Gia nhập thị trường Việt, Vanilla Air cạnh tranh trực tiếp với Vietjet Air

Vanilla Air, hãng hàng không Nhật Bản vừa triển khai chuyến bay đầu tiên từ TP HCM tới Tokyo, quá cảnh tại Đài Bắc, Đài Loan ngày 15/9, được ANA Holdings Inc đầu tư 100% vốn. ANA Holdings là một trong những công ty hàng không lớn nhất tại xứ sở hoa anh đào.

Vanilla Air được thành lập từ 11/2013. Đến ngày 1/8/2016, hãng có 9 máy bay Airbus A320 và 648 nhân sự. Vanilla có trụ sở chính tại sân bay quốc tế Narita, Nhật Bản.

Trước đó, vào thời điểm 2011, AirAsia và ANA Holdings INC cùng góp vốn để sở hữu một hãng hàng không giá rẻ Nhật Bản với tên gọi AirAsia Japan. Lúc đó, mọi quyết định và chiến lược doanh nghiệp đều xuất phát và được điều khiển từ Malaysia, trụ sở chính của AirAsia.

AirAsia có mong muốn áp dụng mô hình hàng không giá rẻ vốn đã rất thành công của họ vào Nhật Bản. Tuy nhiên, thị trường du lịch Nhật Bản có những đặc thù riêng và đòi hỏi riêng về chất lượng dịch vụ cũng như quy trình vận hành. Vì vậy, chiến lược của AirAsia thời điểm đó được cho là không đáp ứng với nhu cầu thị trường, dẫn đến cuộc “li hôn” giữa AirAsia và cổ đông ANA Holdings INC.

Gia nhập thị trường Việt, Vanilla Air cạnh tranh trực tiếp với Vietjet Air

Ảnh: Wong Chi Lam / planespotters.net.

Sau khi chia tay AirAsia, ANA mua lại 100% vốn và tiếp tục xây dựng một hãng hàng không khác, lấy tên là Vanilla Air vào tháng 11/2013.

Vanilla Air nằm trong liên minh hàng không Value Alliance (gồm 8 thành viên). 8 hãng bay quyết định lập liên minh hàng không để tăng cường mạng lưới bay, mở ra nhiều cơ hội để hành khách có thể nối chuyến giữa các hãng bay thành viên. Vanilla kỳ vọng sẽ có thêm nhiều hành khách nội địa được chuyển tiếp từ liên minh. Hành khách sẽ truy cập website của Vanilla và đặt vé bay tới mạng lưới bay của các hãng thành viên.

Tại buổi họp báo ngày 15/9 khai trương đường bay đến TPHCM, bà Mio Yamamuro, Phó Tổng Giám đốc Vanilla Air, cho biết hãng hàng không Vanilla chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên ở Đông Nam Á vì tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam đang rất cao. Hơn thế nữa, rất nhiều người đang qua lại giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Theo đó, từ 15/9/2016 Vanilla sẽ chính thức mở 4 đường bay TP.HCM đi/về Đài Bắc (Đài Loan), Tokyo (Narita), Osaka (Kansai) và Okinawa. Các hành trình tới Nhật Bản đều quá cảnh tại Đài Bắc, Đài Loan. Trước đó, hãng này đã có 3 đường bay nội địa và 5 đường bay quốc tế.

Một điểm mời gọi khác là số lượng người đi từ Việt Nam tới Đài Loan cũng rất đông do chính sách của chính phủ. Cụ thể là từ ngày 1/9/2016, visa tới Đài Loan sẽ được nới lỏng. Những người Việt có visa ở Mỹ, Canada... sẽ được miễn visa tới Đài Loan. Vanilla đã nhắm vào thời điểm thuận lợi này để mở chuyến bay từ TP HCM đến Nhật Bản và quá cảnh tại Đài Bắc, Đài Loan.

Chia sẻ với phóng viên, bà Mio đánh giá cao thị trường Việt Nam và cho biết Việt Nam là nơi hoạt động đầu tiên của Vanilla tại Đông Nam Á vì tốc độ phát triển kinh tế còn cao hơn cả Thái Lan và Malaysia.

Gia nhập thị trường Việt, Vanilla Air cạnh tranh trực tiếp với Vietjet Air

Ảnh: dsk.ne.jp.

Vanilla nhắm vào khách du lịch, những người thường xuyên qua lại tại Việt - Nhật để thăm gia đình, bạn bè.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về đối thủ của Vanilla tại Việt Nam, bà Mio nêu tên Vietjet Air.

Bà cho rằng Vietjet Air có nhiều chuyến bay đến Đài Bắc, cùng tuyến đường với hãng của bà, nên đây sẽ là đối thủ của Vanilla. Tuy nhiên, theo bà, thoạt đầu, nhìn vào giá của Vietjet khách sẽ thấy giá thấp nhưng khi book vé, giá cuối cùng lại cộng thêm nhiều.

Mỗi công ty có một chiến lược riêng, với Vanilla, giá ban đầu mà khách nhìn thấy khi đặt vé sẽ không chênh nhiều so với giá ban đầu.

Bà Mio tin rằng với giá cả hấp dẫn và chất lượng Nhật Bản, khách Việt sẽ chào đón hãng.

Cuối năm nay, Vanilla Air sẽ mở chuyến bay thẳng từ Tokyo tới Cebu (Philippines).

Vietjet Air có cần sợ hãi trước Vanilla Air như họ đã tuyên chiến?

Cùng làm một số so sánh giữa 2 hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air và Vanilla Air.

So về kinh nghiệm vận hành, VietJet Air "già dặn" hơn Vanilla Air. Vietjet Air được thành lập từ năm 2007. Tuy nhiên phải đến năm 2011 hãng mới chính thức cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên.

Vanilla Air thành lập năm 2013 sau khi ANA Holdings chia tay Air Asia, tiền thân của Vanilla là Air Asia Japan cũng phải đến 2011 mới được thành lập. (Vietjet Air cũng từng có ý định hợp tác kinh doanh với AirAisa, nhưng không được Bộ GTVT chấp thuận).

Gia nhập thị trường Việt, Vanilla Air cạnh tranh trực tiếp với Vietjet Air

Ảnh: Wikimedia.org.

Vietjet Air đã trở thành biểu tượng của hàng không giá rẻ "made in Vietnam" với đường bay nội địa phủ khắp cả nước, trong khi đó Vanilla Air là một hãng mới thành lập không lâu, chỉ có 3 tuyến nội địa tới các điểm du lịch tại đất nước của hoa anh đào.

Về khai thác chặng quốc tế, Vanilla mới có các đường bay tới Hong Kong, Đài Bắc và Cao Hùng (Đài Loan), TP HCM; trong khi VietJet Air đã tới Bangkok (Thái Lan), Siêm Riệp (Campuchia), Singapore, Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Đài Nam (Đài Loan), Hàng Châu (Trung Quốc), Côn Minh (Trung Quốc), Thành Đô (Trung Quốc), Thiên Tân (Trung Quốc), Ninh Ba (Trung Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc), Kuala Lumpur (Malaysia), Ma Cao (Trung Quốc).

Về số lượng máy bay, hiện VietJet có 35 máy bay và đã đặt thêm 187 chiếc trong khi Vanilla chỉ mới có 9 chiếc.

Như vậy có thể thấy Vanilla Air chưa phải là đối thủ quá đáng sợ đối với Vietjet Air. Có chăng, Vanilla Air sẽ là đơn vị trực tiếp cạnh tranh chặng bay Việt Nam - Đài Loan với Vietjet Air trong thời gian tới.

Tuy vậy, Vanilla Air tuyên bố cam kết cung cấp chất lượng Nhật Bản, và đảm bảo đúng giờ (chính là điểm yếu của các hãng hàng không Việt), cùng với bệ đỡ tài chính là ông lớn ANA Holdings - hãng hàng không lớn bậc nhất Nhật Bản, Vietjet Air sẽ có nhiều việc phải làm khi đối thủ này không ngần ngại tuyên chiến với hãng bay bikini khi mới chân ướt chân ráo vào Việt Nam.

Thế Trần / Trí thức trẻ
Nguồn CafeBiz