Chuỗi siêu thị mini nào đang thống lĩnh thị trường Việt?

Trong khi Saigon Co.op vẫn tiếp tục dẫn đầu về doanh số và số lượng siêu thị bán lẻ thì chuỗi Vinmart+ đang chiếm áp đảo phân khúc siêu thị mini với số lượng cửa hàng nhiều nhất.

Theo Tổng cục Thống kê và Nielsen thì thị trường bán lẻ thực phẩm tại Việt Nam có khoảng 800 đại siêu thị/siêu thị, 150 Trung tâm thương mại, 9.000 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện ích/siêu thị mini và 1,3 triệu cửa hàng nhỏ lẻ của các hộ gia đình.

Nhờ sự tham gia của các nhà bán lẻ lớn đến từ nước ngoài và dân số trẻ của Việt Nam (60% dân số dưới 35 tuổi) mà mô hình bán lẻ hiện đại đạt CAGR 5 năm hai chữ số. Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP.HCM hay còn gọi là Saigon Co.op tiếp tục dẫn đầu về doanh số và số lượng siêu thị.

Theo thống kê đến thời điểm hiện tại của ACBS, Saigon Co.op đang có doanh thu lớn nhất từ các cửa hàng bán lẻ với 3 chuỗi: Co.opXtra, Co.op Mart và Siêu thị Mini Co.op Food. Với tổng cộng 178 cửa hàng, doanh thu năm 2015 của Saigon Co.op từ mảng này là 25.000 tỷ.

Chuỗi siêu thị mini nào đang thống lĩnh thị trường Việt?

Cửa hàng tiện lợi/siêu thị mini là phân khúc phát triển nhanh nhất, trong đó chuỗi Vinmart+ của Vingroup dẫn đầu về số lượng với 320 cửa hàng vào cuối năm 2015 và 825 cửa hàng vào cuối tháng 6/2016 mặc dù mới gia nhập thị trường từ năm 2015, tuy nhiên doanh thu mảng kinh doanh này của Vingroup lại không được công bố cụ thể.

Theo đơn vị phân tích này thì so với các chuỗi khác, Vinmart và Vinmart+ có rau tươi hơn (nhờ Vineco - phân khúc nông nghiệp của Vingroup) và độ phủ sóng rộng hơn nhưng chất lượng dịch vụ và độ đa dạng sản phẩm cần được cải thiện.

Ngoài ra, các đối thủ chính về cửa hàng bán lẻ và siêu thị mini còn có B’s Mart (trước đây là Family Mart) với 146 cửa hàng, doanh thu ước tính khoảng 200 tỷ trong năm 2015; Satrafoods với 80 cửa hàng; 58 cửa hàng ministop, 210 cửa hàng Shop&Go và 178 cửa hàng tiện lợi Circle K.

Dự kiến sẽ có 1.200-1.300 đại siêu thị/siêu thị và 337 trung tâm thương mại vào năm 2020. Do tỷ lệ đô thị hóa ở nước ta còn thấp (33%) và GDP bình quân đầu người chỉ ở mức 2.200 USD/năm nên mô hình bán lẻ truyền thống vẫn đang chiếm lĩnh thị trường với 72% thị phần và dự kiến sẽ giảm xuống 60% vào năm 2020.

Nguyễn Minh
Nguồn BizLive