FPT Trading đang bị “bóp nghẹt” bởi FPT shop và Thế giới Di động?
Trong mảng thiết bị di động và công nghệ thông tin (CNTT), FPT Trading là nhà phân phối lớn năm 2015, tuy nhiên vị thế của FPT Trading giảm dần khi Thegioididong.com và FPT Shop dần nhập hàng trực tiếp.
Thị trường công nghệ điện tử liên tục tăng trưởng
Theo báo cáo ngành bán lẻ - phân phối công nghệ 2016 của MBS, trong những năm vừa qua, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng có sự tăng trưởng tương quan với mức tăng trưởng GDP. Trong giai đoạn 2011 – 2015, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này đã tăng trưởng với tốc độ bình quân 15,7%/năm.
Năm 2015, tổng giá trị tiêu dùng đạt 125,7 tỷ USD, tương đương 2.827.477 tỷ đồng, trong đó tiêu dùng cho hàng hóa công nghệ đạt 139.049 tỷ đồng. So với mức chi tiêu năm 2014, tiêu dùng hàng hóa công nghệ ghi nhận sự tăng trưởng mạnh 19,8%.
Trong các mặt hàng điện tử, mức chi tiêu mua sắm cho các mặt hàng điện thoại di động trong năm 2015 chiếm tỷ trọng lớn nhất 47% và đồng thời có tốc độ tăng trưởng cao nhất 32% so với năm 2014.
Có thể thấy rằng, điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ khác là 1 thị trường đầy tiềm năng với các nhà phân phối bán sỉ. Tuy nhiên, các nhà phân phối này lại đang mất dần thị trường.
Các nhà phân phối bán sỉ đang mất dần thị trường
Cũng theo báo cáo này, thị trường phân phối bán sỉ mặt hàng công nghệ điện tử hiện tại tập trung vào những doanh nghiệp lớn như PET, FPT Trading và Digiworld.
Trong mảng thiết bị di động và công nghệ thông tin (CNTT), FPT Trading là nhà phân phối lớn nhất với doanh thu năm 2015 đạt 17.371 tỷ đồng. FPT Trading là nhà phân phối cho các thương hiệu lớn như Apple, Asus, DELL, HP...
Tuy nhiên, từ năm 2015, vị thế của FPT Trading giảm dần khi Thegioididong.com và FPT Shop dần nhập hàng trực tiếp từ Apple. Điều này làm cho doanh thu của FPT Trading không có sự tăng trưởng dù đã cố gắng phân phối thêm nhiều thương hiệu điện thoại mới.
Petrosetco (PET) là nhà phân phối lớn thứ hai trong ngành, sở hữu 3 công ty con hoạt động trong ngành phân phối thiết bị di động và công nghệ thông tin. Những công ty này lần lượt phân phối cho hầu hết các hãng công nghệ lớn như: Samsung, Lenovo, Sony,...
Năm 2015, doanh thu phân phối của PET đạt 7.089 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ điên thoại di động chiếm 64%. Tương tự như FPT Trading, doanh thu mảng phân phối của PET cũng chịu sự sụt giảm khi Samsung bắt đầu bán hàng trực tiếp cho Thegioididong.com.
Digiworld là công ty tham gia sau vào thị trường phân phối điện thoại di động và bắt đầu bằng sự hợp tác với thương hiệu Nokia/Microsoft. Tuy nhiên từ năm 2015, doanh thu và lợi nhuận của Digiworld lần lượt bị sụt giảm mạnh mẽ 14% và 19% khi Microsoft thay đổi chiến lược tập trung vào dịch vụ phần mềm.
Ngoài ra, từ đầu năm 2015, Digiword bắt đầu phân phối độc quyền cho các thương hiệu điện thoại tầm trung và giá rẻ như Wiko, Obi, Intex.
Có thể thấy rằng, thị trường dành cho các nhà phân phối đang khó khăn hơn khi các nhà bán lẻ bành trướng và có xu hướng nhập hàng trực tiếp từ nhà sản xuất như Apple, Samsung. Trong khi đó, số lượng các cửa hàng nhỏ lẻ nhập hàng từ các nhà phân phối ngày càng teo nhỏ khi bị các chuỗi bán lẻ lấn át.
Đồng thời, các hãng sản xuất có xu hướng mở cửa hàng trực tiếp hoặc tự xây dựng một hệ thống phân phối và marketing. Trong giai đoạn từ 2010 đến nay, hầu như doanh thu của các công ty phân phối đều dao động tại chỗ và không có sự tăng trưởng rõ ràng.
Minh Trang
Nguồn BizLive