Thế giới di động buộc phải rời Big C

Đó là thông tin được công bố trong báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2016 gửi đến các nhà đầu tư của MWG. Mặc dù đại diện MWG cho biết đây là thỏa thuận bình thường, nhưng nhiều chuyên gia vẫn khuyến cáo doanh nghiệp VN cần cẩn trọng.

Trước câu hỏi của phóng viên, đại diện Big C VN vẫn chưa lên tiếng về vụ việc này.

Rút lui vì mâu thuẫn lợi ích

Trao đổi với phóng viên, đại diện MWG xác nhận thông tin doanh nghiệp này đã rút 22 cửa hàng thegioididong ra khỏi chuỗi Big C, vốn vừa được triển khai hơn một năm qua.

Theo ông Đặng Thanh Phong - Giám đốc truyền thông MWG, việc rút 22 cửa hàng trong hệ thống Big C là một thỏa thuận kinh doanh bình thường. Theo đó, sau thương vụ chuyển nhượng trị giá hơn 1 tỉ USD, Big C VN về tay Central Group của Thái Lan.

Tháng 1-2015, Central Group cũng đã mua 49% cổ phần của Nguyễn Kim. Điều này có nghĩa chiến lược kinh doanh của Big C VN phải thay đổi vì trong mặt bằng của họ sẽ phải có thêm nhóm hàng điện máy, tiêu dùng của Nguyễn Kim.

Thế giới di động buộc phải rời Big C

Hàng loạt cửa hàng thegioididong sẽ phải rút khỏi hệ thống Big C. Trong ảnh: mua bán điện thoại ở một cửa hàng thegioididong tại TP.HCM. Ảnh: Châu Anh.

“Việc rút lui là thỏa thuận tự nguyện, chúng tôi không bị ảnh hưởng gì từ sự thay đổi này” - đại diện MWG khẳng định, đồng thời cho biết thực tế doanh số các cửa hàng đặt trong khuôn viên hệ thống Big C khá thấp so với 1.000 
cửa hàng bên ngoài.

Trước đây, các cửa hàng thegioididong trong Big C được hình thành từ việc MWG và Big C VN bắt tay hợp tác để triển khai mô hình chuỗi siêu thị Shop in Shop, được hiểu là một siêu thị bên trong một khu mua sắm lớn.

Theo mô hình này, các siêu thị thegioididong.com sẽ nằm bên trong siêu thị Big C để tận dụng mật độ khách hàng sẵn có. Cửa hàng đầu tiên được mở theo mô hình này tại siêu thị Big C Đồng Nai vào tháng 3-2015.

Tuy không quá rầm rộ, nhưng mô hình siêu thị Shop in Shop đã tận dụng được nhiều lợi thế của hai nhà bán lẻ với chi phí đầu tư ban đầu khá thấp. Tuy vậy, sau khi Big C VN về tay Thái Lan, “mối lương duyên” này tạm gác lại...

Cẩn thận tác động 
dây chuyền

MWG phải ra khỏi Big C chỉ là một ví dụ. Nhiều doanh nghiệp Việt khác cho rằng họ bị làm khó khi muốn bán vào hệ thống siêu thị có vốn ngoại.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, cho biết hệ thống siêu thị có vốn nước ngoài thường làm khó doanh nghiệp.

Chẳng hạn về chiết khấu, nếu hệ thống siêu thị nội mức chiết khấu khoảng 10% thì với siêu thị có vốn nước ngoài là 10-20%, mỗi năm đều điều chỉnh tăng nên xảy ra nghịch lý hàng vào siêu thị càng lâu thì chiết khấu càng cao!

Thời gian thanh toán tại các siêu thị ngoại cũng đang là vấn đề, họ luôn kéo dài so với hợp đồng, có khi lên 45 ngày. Việc chào hàng mới còn khó khăn hơn do thời gian giải quyết khá lâu.

Thực tế dù các nhà bán lẻ nước ngoài có cam kết hỗ trợ hàng Việt đến đâu thì ưu tiên của họ vẫn là lợi nhuận.

Giám đốc một công ty thực phẩm đông lạnh ở phía Nam cho biết sau một thời gian đưa hàng vào siêu thị ngoại, ông đã quyết định dừng bán hàng trên kênh phân phối này vì không chịu nổi chi phí, càng bán càng lỗ!

Theo các chuyên gia, dù việc rút ra khỏi chuỗi Big C VN của MWG có thể được xem là hợp lý trong chiến lược kinh doanh của Big C VN, nhưng câu chuyện này cũng cảnh báo hàng hóa Việt có thể bị “hất cẳng” ra khỏi hệ thống phân phối ngay trên sân nhà.

Ông Phạm Ngọc Hưng - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho biết thực tế dù các nhà bán lẻ nước ngoài có cam kết hỗ trợ hàng Việt đến đâu thì ưu tiên của họ vẫn là lợi nhuận.

Theo ông Hưng, thời gian qua đã có sự đổi chủ ở nhiều hệ thống siêu thị, khiến các doanh nghiệp trong nước khá chật vật tìm chỗ đứng trên thị trường.

“Cần sự liên kết giữa các nhà phân phối nội để tăng tốc đầu tư, tận dụng được thế mạnh của mỗi đơn vị” 
- ông Hưng đề xuất.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài xâm nhập thị trường VN. Lotte Mart của Hàn Quốc đã mở siêu thị thứ 12 ở VN, dự kiến có 50 siêu thị đến năm 2020. AEON cũng xác định VN là thị trường bán lẻ lớn thứ 2 khu vực sau Malaysia...

Vì vậy, theo các chuyên gia, không chỉ doanh nghiệp cần tăng liên kết để bán hàng mà các cơ quan chức năng cũng không thể thờ ơ để tránh khả năng nhiều doanh nghiệp VN sẽ bị đẩy ra khỏi hệ thống các siêu thị lớn, đồng nghĩa giảm khả năng phát triển, bán hàng, kéo theo các hệ lụy về việc làm, 
nội lực nền kinh tế.

Bà Lý Kim Chi (chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM):

Cần quan tâm đầu ra cho sản phẩm

Hệ thống bán lẻ không chỉ là vấn đề phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng, mà còn liên quan đến đầu ra sản phẩm. Trong khi đó, chỉ cần thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập là doanh nghiệp ngoại hoàn toàn có thể chi phối mạng lưới bán lẻ VN.

Các doanh nghiệp Việt có vẻ như chưa nhìn nhận đúng mức về cuộc cạnh tranh này để có sự chủ động cần thiết...

Như Bình
Nguồn Tuổi Trẻ Online