điện tử đã và đang ngày càng thu hút nhiều khách hàng, doanh nghiệp sử dụng do tính tiện dụng, nhanh chóng, khả năng phục vụ mọi lúc, mọi nơi, trong đó giúp nhiều doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong kinh doanh.

Đến tháng 6/2016, số lượng thẻ phát hành đạt mức trên 106 triệu thẻ (tăng gấp 3,4 lần so với cuối năm 2010) với 48 ngân hàng phát hành. Trong đó, thẻ ghi nợ chiếm 90,66%, thẻ tín dụng chiếm 3,53%, thẻ trả trước là 5,81%.

Mối quan tâm hàng đầu về an toàn và bảo mật thanh toán

Khi phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, phát triển hạ tầng cơ sở và đầu tư công nghệ hiện đại là vấn đề sống còn đối với mỗi ngân hàng. Điều này cũng đã được các ngân hàng Việt Nam chú trọng khi không ngừng đầu tư các công nghệ bảo mật an toàn dữ liệu từ các nước phát triển và tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác chiến lược để học hỏi kinh nghiệm cũng như mời các chuyên gia nước ngoài tư vấn trong việc đầu tư và sử dụng các công nghệ bảo mật, công nghệ thanh toán an toàn.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng Huỳnh Trung Minh đánh giá: Hiện công nghệ bảo mật thẻ tín dụng của các ngân hàng tại Việt Nam ở mức khá tốt. Một ngân hàng muốn được các tổ chức thẻ quốc tế, như Visa, MasterCard, hay JCB chấp nhận cho làm đại lý phát hành thẻ phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, như chuẩn về core-banking, về đầu tư, chuẩn về công nghệ thông tin… Sau khi được các tổ chức này chấp nhận, các ngân hàng mới được phát hành, bán thẻ. Về cơ bản các ngân hàng tại Việt Nam đều đã và đang áp dụng các công nghệ giống hầu hết các tổ chức tài chính và theo chuẩn hệ thống CNTT trên thế giới. Các giao dịch điện tử cũng đã áp dụng xác thực từ 2 đến 3 nhân tố như các nước khác.

Có thể nói, lĩnh vực tài chính ngân hàng là nơi kẻ xấu thích “chọc ngoáy” đầu tiên vì giá trị thu được cao, các dịch vụ ngân hàng điện tử đa dạng, cung cấp cho mọi đối tượng khách hàng trên phạm vi toàn xã hội và chỉ cần một sơ hở nhỏ từ hệ thống công nghệ hoặc từ con người cũng đủ để tội phạm lợi dụng. Hầu hết các ngân hàng đều trang bị thiết bị chống tội phạm nhưng tội phạm ngày một tinh vi hơn. Cơ quan chức năng tiếp tục nhận được nhiều phản ánh về xu thế lừa đảo gian lận chưa có dấu hiệu dừng lại ở một số loại hình như lừa đảo qua game online, FB, mua bán thẻ cào, lừa đảo chuyển tiền mạo danh…

Ông Arn Vogels, Giám đốc khu vực Đông Dương, Trưởng đại diện MasterCard tại Việt Nam cung cấp thông tin: Hệ thống của MasterCard có khả năng phát hiện gian lận ngay tại thời điểm diễn ra (real time), lọc qua hơn 65.000 giao dịch mỗi phút và hơn 1,8 tỉ giao dịch mỗi tháng. Trên toàn cầu, MasterCard cho biết, gian lận thẻ năm 2015 tăng 1,63 điểm phần trăm so với cuối 2014, là tỷ lệ tăng trưởng cao hàng đầu qua các năm; thẻ giả tăng hơn 28% ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2015. Tại Việt Nam, nhiều vụ liên quan đến mất tiền trong thẻ ngân hàng đang được báo chí phản ánh; tuy nhiên, dữ liệu thống kê nội bộ cho thấy, năm 2015, tỷ lệ rủi ro về an ninh thẻ tại Việt Nam rất thấp, ở mức 0,02% (trên tổng giao dịch qua thẻ trả trước và thẻ tín dụng của chủ thẻ Việt Nam) và chỉ bằng một phần ba so với tỷ lệ rủi ro trung bình toàn cầu trong sử dụng thẻ ngân hàng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, dưới góc nhìn của người trong ngành tài chính, khách hàng bị mất tiền trong tài khoản do bị tội phạm mạng tấn công là sự cố có thể xảy ra trong bất kỳ nền tài chính nào. Sự việc khách hàng bị mất tiền trong thời gian vừa qua là các trường hợp xảy ra đơn lẻ, tội phạm đánh cắp hoặc lừa đảo khách hàng, lấy được thông tin đăng nhập vào dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc số thẻ thanh toán thông qua các bên nằm ngoài hệ thống ngân hàng.

Thực tế, những trường hợp rủi ro trong thanh toán trực tuyến hoặc thẻ thanh toán ngân hàng là rất hy hữu, chiếm tỷ lệ rất nhỏ nếu so với số lượng hàng tỷ giao dịch mỗi ngày. Nếu so với dùng tiền mặt, sử dụng thẻ vẫn tiện ích và an toàn hơn. Vấn đề là, cũng như khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào trong cuộc sống, người dùng đều cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để sử dụng an toàn.

Dịch vụ ngân hàng điện tử: Xu hướng thanh toán trong thời kỳ hội nhập

Tính an toàn và bảo mật lòa mối quan tâm hàng đầu của người dùng.

Hạn chế rủi ro khi sử dụng ngân hàng điện tử

Gần đây, khi các sự cố mất tiền diễn ra nhiều hơn, các NH đã đồng loạt đưa ra cảnh báo khách hàng của mình về việc đảm bảo an toàn bảo mật thông tin khi sử dụng dịch vụ thẻ cũng như các dịch vụ NH điện tử nói chung. Để tăng tính an toàn đã có một số NH chấp nhận đổi thẻ miễn phí cho khách hàng… Làm sao để vừa phát triển, nhưng vẫn đảm bảo được sự tin cậy cho khách hàng là yêu cầu luôn được các NHTM đề cao và chưa khi nào có suy nghĩ nơi lỏng?

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, NHNN đã nghiên cứu, ban hành nhiều văn bản quy phạm hướng dẫn các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán trong việc triển khai các dịch vụ NH điện tử đảm bảo an toàn bảo mật. Bên cạnh đó, nhà điều hành cũng đã tiến hành kiểm tra, giám sát, cảnh báo, chấn chỉnh kịp thời với những tồn tại, hạn chế về an ninh, bảo mật của các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán. Theo một chuyên gia công nghệ thông tin chia sẻ, thì rủi ro về công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực NH là vấn đề phải đối diện, nên cần có các giải pháp phòng ngừa phù hợp.

Về phía khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, theo khuyến nghị của ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ tin học (NHNN), các khách hàng cần bảo mật thông tin về tên, mật khẩu đăng nhập các dịch vụ NH điện tử; không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ đối tượng nào (kể cả nhân viên NH) qua điện thoại, email, mạng xã hội…

Khách hàng cũng phải đặc biệt bảo vệ điện thoại hoặc thiết bị di động của mình khi sử dụng các thiết bị này cho các dịch vụ NH trực tuyến như: cài đặt phần mềm phòng chống mã độc hại; thiết lập tính năng xác thực khi truy cập (bằng mật mã hoặc vân tay…).

Ông Hùng chia sẻ thêm, đối với mật mã truy cập dịch vụ NH điện tử cần cài đặt mật mã khó đoán, thay đổi mật mã thường xuyên và không sử dụng các tính năng lưu mật mã để đăng nhập tự động; hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống NH điện tử; gõ trực tiếp địa chỉ các website NH điện tử thay vì chọn đường link có sẵn.

Đồng thời, khách hàng cũng chỉ nên thực hiện đăng nhập trên website chính thức của các NH và mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, tin cậy.

Công Linh
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp