Vì sao bán 9% vốn nhà nước tại Vinamilk?

Chiều 23/9, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC đã thông tin chi tiết hơn về kế hoạch thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn trong đó trọng tâm thực hiện đầu tiên là tại CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM).

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch hội đồng thành viên SCIC cho biết, SCIC hiện đang quản lý phần vốn ở 10 doanh nghiệp, giá trị vốn hoá tính đến thời điểm này khoảng 100.000 tỷ đồng trong đó VNM chiếm đến 90%.

Ông Chi cho biết, chỉ đạo của Thủ tướng tiếp tục tái cấu trúc, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ, quá trình rút vốn có trình tự, kiểm soát đảm bảo không thất thoát vốn nhà nước và ổn định cho sự phát triển của doanh nghiệp do đây đều là những doanh nghiệp lớn.

“Sau khi nhận chỉ đạo, SCIC đã thực hiện công tác chuẩn bị, theo đó sẽ tiến hành thoái vốn đợt 1 tại VNM với số vốn 9%, đặt mục tiêu kết thúc giao dịch này trong năm 2016. Với 9 doanh nghiệp còn lại đang xây dựng lộ trình, báo cáo các cấp có thẩm quyền, có thể thực hiện thoái vốn tại một số doanh nghiệp vào đầu năm 2017”, ông Chi nhấn mạnh.

Cũng theo ông Chi, sẽ có tổ chức tư vấn quốc tế và trong nước tham gia kế hoạch này, tư vấn về tổng thể kế hoạch thoái vốn, xác định giá khởi điểm, các thủ tục pháp lý, tư vấn luật. SCIC kỳ vọng bán giá cao nhất có thể, càng cao càng tốt, trong quá trình tư vấn sẽ đưa ra mức giá sàn và chắc chắn không thấp hơn giá thị trường. …

Vì sao bán 9% vốn nhà nước tại Vinamilk?

Ảnh minh họa.

Lý giải về con số 9%, đại diện SCIC cho biết, mức 9% là khối lượng lượng đủ lớn để hấp dẫn các nhà đầu tư và thông qua lô cổ phiếu như vậy thì sẽ thu được giá hiệu quả. “Tuy nhiên, không loại trừ sẽ không phải 1 mà có 2 nhà đầu tư mua, phụ thuộc vào kết quả chào của nhà đầu tư, chúng tôi suy nghĩ lựa chọn cách thức nào để hiệu quả nhất, nếu có 1 nhà đầu tư mà chào thấp thì sao do đó phải làm roadshow và thoả thuận ngoài sàn, linh hoạt để đạt mục tiêu”, ông Chi lưu ý thêm.

Về bài toán giữ thương hiệu cho những doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, ông Chi cho biết, Vinamilk là một thương hiệu lớn và giá trị rất cao, giá trị thực chưa đến 1 tỷ USD, giá thị trường lên đến 9 tỷ USD, không có lý do gì nhà đầu tư mua với giá cao lại “bỏ đi”.

“Rõ là giá trị thương hiệu rất lớn, chẳng nhẽ nhà đầu tư mua với giá như vậy sau này lại bỏ đi. Sau này Chính phủ sẽ có những chính sách khác nữa để giữ gìn được thương hiệu Việt Nam sau khi nhà nước thoái vốn. Chúng ta đang vận hành cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, cần chấp nhận các quy luật của nó”, ông Chi nêu quan điểm.

Hiện SCIC đang nắm 44,7% cổ phần Vinamilk. Ngoài Vinamilk, 9 trong số 10 doanh nghiệp lớn mà SCIC đang đại diện phần vốn Nhà nước dự kiến cũng sẽ có kế hoạch thoái vốn cụ thể trong năm 2017 như FPT, FPT Telecom, Bảo hiểm Bảo Minh, Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia, Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Nhựa Bình Minh và Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang.

Nguyễn Thảo
Nguồn BizLive