Thị trường bán lẻ Việt Nam: Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội địa? (Phần 1)

Chiều ngày 29/9 vừa qua, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thị trường bán lẻ Việt Nam: Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội địa?” tại Hội trường, tầng 7, tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.

Thời gian qua, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) cùng sự xuất hiện ồ ạt của các đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan khiến dấy lên lo ngại về việc các Doanh nghiệp ngoại thâu tóm và triệt tiêu các doanh nghiệp nội, hay việc hàng hóa Việt Nam sẽ mất dần chỗ đứng trên thị trường cùng việc mất ưu thế cạnh tranh ngay trên sân nhà của các nhà sản xuất trong nước.

Tuy vậy, nhìn ở góc độ cạnh tranh nhiều ý kiến tích cực lại cho rằng, chính những nguy cơ, những “cú đấm” mạnh của các Doanh nghiệp ngoại đang khiến cho các Doanh nghiệp bán lẻ trong nước bừng tỉnh, thay đổi, thích nghi và chuyển động theo luật chơi quốc tế. Nhiều tín hiệu cho thấy một số Doanh nghiệp lớn, nhà bán lẻ trong nước đã không chấp nhận ngồi yên để chịu sự dẫn dắt từ Doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài mà đang tích cực chuẩn bị nhân lực và vật lực cùng những chiến lược dài hơi để sẵn sàng cho một cuộc chơi mới, cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng với các nhà đầu tư lắm tiền nhiều của đến từ nước ngoài.

Để thấy rõ hơn những khó khăn và nguy cơ do chiến lược thôn tính, làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) từ các nhà đầu tư ngoại đưa tới, những giải pháp từ các cơ quan quản lý và Doanh nghiệp nhằm ổn định và lành mạnh thị trường bán lẻ trong nước, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, Toạ đàm tập trung vào hai nội dung:

  • Tác động của làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) từ các nhà đầu tư ngoại đến thị trường bán lẻ và doanh nghiệp Việt Nam.
  • Chiến lược và giải pháp của các nhà đầu tư nội nhằm cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần bán lẻ Việt.

Tham gia buổi tọa đàm có: Bà Trần Phương Lan – Trưởng ban Giám sát và Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương); Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Hải Thanh – Phó Tổng giám đốc Hapro; Ông Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia Kinh tế; Ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Maketing Co.op Mart; Ông Nguyễn Ngọc Hưng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Đi Siêu Thị.

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội địa? (Phần 1)

Từ phải qua trái: Ông Lại Hợp Nhân – Phó Tổng Biên tập báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng.

Phần I: Tác động của làn sóng mua bán, sáp nhập từ các nhà đầu tư ngoại đến thị trường bán lẻ và doanh nghiệp Việt Nam

Theo công bố mới đây của một Công ty Nghiên cứu thị trường của Đức cho biết thì năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam đạt doanh thu trên 100 tỷ USD, dự kiến năm 2016 sẽ cao hơn rất nhiều. Các chuyên gia cho rằng với quy mô dân số hơn 90 triệu người cùng tốc độ tăng trưởng luôn đạt hai con số, thị trường bán lẻ của Việt Nam còn quá nhiều hấp dẫn. Đây chắc chắn sẽ luôn là mối quan tâm thu hút của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vì tiềm năng như vậy cùng với xu thế hội nhập toàn cầu nên trong những năm qua, ngành bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà bán lẻ nước ngoài vào thị trường nội địa. Sự xuất hiện ồ ạt của các đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan được ví như một làn sóng đang quét qua thị trường bán lẻ Việt Nam.

Ngay tại thời điểm năm 2014, khi mà thị trường bán lẻ VN chưa mở cửa hoàn toàn với nhà đầu tư nước ngoài thì chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2014, đã có ít nhất 3 tập đoàn lớn nước ngoài tiến quân vào Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến đó là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon với Trung tâm thương mại Celadon Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) với tổng số vốn đầu tư hơn 13 tỷ yên. Theo kế hoạch, đến năm 2020 tập đoàn này sẽ mở 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.

Kế đó là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Lotte Mart cũng khai trương Trung tâm Thương mại thứ 8 quy mô lớn tại Hà Nội. Tập đoàn này đặt ra chiến lược đến năm 2020 sẽ có 60 trung tâm thương mại tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 3,2 tỷ USD.

Thứ ba là Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã chi 655 triệu euro để mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam.

Vào đầu năm 2015, tập đoàn bán lẻ hàng đầu khác của Thái Lan là Central Group đã công bố mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và Giải pháp mới – đơn vị sở hữu Công ty thương mại Nguyễn Kim – một trong những nhà bán lẻ điện tử hàng đầu Việt Nam.

Tháng 10/2015, Emart – nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc đã chính thức bước chân vào thị trường bán lẻ VN khi ra mắt Khu trung tâm mua sắm trị giá 60 triệu USD tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt vào đầu tháng 5 năm 2016, cũng chính Central Group của Thái Lan lại một lần nữa khuấy động thị trường bán lẻ Việt Nam khi thông báo đã thôn tính thành công toàn bộ chuỗi siêu thị nổi tiếng ở Việt Nam là Big C từ tay các ông chủ người Pháp với giá trị lên đến hơn 1 tỷ USD.

Ngoài ra còn chưa kể đến đó là Simply Mart ra mắt thêm 3 cửa hàng tại Sài Gòn; AuchanSuper – thương hiệu bán lẻ đến từ Pháp cũng có kế hoạch tung thêm 17 chuỗi siêu thị đến cuối năm sau tại TP HCM và 20 cửa hàng đến năm 2020 ở các tỉnh khu vực phía Bắc. Các nhãn hiệu thời trang lớn như Gap, Mango, Topshop đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Và hàng loạt các thương hiệu khác của nước ngoài cũng đang hoàn tất thủ tục tiến quân vào Việt Nam vào đầu năm tới.

* Như vậy, với làn sóng mua bán sáp nhập dồn dập cùng sự hiện diện của rất nhiều các đại gia bán lẻ nước ngoài chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường cũng như các nhà bán lẻ Việt Nam. Nhận định của các ông/bà về làn sóng mua bán sáp nhập như thế nào?

Đinh Thị Mỹ Loan

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: Có thể nói, Việt Nam bắt đầu mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ từ 1/1/2009 khi chúng ta chính thức gia nhập WTO, nhưng thực tế Nhà nước Việt Nam đã mở cửa từ trước đó. Còn nếu nói về xu hướng mua bán sáp nhập (M&A), có thể thấy hoạt động này đã có dấu hiệu rất sôi nổi trên thế giới đã vài năm nay.

Tại Việt Nam, cách đây 3-5 năm, chúng ta đã nói về bùng nổ M&A ở Việt Nam, trong đó có thị trường bán lẻ. Nhưng thực tế thì chúng ta thực sự chưa bùng nổ lắm. Từ phía Hiệp hội các nhà bán lẻ, chúng tôi xác nhận rằng chỉ 2 năm gần đây, các vụ M&A mới thực sự sôi động trên thị trường bán lẻ.

Qua các nghiên cứu, chúng tôi nhận định rằng, chắc chắn trong vài năm tới xu hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển bởi chính những lý do từ bản thân doanh nghiệp cùng với sự quan tâm của các nhà đầu tư kể cả trong nước và nước ngoài.

Trong chính thị trường nội địa cũng đã có nhiều cuộc thâu tóm sáp nhập ngoạn mục như tập đoàn Vingroup thâu tóm thành công chuỗi siêu thị Occean Mart, Vinatextmart.

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định xu hướng M&A vẫn sẽ tiếp tục và còn sôi động ít nhất từ 3-5 năm tới.

Trần Phương Lan

Bà Trần Phương Lan – Trưởng ban Giám sát và Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương).

Bà Trần Phương Lan – Trưởng ban Giám sát và Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương): Luật Cạnh tranh ra đời từ 1/7/2005 và đã thực thi hơn 10 năm nay. Trong Luật Cạnh tranh có nội dung kiểm soát tập trung kinh tế.

Trên thực tế, làn sóng M&A diễn ra từ trước khi Luật Cạnh tranh ra đời và tạo ra xu hướng cho việc hoạt động mở rộng bình thường của các doanh nghiệp. Mục đích của kiểm soát tập trung kinh tế (tức là kiểm soát các nội dung M&A) là nhằm kiểm soát các giao dịch mua bán, sáp nhập, giá trị thương vụ….để hình thành một doanh nghiệp có tổ chức kinh tế thống lĩnh trên thị trường. Nếu như doanh nghiệp lợi dụng hành vi thống lĩnh kinh tế đó sẽ bị cấm.

Đối tượng thuộc diện kiểm soát đều là doanh nghiệp lớn, thực hiện giao dịch thương vụ lớn.

Trong thời gian vừa qua, mặc dù số lượng giao dịch M&A rất nhiều nhưng số lượng đối tượng thuộc diện kiểm soát tập trung kinh tế không nhiều. Hiện nay mới chỉ có 30 vụ và trong lĩnh vực bán lẻ hiện nay mới có 20 vụ.

Như vậy, tôi khẳng định lần nữa, không phải giao dịch M&A nào cũng bị kiểm soát tập trung kinh tế mà chỉ những giao dịch lớn của doanh nghiệp lớn mới bị vào diện kiểm soát tập trung.

Ông Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia Kinh tế: M&A là quá trình thường xuyên, tăng tốc theo bối cảnh đặc thù. Nó có quy luật nhất định. Sau khi chờ một thời gian để chuỗi bán lẻ phát triển, các DN nước ngoài sẽ tìm đến đặt vấn đề.

Nguyễn Minh Phong

Ông Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia Kinh tế.

M&A là quá trình chủ động từ hai phía tùy theo từng trường hợp. Nếu chúng ta chủ động tìm hiểu, tham gia vào các đối tác mạnh thì chúng ta sẽ mạnh hơn, có kinh nghiệm để phát triển hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp M&A xong, DN Việt Nam bị độc quyền kinh doanh, độc quyền tăng giá thì DN Việt Nam sẽ mất thị trường.

Tóm lại, theo tôi, cái gì cũng có tính hai mặt, đối với M&A cũng vậy, M&A sẽ tích cực nếu DN chủ động, và xấu đi khi chúng ta mất dần một số thương hiệu, bị lấn sân, qua đó lợi nhuận của DN Việt Nam thay vì ở trong nước thì lại chảy ra nước ngoài.

Tôi cho rằng, trong tổng thế nếu Chính phủ, Hiệp hội, DN liên kết tốt để chủ động đón nhận thì M&A sẽ tiếp thêm sinh lực phát triển, và ngược lại, chúng ta có thể sẽ mất đi cơ hội, mất đi thị phần.

Nguyễn Thị Hải Thanh

Bà Nguyễn Thị Hải Thanh – Phó Tổng Giám đốc Hapro.

Bà Nguyễn Thị Hải Thanh – Phó Tổng giám đốc Hapro: Hiện nay, ngành bán lẻ trong nước phải đối mặt với các nhà bán lẻ nước ngoài về nhân sự và nguồn tài chính, trong khi đó thương hiệu của họ lại có nhà cung ứng bền vững. Do đó để phát triển bền vững thì mỗi một DN cần nghiên cứu trước và định hướng riêng cho doanh nghiệp mình.

Hapro đang quy hoạch lại để phân bổ trong khả năng của mình và đưa ra nhiều biện pháp có sự khác biệt so với DN nước ngoài.

Ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Maketing Co.op Mart: Việc toàn cầu hóa để hòa nhập, mua bán sáp nhập là việc bình thường. Việt Nam trong thời gian gần đây hoạt động mua bán sáp nhập diễn ra nhanh hơn đặt ra áp lực cho các DN trong nước.

Saigon Co.op cũng phải cạnh tranh với các DN nước ngoài từ nhiều năm trước đây nên quen. Tuy nhiên với làn sóng mạnh như hiện nay đã tạo cho chúng tôi sự chủ động, nghiêm túc hơn trong việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược để thích ứng. Theo đó, chúng tôi đẩy mạnh mạng lưới thương hiệu và cửa hàng bán lẻ, có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với khách hàng, nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ. Chúng tôi tiếp tục phát huy vai trò này để có thể cạnh tranh.

Năm nay, chúng tôi cũng tham gia vào thương vụ mua bán sáp nhập lớn là mua lại BigC. Chúng tôi tham gia với quyết tâm cao, mong muốn đi tới cuối cùng thương vụ nhưng chúng tôi chỉ vào được vòng cuối với nhà bán lẻ Thái Lan và thương vụ không thành công do có nhiều điều kiện mà chúng tôi chưa chuẩn bị đủ.

Chúng tôi nghĩ việc mua bán sáp nhập vừa tạo ra sức ép cạnh tranh lớn để các DN Việt Nam có thể điều chỉnh chiến lược của mình, có thể bước đi mạnh mẽ hơn và có cơ hội học tập các doanh nghiệp nước ngoài.

* Theo một nguồn tin không chính thức mà chúng tôi có được thì trong thương vụ mua lại Hệ thống Big C từ tay người Pháp đã có 2 nhà đầu tư đi đến vòng chung kết là Co.op Mart và Central Group của Thái Lan. Cuối cùng Người Thái đã thắng. Tuy nhiên cũng theo thông tin chúng tôi có được thì Co.op Mart đã thua vì không phải họ trả giá thấp mà thậm chí họ còn trả giá cao hơn phía Central Group nhưng do vướng mắc một số cơ chế nên đành rút lui. Tại buổi Tọa đàm hôm nay cũng có mặt đại diện lãnh đạo của Co.op Mart ngồi đây. Ông/bà có thể cho biết tính xác thực của thông tin này và quan điểm của ông về vấn đề này?

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: Đứng trước làn sóng M&A, DN có 2 lựa chọn.

Một là DN có thể không tham gia vào như trường hợp của Hapro. Hình như Hapro đang rất cân nhắc và đắn đo lựa chọn xem có tham gia vào M&A hay không. Có thể nói, trong 40 công ty con của Hapro chỉ có vài ba công ty trong số này có tham gia vào M&A.

Hai là: DN lựa chọn tham gia vào. Tham gia tích cực có thể kể đến như Nguyễn Kim, Ocean mart, Fivimart, Vinpro… Và Saigon Co.op là một trong những ví dụ DN tham gia như thế.

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội địa? (Phần 1)

Hiệp hội chúng tôi đã theo dõi sát sao những bước đi của Saigon Co.op, có thể thấy rất thận trọng và cẩn thận. Với hệ thống của mình, Saigon Co.op có hệ thống siêu thị Co.opmart được DN này bảo vệ một cách tuyệt đối, không liên doanh liên kết, không mua bán sáp nhập… Saigon Co.op giữ gìn hệ thống Co.opmart là một thương hiệu thuần Việt.Bên cạnh đó, Co.opmart giữ gìn những cửa hàng độc đáo, nhỏ nhắn trong những con phố nhỏ.

Còn nói về cuộc đua M&A hệ thống BigC, vì sao Saigon Co.op phải dừng bước? Phía Hiệp hội các nhà bán lẻ VN hết sức tự hào vì Saigon Co.op luôn nằm trong top 10 DN hàng đầu Việt Nam (đứng vị trí thứ 1) và nằm trong top 200 DN hàng đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong nhiều năm.

Saigon Co.op đã dám đứng ra mua lại DN nước ngoài, câu chuyện đó rất dài, nhưng có thể thấy Saigon Co.op đã đi đến bước cuối cùng. Saigon Co.op đã đi qua nhiều vòng, đến khi chỉ còn 3 đối thủ mà toàn những đối thủ lớn và nếu như không có những “trục trặc kỹ thuật” thì Saigon Co.op đã mua được thành công hệ thống của Big C rồi.

Võ Hoàng Anh

Ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Maketing Co.op Mart.

Ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Maketing Co.op Mart: Việc lựa chọn đơn vị nào thắng bao gồm nhiều yếu tố:

Thứ nhất, về giá, chúng tôi trả giá không thua kém đối tác nước ngoài.

Thứ hai về năng lực, các DN nước ngoài ai mua giá cao thì họ bán. Khi họ mua lại thương hiệu họ cũng phải lựa chọn đơn vị đó có đủ sức vận hành hệ thống mà không ảnh hưởng đến thương hiệu của họ hay không? Cái này chúng tôi cũng không thua họ.

Thứ ba về thanh toán, thủ tục pháp lý, vận chuyển: BigC đã đặt ra một số điều kiện khiến Saigon Co.op rơi vào thế khó và không thực hiện được.

Tuy nhiên trước khi quyết định tham gia vào thương vụ này chúng tôi đã suy nghĩ kỹ. Chúng tôi có xác định đâu là thế mạnh và bảo vệ nó đến cùng, mảng yếu sẽ liên doanh liên kết để phát triển. Khi tính toán thương vụ này, chúng tôi suy nghĩ nhiều và xây dựng 2 kịch bản là thành công sẽ làm gì và không thành công sẽ làm gì. Rất tiếc cho chúng tôi đã không thành công, nhưng đây cũng sẽ là bài học để chúng tôi củng cố thêm các thông tin và có bước chuẩn bị tốt hơn trong thời gian tới.

Nguyễn Minh Phong

Ông Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia Kinh tế (phải) và ông Nguyễn Ngọc Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ đi siêu thị (trái).

Ông Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia Kinh tế: Có bốn nhóm liên quan lớn M&A gồm: DN bán lẻ, người tiêu dùng, nhà nước và xã hội, hệ thống sản xuất.

Đối với DN bán lẻ, bên cạnh việc giúp chúng ta có thêm cơ hội như học hỏi kinh nghiệm, công nghệ hiện đại, nhân lực giỏi… thì DN bán lẻ Việt Nam cũng bị tăng thêm áp lực cạnh tranh trực tiếp. Nếu công ty làm ăn tốt, người tiêu dùng sẽ có thêm việc làm, thêm thu nhập, bằng không họ sẽ bị thanh loại.

Đối với người tiêu dùng, cạnh tranh bao giờ cũng đem lại lợi ích về giá cả cho người tiêu dùng, chính vì vậy, trong lúc các DN cạnh tranh giành thị trường thì người tiêu dùng là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất.

Đối với nhà nước, M&A sẽ tạo thêm nguồn lực, nguồn thu ngân sách cho nhà nước.

Đối với hệ thống sản xuất, trong bối cảnh hiện đại, ai làm chủ hệ thống phân phối tốt thì họ cũng đồng thời làm chủ thị trường. Họ có quyền chọn nhiều nhà cung ứng khác nhau. Và vì lợi ích quốc gia, nhóm ngành của DN, rất có thể các DN ngoại sẽ loại dần hàng Việt, đưa hàng ngoại vào. Qua đó, hàng Việt sẽ khó khăn, thậm chí phải hạ giá thành để hút khách.

* Nhiều ý kiến cho rằng thị trường bán lẻ trong nước đang nghiêng về phía các doanh nghiệp ngoại. Lo ngại việc các doanh nghiệp ngoại thâu tóm và triệt tiêu các doanh nghiệp nội, hay việc hàng hóa Việt Nam sẽ mất dần chỗ đứng trên thị trường Việt Nam cùng việc phá sản của các nhà sản xuất trong nước là điều khó tránh khỏi. Một ví dụ mới nhất đó là 22 cửa hàng của Thương hiệu bán lẻ trong nước là Thế giới Di động đã phải rời khỏi hệ thống siêu thị Big C?

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: Để trả lời câu hỏi này phải có góc nhìn nhiều chiều. Nhìn nhận thực trạng cho thấy, nếu như nhà bán lẻ (nhà cung ứng) gặp khó khăn thì đó là vấn đề. Còn nếu họ vẫn bình thường đó là dòng chảy bình thường.

Đinh Thị Mỹ Loan

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam.

Với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn như trước, chỉ có thay quốc tịch của chủ sở hữu mà thôi. Đúng là hàng hoá vào siêu thị, đứng được ở siêu thị hay không là phải đánh giá ở việc có bán được hay không?

Ví như chúng ta đang ưu tiên cho chương trình người Việt ưu tiên dùng hàng Việt và hết sức mình cổ động cho chương trình này, nhưng mọi sự lựa chọn là phụ thuộc vào nhu cầu thị trường.

Về phía các chuỗi bán lẻ hiện đại, chúng tôi luôn luôn ưu tiên. Với các doanh nghiệp FDI, quan điểm hội nhập và gắn kết rất thân thiện nhưng cũng không kém phần thúc giục, điển hình như vụ Central group và Big C.

Ngay khi thương vụ này diễn ra, tôi đã có cuộc điện thoại với bên Central và hỏi rằng: Liệu hàng Thái có chiếm tỷ trọng lớn hay không? Trả lời câu hỏi này, bên Central cho biết, vẫn giữ tỷ trọng hàng Việt lớn trong các gian hàng và đã có cam kết với Bộ Công thương.

Do đó, nếu các nhà cung ứng nhận thấy có sự không công bằng hãy cứ ý kiến đến Hiệp hội chúng tôi bất cứ vấn đề gì, nếu các nhà cung ứng là thành viên của Hiệp hội, chúng tôi đảm bảo có sự tham gia, tác động mạnh mẽ. Còn nếu không là thành viên chúng tôi cũng vẫn sẽ quan tâm tác động dù cho tác động sẽ không được mạnh mẽ bằng.

Tuy nhiên, bản thân các nhà bán lẻ cũng tỏ ra bức xúc trước vấn đề dự luận lên án rằng: trên các kệ hàng siêu thị tràn lan hàng ngoại, nhà bán lẻ ưu tiên hàng ngoại…

Chúng ta phải nhìn nhận khách quan rằng phía các nhà bán lẻ cũng đang gặp khó khăn. Nhà bán lẻ cũng phải đảm bảo xem xét sản phẩm của nhà cung ứng nào mới được nguời tiêu dùng ưa chuộng?

Chia sẻ với Hiệp hội, các nhà bán lẻ luôn khẳng định ưu tiên nhà cung ứng, sản xuất Việt nhưng hàng việt phải đảm bảo chất lượng.

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội địa? (Phần 1)

Ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Maketing Co.op Mart: Vấn đề cạnh tranh giữa hàng hóa Việt Nam với hàng hóa nước ngoài là vấn đề không mới. Vấn đề mới là việc hàng Việt Nam cạnh tranh với hàng Thái Lan.

Có thể nói, sự lo lắng của siêu thị Việt Nam là hoàn toàn có sơ cở khi doanh nghiệp nước ngoài có nhiều thế mạnh về kinh nghiệm, tài chính, có sự hỗ trợ của tập đoàn mẹ để hàng hóa xâm nhập nhanh vào thị trường. Xét về mặt hàng hóa thì kinh doanh phải có lãi nên chúng ta cần phát huy thế mạnh của mình.

Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng mạnh về giá để chiếm ưu thế. Nhưng theo chúng tôi nghiên cứu, yếu tố giá chưa đủ để quyết định thành công của doanh nghiệp mà còn là vấn đề chất lượng, dịch vụ, thái độ phục vụ của nhân viên,…. Tùy đặc điểm của loại hình doanh nghiệp mà chọn hình thức tiếp cận khách hàng phù hợp đáp ứng được nhu cầu của thị trường để tạo nên lợi nhuận cho mình.

Ông Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia Kinh tế: Với M&A, thị trường bán lẻ Việt Nam không còn là sân chơi riêng của doanh nghiệp trong nước mà trở thành “mảnh đất” hấp dẫn “đại gia” bán lẻ nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Điều này làm gia tăng thách thức cho các doanh nghiệp bán lẻ nước ta.

Theo tôi, để có thể thắng lợi trong bán lẻ, không chỉ có giá, chất lượng mà cần thái độ phục vụ, dịch vụ sau bán hàng tốt.

Nguyễn Ngọc Hưng

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ đi siêu thị.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ đi siêu thị: Thực tế, làn sóng M&A tại Việt Nam không chỉ diễn ra với các doanh nghiệp bán lẻ offline mà còn ở cả những doanh nghiệp bán lẻ online, ví dụ Central Group mua Zalora Việt Nam thông qua Nguyễn Kim, Alibaba mua Lazada Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp tập đoàn nước ngoài muốn vào thị trường Việt Nam thì M&A là con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất để thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Theo tôi, tác động của làn sóng này chắc chắn có ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu các kênh phân phối, bán lẻ lớn của Việt Nam nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, chắc chắn nguồn hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi những nhà bán lẻ này sẽ có chính sách ưu tiên cho nguồn hàng đến từ đát nước họ.

Tôi thấy rằng, không phải doanh nghệp nào cũng có thể mua bán sáp nhập. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì M&A sẽ khó khăn và họ sẽ có rủi ro về cạnh tranh bởi các doanh nghiệp Việt năng lực cạnh tranh cốt lõi rất yếu trong khi các doanh nghiệp nước ngoài có nguồn lực rất lớn về tài chính, kinh nghiệm, công nghệ… nên nhiều khả năng các doanh nghiệp Việt sẽ bị thâu tóm và xâm lấn thị trường.

Ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Maketing Co.op Mart: Việc cạnh tranh với hàng nước ngoài đặc biệt là hàng Thái Lan là vấn đề khá phổ biến với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Trong một số cuộc hội thảo mà chúng tôi tham gia, 1 số nhà sản xuất cho rằng hàng hóa của họ vào các doanh nghiệp nước ngoài được chiết khấu cao gấp đôi so với vào Saigon Co.op. Chính chính sách chiết khấu đã tạo ra sự cạnh tranh gấp đôi giữa các nhà bán lẻ.

Theo tôi, bản thận người tiêu dùng mới là người quyết định, nếu các nhà bán lẻ ủng hộ hàng Việt đến cùng thì doanh nghiệp còn tồn tại được. Vấn đề ở chỗ, để có thể cạnh tranh, các doanh nghiệp cần mạnh dạn lên tiếng về chính sách bất hợp lý, nhất là về chính sách chiết khấu.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp tiếp cận với hàng hóa nước bạn để có sự đổi mới. Doanh nghiệp là phần chủ động nhưng các cơ quan nhà nước cần hỗ trợ, định hướng, vận động thêm.

Trần Phương Lan

Bà Trần Phương Lan – Trưởng ban Giám sát và Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương).

Bà Trần Phương Lan – Trưởng ban Giám sát và Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương): Liên quan tới vấn đề chiết khấu của nhà bán lẻ nước ngoài và kể cả nhà bán lẻ trong nước, nhà cung cấp sản phẩm, dưới góc độ cạnh tranh, tôi chia sẻ như sau: Sau làn sóng M&A, cấu trúc thị trường sẽ thay đổi. Sẽ có một số doanh nghiệp vượt lên dưới góc độ tài chính để vượt các doanh nghiệp trong nước.

Những tiêu chí quy định hiện nay có khả năng gây hạn chế đáng kể trên thị trường bán lẻ về sự cạnh tranh nội ngoại. Liệu rằng họ đưa ra chiết khấu cao có lạm dụng vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp nước ngoài hay không? Nếu có hiện tượng này cũng có thể xem xét dưới góc độ cạnh tranh nhưng chúng tôi cần những thông tin đầy đủ, chính xác về việc áp đặt chiết khấu cụ thể, thời gian nào, bao nhiêu, tăng như thế nào… Chúng tôi sẽ có những biện pháp để giúp đỡ hỗ trợ, bảo vệ các doanh nghiệp nội trong bối cảnh cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại.

* Có nhiều ý kiến cho rằng các DN bán lẻ trong nước đang thua ngay trên sân nhà do các DN bán lẻ ngoại đang nhận được nhiều ưu ái từ các địa phương. Theo đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài muốn khi muốn mở địa điểm bán lẻ thứ 2 thì phải được các địa phương đánh giá nhu cầu và hiệu quả kinh tế ENT. Tuy nhiên, trên thực tế đang có sự quá dễ dãi của các địa phương trong việc sử dụng công cụ ENT đối với DN bán lẻ ngoại xuất phát từ tình trạng chạy đua thu hút đầu tư DN vốn nước ngoài. Có những trường hợp cùng một mặt bằng, DN nội tham gia đàm phán nhưng chính quyền địa phương vẫn là giao cho DN bán lẻ ngoại đầu tư. Thậm chí khối ngoại còn được ưu đãi giảm thuế khi đầu tư. Theo bà Trần Phương Lan, Bộ Công thương có biết được vấn đề này hay không?

Bà Trần Phương Lan – Trưởng ban Giám sát và Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương): Đúng là có quy định này, mở thêm các cơ sở bán lẻ trên ENT. Cục quản lý cạnh tranh đã có đóng góp ý kiến, quan điểm, bên cạnh xem xét ENT, xem xét rất kỹ sự gia tăng sức mạnh thị trường khi mở thêm các cơ sở bán lẻ khác của doanh nghiệp nước ngoài. Chúng tôi cũng phân tích cụ thể về tác động giữa lợi ích trong nước, cân bằng giữa mở cửa và công bằng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: Hiệp hội các nhà bán lẻ xin được chia sẻ, về cấp phép ENT có ý kiến của các doanh nghiệp cũng như phòng thương mại nước ngoài thường phản ánh rằng ENT của Việt Nam đi trái với tinh thần của WTO.

Tuy nhiên, Hiệp hội chúng tôi cũng đã nhiều lần tranh luận và luôn giữ ý kiến rằng, hơn 100 nước thành viên của WTO đã từng sử dụng ENT rồi, Việt Nam không phải là ngoại lệ, Việt Nam đang đi theo các nước thành viên khác chứ không có việc ưu tiên DN nội địa mà đi ngược lại với WTO.

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng ENT không chỉ sử dụng trong lĩnh vực bán lẻ mà còn sử dụng trong kiểm toán, luật…
Có một thời gian, ai xin ENT cũng được, do đó có trường hợp một siêu thị lớn của nước ngoài mở ngay cửa hàng tại trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột, chỉ cách Co.opmart 1000m, như vậy thử hỏi cơ sở nào để họ có được ENT?

Hình thức như siêu thị này nếu ở nước ngoài sẽ được cho xây dựng ở những nơi ra rất xa, ngoại ô thành phố và không bao giờ được cạnh tranh với doanh nghiệp nội như trường hợp nêu trên.

Nguyễn Thị Hải Thanh

Bà Nguyễn Thị Hải Thanh – Phó Tổng Giám đốc Hapro.

* Ở đây có đại diện một nhà bán lẻ phần lớn vốn nhà nước đang trong quá trình cổ phần hóa là Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), hình như việc CPH đang diễn ra khá chậm chạp. Không biết có vướng mắc gì không? Xin bà Hải Thanh cho biết?

Bà Nguyễn Thị Hải Thanh – Phó Tổng giám đốc Hapro: Hapro là doanh nghiệp thương mại, nếu nói là chậm trễ là không đúng vì đây là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đăng ký cổ phần hóa, và là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thoái vốn còn công ty mẹ cuối năm nay sẽ đại hội cổ đông lần đầu tiên. Tiến trình này là tất yếu đặc biệt trong lĩnh vực thương mại sẽ có lợi thế hơn.

Mặc dù có nhiều doanh nghiệp FDI muốn mua lại nhưng chúng tôi không đi đến quyết định đó vì Hapro mang yếu tố nhà nước, phải bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, do đó khi thị trường bán lẻ phát triển như hiện nay thì khi cổ phần, hệ thống cũng như hoạt động bán lẻ sẽ thuận lợi hơn.

Phần 2: Chiến lược và giải pháp của các nhà đầu tư nội nhằm cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần bán lẻ Việt

Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp