Thế giới di động rút 22 cửa hàng khỏi Big C: Cần cảm ơn người Thái
"Tập đoàn bán lẻ ngoại tạo sức ép cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam và động lực cho siêu thị nội vươn lên", Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú nhìn nhận.
Trong tháng 8, theo yêu cầu của Big C, Thế giới di động đã rút 22 cửa hàng ra khỏi hệ thống Big C Việt Nam. Trước đó, hồi tháng 5/2016, nhiều doanh nghiệp thuỷ sản cũng “ngậm ngùi” ngưng hợp đồng vì mức chiết khấu mà Big C đòi quá cao, 17% đến 25%.
Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, việc này không có gì lạ thường vì cách đây 1-2 năm ông đã cảnh báo. Yêu cầu mà Big C đưa ra sau khi hãng này về tay nhà bán lẻ Thái Lan Central Group.
* Vừa qua, Big C chính thức “đuổi” 22 cửa hàng TGDĐ ra khỏi hệ thống. Ông có thể phân tích các diễn biến tiếp theo?
Chỗ trống mà 22 cửa hàng TGDĐ để lại sẽ được đặt để bán hàng điện máy của Thái Lan. Chủ người Thái tất nhiên phải dành chỗ đẹp nhất, thuận tiện nhất cho hàng của họ.
Ảnh: BizLive.
Theo đại diện TGDĐ, công ty không bị ảnh hưởng nhiều từ sự thay đổi này. Tuy nhiên, đó là cái đáng báo động vì 75% hàng điện máy ở Việt Nam là xuất xứ từ Thái. Địa điểm bán hàng ở hệ thống Big C cũng rất đẹp, có khi một điểm ở đây bán bằng 5-7 lần các điểm khác ở Việt Nam.
* Không chỉ TGDĐ, trước đó, hàng loạt các doanh nghiệp thuỷ sản cũng ngậm ngùi rút khỏi Big C vì chiết khấu cao. Sự thay đổi cơ chế kinh doanh của các tập đoàn bán lẻ ngoại khi vào Việt Nam tác động thế nào đến thị trường hàng hoá Việt Nam?
Càng nhiều tập đoàn bán lẻ ngoại vào Việt Nam thì sẽ có hai mặt. Thứ nhất là tạo sức ép cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam và động lực cho siêu thị nội vươn lên. Ngược lại, hàng hoá trong nước sẽ bị lấn át ngay trên sân nhà.
Vì khi hàng ngoại vào siêu thị, chất lượng tốt, giá cả hợp lý thì chắc chắn họ sẽ mua hàng ngoại. Mà hàng gì không cạnh tranh được thì họ đuổi hoặc có điểm cần bán hàng Thái họ cũng đẩy hàng Việt ra. Tất nhiên, họ không đẩy 100% hàng Việt ra luôn khỏi hệ thống mà sẽ theo thời gian.
Không chỉ điện máy, nhiều hàng gia dụng như may mặc, mỹ phẩm của người Thái cũng ăn vào tâm lý người tiêu dùng Việt Nam gần 10 năm nay. Mặt bằng hàng nông sản của Thái như xoài, chôm chôm, gạo cũng ngon hơn Việt Nam, giá cạnh tranh hơn. Không có gia đình người Việt Nam nào là không có hàng Thái Lan trong nhà.
Tuy nhiên, đó không phải là do chủ người Thái ghét bỏ hàng Việt mà là do năng lực cạnh tranh của hàng Việt kém.
Mình cũng cần cảm ơn Thái Lan, vì nhờ có hàng Thái Lan mà một số mặt hàng Trung Quốc như nhôm nhựa “bay biến” khỏi Việt Nam. Hiện, chúng ta chỉ còn nhập nhiều đồ may mặc, điện tử, đồ chơi trẻ em từ Trung Quốc thôi.
Lúc này, sức ép hàng hoá từ Thái Lan là đầu tiên, sau đó đến hàng Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc.
* Yếu kém của doanh nghiệp nội trong lĩnh vực bán lẻ là gì?
Đó chính là xây dựng chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm và doanh nghiệp phân phối đang có vấn đề.
Hiện tượng siêu thị nội ép chiết khấu cao, thanh toán chậm, chi phí đầu kệ cao chính là giết nhau. Gần đây, có một doanh nghiệp sản xuất phản ánh với tôi họ đưa sản phẩm vào một hệ thống siêu thị của Hà Nội với mức chiết khấu lên đến 24%. Hàng gửi bán mà chiết khấu cao thế thì chết, chính là chúng ta đang tự hại chúng ta.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng phải thay đổi, cải tiến mẫu mã đa dạng và phong phú. Hiện, công nghệ sản xuất ở Việt Nam có đến 60-70% là năm 1960 - 1970, năng suất lao động thấp, chi phí cao dẫn đến giá thành cao khó cạnh tranh.
* Các doanh nghiệp Việt Nam nên làm thế nào để tăng sức đề kháng trước đối thủ ngoại?
Nhiều chuyên gia nói mất 50% thị trường bán lẻ ở kênh hiện đại, kênh truyền thống vẫn còn. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan. Bức tranh thị trường bán lẻ Việt Nam hiện không sáng sủa lắm.
Các đơn vị cần phải liên kết chặt chẽ lại với nhau để tăng tốc đầu tư, tận dụng được thế mạnh của mình, từ đó mới tạo được vị thế trên thị trường. Tóm lại, cái khó nhất cần vượt qua là sự kết nối giữa đơn vị sản xuất và nhà phân phối, đó là còn chưa kể phải vượt qua hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường.
Kiều Linh
Nguồn Zing News