Thị trường bán lẻ Việt Nam: Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội địa? (Phần 2)

Để thấy rõ hơn những khó khăn và nguy cơ do chiến lược thôn tính, làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) từ các nhà đầu tư ngoại đưa tới, những giải pháp từ các cơ quan quản lý và Doanh nghiệp nhằm ổn định và lành mạnh thị trường bán lẻ trong nước, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.

Phần 2: Chiến lược và giải pháp của các nhà đầu tư nội nhằm cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần bán lẻ Việt

* Qua những phân tích của các vị đại biểu ngồi đây thì rõ ràng các nhà bán lẻ trong nước đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Nếu không có những chiến lược kinh doanh bài bản, phù hợp và khôn ngoan thì khả năng thua trên sân nhà là điều khó tránh khỏi. Theo các vị thì các DN bán lẻ trong nước cần phải làm gì?

Bà Trần Phương Lan – Trưởng ban Giám sát và Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương): Dưới góc độ về pháp luật cạnh tranh, trước xu hướng M&A bán lẻ, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát các doanh nghiệp sau M&A. Trong đó tập trung vào giám sát sự cạnh tranh của doanh nghiệp sau M&A trên thị trường, tức là sẽ xem xét các doanh nghiệp đó có nguy cơ gây ảnh hưởng tới thị trường về môi trường, về cạnh tranh không lành mạnh…

Bên cạnh đó sẽ tăng cường giám sát hoạt động dưới góc độ chính sách để đảm bảo thực hiện tốt các chính sách có liên quan trên thị trường bán lẻ. Từ đó, chúng tôi sẽ có được những đề xuất để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc cạnh tranh bán lẻ với doanh nghiệp nước ngoài.

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội địa? (Phần 2)

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: Chúng ta đang tập trung nói về ENT. Theo nhận định của Hiệp hội bán lẻ, chúng ta vẫn còn tiếp tục được thực hiện trong vòng 7-8 năm nữa, nhưng có vẻ ENT không còn trong thời hoàng kim nữa.Đặc biệt trong thời điểm hiệp định TPP sắp đạt được thì chỉ 5 năm nữa thôi, ENT sẽ không được sử dụng nữa.

Còn nói về thị trường trong nước, nếu mang DN trong nước ra so sánh với DN cường quốc nước ngoài mà cho rằng DN Việt yếu kém, nhà bán lẻ Việt yếu kém thì có vẻ so sánh này không được hợp lý bởi tiềm lực của DN Việt với các DN nước ngoài là không giống nhau.

Do đó, chúng ta cần có biện pháp để bảo vệ nhà bán lẻ trong nước để họ có cơ hội phát triển. Vậy, làm thế nào để nhà bán lẻ nội tồn tại được trong đấu trường cam go này?

Phía Hiệp hội nhận định rằng, trước hết DN cần tìm chỗ đứng cho mình, xác định mình là ai? Mình làm được gì? Bởi có thể thấy, thị trường bán lẻ đã không còn giống như trước đây nữa, các thị trường bán lẻ trên thế giới với nhiều hình thức đang thay đổi một cách chóng mặt. Điều này dẫn đến yêu cầu DN phải tìm hướng đi cho mình.

Bên cạnh đó, DN cũng không thể đơn độc mà chiến thắng được, nhưng cũng đừng đi theo phong trào và chỉ nói liên kết theo khẩu hiệu. DN cần liên kết thông minh và cụ thể. Cần xác định rằng không liên kết thì DN không thể thành công được.

Liên kết không chỉ với DN trong nước mà còn phải nhìn ra ngoài, nâng cao hợp tác quốc tế. Bản thân Hiệp hội bán lẻ cũng đang cố gắng hết sức để hợp tác với các Hiệp hội bạn để chúng ta không chỉ bó gọn trong giới hạn quốc gia mà còn có cơ hội phát triển ra nước ngoài.

* Ngoài việc mở rộng thị trường, phát triển mạng lưới như tất cả các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã và đang làm thì vừa qua, một nhà đầu tư lớn trong nước là Tập đoàn Vingroup đã có đông thái là ký thỏa thuận hợp tác với 250 nhà sản xuất và cung cấp hàng hóa trong nước và ký thỏa thuận với 1000 nhà sản xuất trong nước. Liệu đây có phải là giải pháp hữu hiệu hay không và việc này sẽ giải quyết được vấn đề gì?

Ông Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia Kinh tế: Đây là động thái rất tích cực của Vingroup. Một siêu thị hay một chuỗi bán lẻ chỉ thành công khi làm chủ nguồn cung với chất lượng đảm bảo. Số lượng cung phải ổn định và lớn. Đây là tiêu chí quan trọng để DN thắng lợi.

Khi đã làm chủ thị trường, DN sẽ làm chủ chi phí sản xuất, từ đó kích thích giá cả và tác động trực tiếp tới đời sống của người tiêu dùng. Với những yếu tố và động thái tích cực kể trên, tôi tin rằng Vingroup sẽ thành công.

Đối với TPP mà bà Loan vừa đề cập, tôi cho rằng TPP là hiệp định có lợi ích từ tất cả các bên. Hiệp định này chắc chắn sẽ được thông qua nhưng vấn đề là thời gian nào. Trong TPP có một quy định rất quan trọng, đó là không cần đặt hiện diện thương mại, cơ sở tại đất nước sở tại mà vẫn có thể bán được hàng tại đất nước này.

Bên cạnh đó, TPP không cho phép một nước ép một nước khác phải chuyển giao công nghệ để bán hàng. Điều này thể hiện sự bình đẳng giữa các thành phần và các nước rất cao. Chính vì vậy, các DN Việt Nam cần phải lưu ý để khai thác các lợi thế từ hiệp định này.

* Thời gian gần đây các DN trong nước đã bắt đầu chú trọng tới việc thương mại điện tử, bán hàng qua mạng. Liệu đây có phải giải pháp tốt hơn. Việc ứng dụng công nghệ và các giải pháp trực tuyến trong lĩnh vực thương mại điện tử thời gian này như thế nào?

Ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Maketing Co.op Mart: TMĐT đang là xu thế mua sắm mới và chắc chắn sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam.

Hằng năm, Saigon Co.op đều có báo cáo nghiên cứu thị trường và có những bước đầu thử nghiệm, theo dõi, đánh giá với những kênh đầu tư bán hàng trên HTV 4, kênh mua sắm tại nhà liên kết giữa Saigon Co.op và đối tác ở TPHCM, Coop Home shopping,…

Xu hướng TMĐT khá quen thuộc nhưng không phải dễ thành công bởi có một số khó khăn như: Thói quen tiêu dùng của người Việt Nam; Cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp để phục vụ kinh doanh online như kho vận, cơ sở hạ tầng…; Niềm tin của người tiêu dùng với mua hàng online chưa cao. Bởi ở Việt Nam xảy ra tình trạng bán hàng online phát triển không đúng hướng gây mất lòng tin với người tiêu dùng.

Năm 2017 Saigon Co.op sẽ chính thức phát triển TMĐT. Nếu phát triển được kênh này, chúng tôi có thể kết nối nhiều kênh để phục vụ khách hàng và khách hàng cũng sẽ tận dụng được nhiều tiện ích hơn.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: Thương mại điện tử ở Việt Nam không phải là điều xa lạ, bởi hầu như tất cả các thành viên của Hiệp hội chúng tôi có kinh doanh tổng hợp đều đã áp dụng hình thức bán lẻ trực tuyến nhiều năm nay rồi.

Và có thể khẳng định, đây không phải là một “món dễ xơi”. Nhìn chung DN đang phải chật vật vô cùng, tưởng như dễ mà rất khó để đạt được hiệu quả.

Lý do là bởi, khi mà lòng tin người tiêu dùng vốn đã “mong manh” nay lại bị “táng” thêm cho 2 vụ như Bông sen vàng và Vietcombank… thì lòng tin với thương mại điện tử lại yếu dần. Đây chính là một trong những lý do bán lẻ thương mại điện tử và bán lẽ trực tuyến chưa được phát triển.

Không ở đâu thương mại điện tử “vui” như ở Việt Nam, xem hàng, chọn hàng trên mạng nhưng lại được giao hàng và thanh toán tiền mặt ngay tại nhà. Nếu cứ bán lẻ trực tuyến “kiểu Việt Nam” như vậy chúng ta sẽ không thể phát triển được.

Trên thế giới hiện nay đang tiến hành bán lẻ trực tuyến và bán lẻ tại cửa hàng, ngoại trừ hiệp hội chúng tôi thì không biết các DN bên ngoài đã nhìn thấy hết thách thức và tiềm năng của hình thức bán lẻ này chưa.

Có thể khẳng định, hình thức bán lẻ đa kênh sẽ là xu hướng phát triển tất yếu.

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội địa? (Phần 2)

Ông Lại Hợp Nhân – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Ông Lại Hợp Nhân – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp: Qua phần chia sẻ của các vị diễn giả có thể thấy mỗi DN đều phải chủ động đón đầu công nghệ thế giới, chủ động phát triển hệ thống. Dần dần, trong chiến lược phát triển đó, nếu thấy đủ mạnh, lượng user đủ lớn, một số mô hình mới phát triển các điểm bán lẻ. Những công cụ đó giúp DN bán hàng truyền thống giữ được chân khách hàng.

Theo tôi, chúng ta cần phải có một nền tảng chung để có thể kết nối các DN với nhau. Ví dụ, có thể xây “chợ” trên nền tảng Internet, trên cơ sở đó các DN, các nhà cung ứng có thể tham gia vào chuỗi cung ứng thương mại điện tử, qua đó, người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn hơn.

Tuy nhiên, để đầu tư như trên, cần phải có đầu tư lớn, mà các doanh nghiệp cần phải đầu tư vào sản phẩm, vào bán hàng trước để thu lợi nhuận. Chính vì vậy, DN Việt Nam vẫn đang trong vòng luẩn quẩn, chưa bứt phá được.

Hy vọng, ở phần cuối của tọa đàm, các DN, chuyên gia có thể đưa ra được các giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết của các DN, để DN có thể phát triển bền vững, mạnh hơn trong thời gian tới.

* Trước sức ép cạnh tranh gay gắt với các đại gia bán lẻ nước ngoài, để giữ thị phần, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang có những giải pháp riêng cho mình, đề nghị đại diện của 2 doanh nghiệp Hapro và Coopmart chia sẻ?

Bà Nguyễn Thị Hải Thanh – Phó Tổng giám đốc Hapro: Trước khó khăn, thách thức của ngành kinh doanh bán lẻ như hiện nay thì Hapro đã đưa ra chiến lược kinh doanh như quy hoạch lại hệ thống bán lẻ khi phân thành 2 siêu thị phục vụ cho 2 đối tượng khác nhau. Giải pháp cho vấn đề này đó là Hapro đã tuyển nguồn nhân sự chất lượng để bán hàng theo cách hiện đại; Thứ 2, ngoài nguồn hàng để kinh doah bán lẻ thì công ty có thêm mảng xuất khẩu.

Đối với mảng nội địa có kế hoạch tập trung nguồn hàng và có hợp tác sâu với cơ sở sản xuất trong nước, có đơn hàng bao tiêu và có sự trao đổi, phản ánh về thị trường. Thứ 3, phương thức bán hàng đa kênh vừa có online vừa bán hàng truyền thống. Bên cạnh đó chúng tôi cũng có hướng đi riêng đó là khi nhà bán lẻ đủ mạnh chúng tôi lại chuyển dịch sang thị trường ngách đó là về nông thôn.

Một khó khăn nữa của mảng bán lẻ là vốn. Tuy nhiên do uy tín của công ty nên Hapro được ngân hàng đánh giá cao và được vay vốn sớm.

Ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Maketing Co.op Mart: Về phía doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tập trung phát huy điểm mạnh đang có: Sự am hiểu thị trường, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam; Phát huy mối quan hệ giữa Saigon Co.op với đơn vị cung cấp, các đơn vị đối tác cung ứng để có thể phát triển vững chắc; Tập trung xây dựng chiến lược, phát huy yếu tố sáng tạo, chủ động hơn nữa. Bới có nhiều ý tưởng, linh hoạt, đột phá thì chúng tôi mới có thể cạnh tranh với các đối thủ lớn.

Giải pháp của chúng tôi:

Thứ nhất, Chúng tôi sẽ phát triển các mô hình đang có và nghiên cứu cho ra các mô hình bán lẻ mới phù hợp với điều kiện Việt Nam và của công ty đồng thời hướng tới mô hình bán đa kênh – mô hình đang phát triển trên Thế giới.Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ chú trọng vào việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực, những con người có chuyên môn, có đam mê và đào tạo họ thành những nhân viên tận tâm, tận lực.

Thứ hai, Chúng tôi cũng sẽ đầu tư vào những công nghệ mới giúp chúng tôi có thể phát triển vững chắc.

Thứ ba, Saigon Co.op sẽ sắp xếp lại mạng lưới cho phù hợp và hiệu quả hơn để phục vụ khách hàng tốt hơn và thuận lợi cho sự phát triển của Saigon Co.op.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ đi siêu thị: Theo tôi chiến lược là tập trung vào thế mạnh cốt lõi của doanh nghiệp mình, tăng cường hợp tác chia sẻ với các đối tác có nguồn lực mạnh mà mình còn thiếu để gia tăng sức mạnh cạnh tranh.

Đấy chính là đi theo định hướng của nền kinh tế chia sẻ.

Giải pháp thì tùy từng ngành nghề từng sản phẩm doanh nghiệp nhưng có một cách đi chung nhanh nhất, hiệu quả nhất gồm 2 phần:

Thứ nhất là ứng dụng công nghệ vào trong quản lý và kinh doanh.

Tôi nhìn nhận thấy điểm yếu nhất của hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ Việt chính là năng lực ứng dụng công nghệ vào quản lý kinh doanh. Mà cái này thì các doanh nghiệp nước ngoài họ đã có sẵn.

Ứng dụng công nghệ và quản lý và kinh doanh cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh. Tại sao lại thế, bởi nó giúp doanh nghiệp quy trình hóa, tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh góp phần tạo ra các sản phẩm, dịch vụ với chất lượng tốt, đồng đều. Giúp doanh nghiệp tối ưu hóa được vận hành sản xuất, cắt giảm rất nhiều chi phí, mà cắt giảm được chi phí doanh nghiệp cũng chính là giảm được giá thành sản phẩm tạo lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành.

Thứ hai là mở rộng thêm các kênh phân phối hiện đại như Thương mại điện tử hay tiếp thị liên kết.

Tham gia vào thương mại điện tử sẽ giúp cắt giảm các khâu trung gian phân phối, chi phí mặt bằng, giảm thiểu rủi ro tồn kho. Lại thêm một lần nữa giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí trong chuỗi phân phối, lại có thể tạo thêm lợi thế cạnh tranh về giá.

Tôi có thể lấy ví dụ về hệ thống sàn giao dịch các siêu thị trực tuyến Disieuthi.vn của chúng tôi xây dựng lên cũng theo định hướng nền kinh tế chia sẻ giúp các doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh tối ưu hóa kênh phân phối và gia tăng lợi ích cho khách hàng.

Nếu bình thường với siêu thị mở tại 1 khu vực thì chỉ phục vụ được cho khách hàng trong phạm vi khu vực đó với bán kính khoảng 3km, cứ cho là phục vụ được cho khách hàng trong 1 quận đi. Vậy nếu muốn phục vụ cho khách hàng trong 11 quận nội HN thì đồng nghĩa với việc siêu thị đó sẽ cần mở ít nhất là 11 cửa hàng tại 11 quận, vậy với mỗi của hàng đó doanh nghiệp cần đầu tư chi phí mặt bằng (cực lớn), chi phí vận hành, nhân sự, chi phí tồn kho (không thể xử lý được hàng tồn kho của 11 cửa hàng chung với nhau).

Vậy với kênh thương mại điện tử họ có thể cung cấp cho khách hàng toàn thành phố chỉ với 1 cửa hàng và cắt giảm được hầu hết những chi phí đầu tư rất lớn trên.

Vậy khi hợp tác với Disieuthi.vn thì các doanh nghiệp bán lẻ đã có sẵn 1 hệ thống thương mại điện tử chuyên nghiệp và đầy đủ dịch vụ hỗ trợ cho họ bán hàng cho khách hàng toàn thành phố, không cần phải bỏ chi phí đầu tư hệ thống 11 cửa hàng.

Phải thấy rằng các doanh nghiệp bán lẻ của chúng ta hiện nay yếu về công nghệ, thương mại điện tử đối với họ là một thứ gì đó xa vời, họ ko có kinh nghiệm, năng lực để triển khai nó một cách tốt nhất. Đâu có sao, chỉ cần nhận thức được những gì đang diễn ra có tầm nhìn, biết đi trước đón đầu xu hướng còn lại các nguồn lực cần đều đã có sẵn, có nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam đã có sẵn hệ thống, sẵn sàng chia sẻ thế mạnh và nguồn lực với họ như Đi Siêu Thị, A đây rồi, ki ốt Việt, Tiki, lazada…

Không nên cho rằng mình làm được tất cả mà cái gì doanh nghiệp mình cần cũng đầu tư làm mới, cái mình cần mà chưa có thì trước hết hãy đi tìm doanh nghiệp họ đã có và mạnh để mà hợp tác.

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội địa? (Phần 2)

Ban tổ chức tặng hoa các diễn giả.

Phát biểu bế mạc tọa đàm, ông Lại Hợp Nhân cho biết: Qua thời lượng hơn 2 giờ đồng hồ, nhiều ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội và DN đã được chia sẻ và rất hữu ích. Chúng ta đã có cơ hội tiếp cận thông tin một cách trực tiếp, qua đó ghi nhận vai trò liên kết của Hiệp hội bán lẻ, vai trò giám sát quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương, và sự nỗ lực của các DN trong ngành.

Hy vọng, thông qua chương trình, chúng ta sẽ có sự chắt lọc thông tin để độc giả hiểu hơn về thị trường bán lẻ, các DN bán lẻ cũng có thể tìm được những giải pháp, những thông tin hữu ích để phát triển DN của mình trong thời gian tới.

Phần I: Tác động của làn sóng mua bán, sáp nhập từ các nhà đầu tư ngoại đến thị trường bán lẻ và doanh nghiệp Việt Nam

Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp