Nếu ví Sabeco như “cô gái đẹp”, Habeco sẽ là gì?
Trong khi lượng chào mua cổ phiếu của Sabeco trên thị trường OTC tăng đột biến và mức giá lên 113.000 đồng/cổ phiếu, giá chào mua cổ phiếu Habeco lình xình trong mức từ 45.000-48.000 đồng/cổ phiếu và gần như không ai ngó ngàng đến.
Thống kê tin mua - bán cổ phiếu trên sàn giao dịch phi tập trung (OTC) cho thấy, lượng chào mua cổ phiếu của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tăng đột biến, giá chào mua “nhảy” từng giờ, đặc biệt kể từ sau ngày 20/9 vừa qua trái ngược hoàn toàn với Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Cụ thể, trước thời điểm ngày 20/9, ngày Bộ Công Thương có văn bản chính thức trả lời công văn của Sabeco về việc niêm yết cổ phiếu Sabeco trên Hose, giá chào mua dao động trong khoảng 80.000-90.000 đồng/cổ phiếu sau đó đã tăng đều và đến ngày 28/9 đã đạt mức 113.000 đồng/cổ phiếu tăng gần 38%.
Trong khi với Habeco, trong 2 ngày vừa qua không có một giao dịch nào được thực hiện, mức giá lình xình từ 45.000-48.000 đồng/cổ phiếu, tăng không đáng kể so với thời điểm tháng 7-8/2016 vừa qua. Thậm chí, mức giá này thấp hơn mức giá IPO cách đây 8 năm trước - hơn 50.000 đồng/cổ phiếu.
Sức nóng của việc niêm yết Sabeco không chỉ trên thị trường OTC mà còn lan toả trên thị trường chứng khoán niêm yết khi hàng loạt cổ phiếu “họ” Sabeco cùng tăng mạnh. Có thể kể đến như Bia Sài Gòn Phú Thọ (mã BSP) tăng gần 70% so với thời điểm đầu tháng 9, Nước giải khát Chương Dương (mã SCD) tăng hơn 30% từ đầu tháng.
Trong khi, cùng thời gian này, cổ phiếu các doanh nghiệp “họ” Habeco gần như không có biến động đáng chú ý, thậm chí các cổ phiếu này còn giảm nhẹ.
Không chỉ thua kém “người anh em” Sabeco trên thị trường OTC, trong khi Sabeco đang được các “đại gia” bia như Heineken, Ab-Inbev, SABMiller, Asahi, Singha, ThaiBev … xếp hàng chờ mua cổ phần, những thông tin tương tự không diễn ra với Habeco.
Điều gì khiến Habeco kém hấp dẫn?
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 của 2 doanh nghiệp này cho thấy, trong khi doanh thu của Sabeco đạt 14.736 tỷ đồng, tăng 3%, lợi nhuận trước thuế đạt 2.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ 2015. Doanh thu Habeco chỉ đạt 4.039 tỷ đồng, thua xa Sabeco và giảm 13%, lợi nhuận trước thuế đạt 417 tỷ đồng giảm đến 38%.
Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường tiêu thụ bia lớn nhất của thế giới với sản lượng bia tiêu thụ năm 2015 là 3,4 tỷ lít, tăng 10% so với năm 2014, trung bình mỗi người Việt uống khoảng 38 lít bia/năm, Sabeco lại nắm giữ tới 43% thị phần. Thị phần của Sabeco cao gấp 1,7 lần đối thủ đứng thứ 2 là Heineken. Trong khi Habeco đã nhường chỗ cho Heineken và chiếm khoảng 20% thị phần.
Hiện, trong cơ cấu cổ đông của Habeco và Sabeco cũng có sự khác biệt, khi nhà đầu tư nước ngoài – Carlsberg sở hữu tới 17,5% cổ phần tại Habeco, Heineken sở hữu khoảng 5% cổ phần tại Sabeco.
Chính mức sở hữu lên đến 17,5% của Carlsberg, lãnh đạo Habeco trong kỳ đại hội cổ đông năm 2015 từng thừa nhận, việc bán vốn cho đối tác chiến lược đang khó triển khai. Lý do nằm ở các điều khoản ràng buộc của bản Hợp đồng thoả thuận hợp tác chiến lược và Hợp đồng bán cổ phần chiến lược mà Habeco đã ký với Carlsberg.
Vị này phân tích, đối tác muốn những lợi ích còn lớn hơn cả các cổ đông và không phù hợp với luật pháp Việt Nam, trong trường hợp bán vốn, Habeco bị ràng buộc phải ưu tiên bán cổ phần cho Carlsberg kể cả khi tăng vốn điều lệ.
Nguyễn Thảo
Nguồn BizLive