Quảng bá du lịch: Bao giờ đổi mới?
Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM (ITE) 2016 diễn ra hồi đầu tháng 9 để lại cho các công ty lữ hành và khách tham quan không ít tiếc nuối bởi đã qua 12 năm ITE, quảng bá du lịch trong nước vẫn chưa có sức hấp dẫn.
Ý tưởng, hình thức quảng bá không mới, sản phẩm không mấy thay đổi, truyền thông không tới là những gì người nước ngoài nhận xét về quảng bá du lịch của các địa phương ở Việt Nam. Còn khách Việt Nam sau khi tham quan hội chợ đã đăng ký tour nước ngoài nhiều hơn trong nước.
Hội chợ ITE do Tổng cục Du lịch Việt Nam và Sở Du lịch TP.HCM tổ chức mang tầm quốc tế nhằm thu hút người mua là công ty lữ hành các nước đến tìm hiểu những sản phẩm du lịch Việt Nam để đưa khách nước ngoài vào. Đây là dịp cho du lịch trong nước tranh thủ quảng bá những gì mới lạ nhất, độc đáo nhất với hình ảnh ấn tượng nhất đủ tạo sự hấp dẫn người mua.
Đã qua 11 lần ITE, học hỏi nhiều từ cách quảng bá du lịch hiệu quả của các nước, vậy mà đến ITE lần thứ 12 này, quảng bá du lịch Việt Nam hầu như cũng chỉ là trưng bày hình ảnh và phân phát ấn phẩm trong từng gian hàng địa phương.
Nhiều địa phương cùng vùng miền đã chung nhau trong một khu gian hàng với mục đích cùng quảng bá, làm đa dạng, phong phú sản phẩm du lịch. Ngoài chọn hình ảnh quảng bá tiêu biểu, ấn phẩm bằng tiếng Việt, tiếng Anh giới thiệu những điểm tham quan, mỗi địa phương còn trưng bày các loại trái cây, món đặc sản, hàng thủ công, quà lưu niệm đặc trưng.
Thế nhưng, một gian hàng lớn khiến cho khách nước ngoài có chú ý nhưng vẫn không nhiều người dừng lại để hỏi han. Tìm hiểu khách tham quan từ các công ty lữ hành nước ngoài mới nghe họ nhận xét: du lịch là để trải nghiệm, sản phẩm mang ra giới thiệu tại hội chợ du lịch cũng phải làm sao cho khách thấy thì muốn trải nghiệm để biết nó ngon, đặc biệt thế nào.
Đối với trái cây, khách nước ngoài càng muốn biết hương vị nó khác với trái cây xứ sở họ ra sao. Bởi thế, những thông tin diện tích, sản lượng của bưởi Năm Roi, cam sành Ngã Bảy, khóm Cầu Đúc... chỉ có thể phù hợp ở hội chợ nông nghiệp.
Đó là chưa kể các gian hàng địa phương không làm cho khách nước ngoài muốn ghé vào bởi sự thờ ơ mời chào. Dường như dựng gian hàng lên, khách có ghé vào thì xếp cho đủ tài liệu đưa cho khách là xem như đã quảng bá, người có mặt chỉ như ngồi trông coi gian hàng.
Trong khi đó, theo bà Trần Thị Việt Hương - Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, số lượng các đơn vị nước ngoài tham gia hội chợ ít hơn nhưng lại đầu tư gian hàng lớn, nhiều màu sắc, quảng bá chuyên sâu, có trọng tâm và tổ chức các hoạt động thu hút sự chú ý của khách tham quan.
Đặc biệt, các gian hàng của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan... mỗi mùa hội chợ ITE lại mang đến một hình ảnh sống động khác nhau và nhấn mạnh những sản phẩm mới của du lịch nước họ. Gian hàng của họ khiến người ta phải dừng lại để chụp ảnh, để tìm hiểu văn hóa qua các vật phẩm bắt mắt hay nhận những món quà tặng mới lạ.
Số lượng các đơn vị nước ngoài tham gia hội chợ ít hơn nhưng lại đầu tư gian hàng lớn, nhiều màu sắc, quảng bá chuyên sâu, có trọng tâm và tổ chức các hoạt động thu hút sự chú ý của khách tham quan.
Đối tượng khách mà các đơn vị nước ngoài tham gia hội chợ nhắm tới không chỉ là các đối tác lữ hành từ các châu lục đến, mà có cả thị trường khách du lịch Việt Nam được đánh giá là nhiều tiềm năng nên những hình ảnh, tài liệu quảng bá, câu mời chào của họ đều có bảng tiếng Việt.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Giám đốc Tiếp thị - Công nghệ thông tin của Công ty CP Dịch vụ du lịch Bến Thành (BenThanh Tourist) vui mừng cho biết Công ty đã gặp gỡ, làm việc với trên 60 đối tác nước ngoài tại hội chợ, kỳ vọng sẽ có thêm nguồn khách nước ngoài từ các thị trường mới cho năm 2017.
Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ cảm xúc bùi ngùi khi thấy lượng khách Việt Nam lại tìm hiểu, đăng ký tour nước ngoài nhiều hơn tour trong nước, cho dù Công ty có doanh thu cao nhờ lượng khách này.
Cũng phải thôi, bởi trước khi diễn ra ITE, Tổng cục Du lịch và các cơ quan xúc tiến du lịch địa phương ở các nước đã chủ động xây dựng nhiều chương trình du lịch mới, tung ra nhiều hình thức khuyến mãi gửi trước và còn hỗ trợ truyền thông để giúp các công ty lữ hành Việt Nam "chào hàng" hiệu quả.
Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tổ chức thêm buổi họp báo ngay tại hội chợ để giới thiệu sản phẩm mới và thông tin những công ty lữ hành được chọn lọc mà họ cho rằng có đủ năng lực và uy tín triển khai sản phẩm du lịch, tour tuyến mới làm hài lòng du khách.
Ngược lại, với du lịch trong nước, các công ty lữ hành hầu như phải tự mình làm tất cả, từ thiết kế tour, tuyến đến tính toán khuyến mãi thu hút khách, rồi lo chi phí quảng bá. Họ chỉ trông các địa phương giới thiệu những nét mới để làm mới sản phẩm du lịch và thay đổi phương thức xúc tiến du lịch năng động hơn mà cũng không được như mong muốn.
Không trách được các công ty lữ hành phải đành để du lịch nước ngoài kéo dần khách Việt Nam trong khi kho tàng thiên nhiên - ẩm thực - văn hóa trong nước quá phong phú, còn dồi dào để thu hút khách du lịch.
Nguyệt Hồng
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn