Câu chuyện về món sôcôla Việt "ngon nhất thế giới" của 2 ông chủ không có quốc tịch Việt Nam

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp - Việt 2016 tại TP.HCM nhân chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Hollande tới Việt Nam sáng 7/9, ông Samuel Maruta, đồng sáng lập công ty sôcôla Marou, đã có những chia sẻ thú vị về cách ông "dụ" nông dân Việt Nam trồng cây cacao thay vì cà phê, hồ tiêu. Sôcôla Marou từng được báo New York Times gọi là "loại sôcôla ngon nhất mà bạn chưa từng thử".

Theo ông Maruta, người mang 2 dòng máu Pháp - Nhật, Việt Nam là quốc gia phát triển mạnh về nông nghiệp nhưng cây cacao không thể bì được với cafe, tiêu hay hạt điều. Không ít người cho rằng Việt Nam trồng nhiều cây cacao nhưng thực tế, sản lượng ở Việt Nam chỉ chiếm 0,1% của thế giới.

"Người trồng cacao luôn có áp lực và suy nghĩ rằng sẽ trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Cây cacao phải 4 đến 5 năm mới cho thu hoạch. Vấn đề ban đầu của chúng tôi là làm sao để thuyết phục nông dân yên tâm trồng cacao, rằng trồng loại cây này là có lợi?" cha đẻ của sôcôla Marou nói.

Ông Maruta và người đồng sáng lập ra Công ty sản xuất sôcôla Marou đã có rất nhiều trăn trở khi nhiều nông dân chặt cacao đi để trồng tiêu. Họ đã có những phân tích, đánh giá và truyền cảm hứng cho nông dân rằng: Cacao mới là cây của tương lai. Hiện thế giới ngày càng cần cacao.

Samuel Maruta

Ông Samuel Maruta (thứ 2 từ phải qua trái) tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Pháp.

Ông Maruta đã đưa ra một so sánh rằng mỗi ngày người ta ăn bao nhiêu tiêu trong khi có thể ăn đến vài chục gram sôcôla. Thị trường cacao lớn hơn tiêu rất nhiều.

Và đúng là cây của tương lai

Xuất hiện tại Pháp vào cuối thế kỷ 19, cây cacao hiện có thể được tìm thấy tại Tây Nguyên và các tỉnh tiểu vùng sông Mekong – nơi đang đóng góp hơn 50% sản lượng cây lương thực cho Việt Nam và chiếm 27% GDP của đất nước.

Với những người như ông Hồ Văn Lâu - một nông dân ở Tiền Giang, cacao được xem là loại cây mang lại sự đổi đời cho họ. Với những khoản viện trợ từ nước ngoài, những nông dân như ông Lâu có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn để trồng và mở rộng hoạt động canh tác. 10 năm trước, cacao phủ rộng trên chỉ 2.000 hecta tại Việt Nam nhưng hiện giờ con số này đã lên tới 54.000 hecta.

Về việc hợp tác cùng Marou, ông Lâu cho biết: “Phía Marou luôn muốn những hạt cacao sạch nhất và tôi khẳng định cacao của mình không có thuốc trừ sâu và chất bảo quản”.

Marou đặt tên 5 loại sôcôla của hãng theo 5 tỉnh cung cấp nguồn hạt cacao là Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bến Tre.

Năm 2013, sôcôla Tiền Giang 70% của Marou đã giành huy chương Bạc ở hạng mục "loại sôcôla đen bean-to-bar ngon nhất" của Viện Hàn lâm Sôcôla (Academy of Chocolate) tại Anh, còn sôcôla Bến Tre 78% cũng của họ thì được huy chương Đồng.

Năm 2015, gia đình ông Lâu bán được 840kg cacao – trị giá 3.200 USD cho Marou. So với nhiều hộ gia đình khác, đây quả thực là một kỳ tích. “Mọi việc đang diễn ra rất tốt đẹp”, ông Lâu hồ hởi nói.

Câu chuyện về món sôcôla Việt ngon nhất thế giới của 2 ông chủ không có quốc tịch Việt Nam

Doanh thu triệu đô năm 2015

4 năm trước, Sam Maruta – một người Pháp gốc Nhật đã có 8 năm sống tại Việt Nam đón người bạn Vincent Mourou ghé thăm Việt Nam quyết định mua 2kg hạt cacao từ một trang trại ở ngoại ô TP Hồ Chí Minh với ý định về khách sạn và tự tạo ra một loại sôcôla.

Lý do là bởi đến lúc này họ vẫn chưa hề biết quy trình tạo ra một loại sôcôla cũng như sự khác biệt giữa các loại sôcôla nếu như dùng hạt cacao khác nhau.

Tối hôm đó, Mourou đã thực hiện quy trình tạo ra sôcôla tại căn bếp của Sam. Lúc này, Sam cho rằng: “Ý tưởng về việc tạo ra một loại sôcôla rất thú vị. Không chỉ sản xuất, tôi còn muốn tạo ra những thanh sôcôla từ chính cacao Việt Nam”.

Chính vì vậy, Sam Maruta, 41 tuổi và Vincent Mourou, 43 tuổi khi ấy đang làm trong lĩnh vực ngân hàng và quảng cáo đã quyết định bỏ việc để thành lập nên Marou Faiseours de Chocolat – một công ty chuyên về các loại sôcôla single-origin (loại sôcôla được sản xuất 100% từ hạt cacao thu hoạch trên một nông trại hoặc một vùng đất nhất định) được đặt tại ngoại ô TP Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Lúc đó, tham vọng của 2 nhà sáng lập là tạo ra loại sôcôla bean-to-bar đầu tiên của Việt Nam. Sôcôla Bean-to-Bar là loại sôcôla được cùng một nhà sản xuất thực hiện toàn bộ từ khâu xử lý hạt cacao đến khi xuất xưởng thanh sôcôla).

4 năm sau đó, Marou đã gây bất ngờ cho toàn thế giới với một thương hiệu thanh sôcôla cao cấp Marou, điều hành doanh nghiệp có lợi nhuận và còn góp phần giúp Việt Nam có mặt trong bản đồ sôcôla thế giới.

Ngay trong những tháng đầu hoạt động, Sam đã nỗ lực tìm kiếm nhà đầu tư cho công ty. Ông tới gặp Jonathon Waugh - một nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Baring Asset Management, Jardine Fleming và JP Morgan Chase và nói rằng: Tôi biết có thị trường rất rộng lớn dành cho những loại sôcôla cao cấp và tôi quyết định thành lập một công ty sản xuất sôcôla. Anh có muốn đầu tư tiền vào đây hay không?”.

Waugh không vội vàng trả lời mà nói rằng: “Hãy để tôi thử loại sôcôla đó trước đã”.

Câu chuyện về món sôcôla Việt ngon nhất thế giới của 2 ông chủ không có quốc tịch Việt Nam

Đến tối muộn hôm đó, Waugh đã tới căn bếp của Sam và thưởng thức loại sôcôla thương hiệu Mauro. Anh nhớ là hương vị không tệ và nhanh chóng đưa ra quyết định đầu tư. Nhớ lại ngày hôm đó, Waugh nói rằng anh không nghĩ ngợi nhiều và chỉ đơn giản tin tưởng ở Sam.

Dẫu vậy, những gì Marou mang lại cho Waugh vượt mọi kỳ vọng. Bản thân Waugh khẳng định rằng: "Trong tất cả các khoản đầu tư của tôi, Marou là công ty mang lại sự hài lòng và nhiều ngạc nhiên nhất".

Trong năm đầu tiên hoạt động (2012), doanh thu của Marou đạt 120.000 USD. Và năm nay họ hy vọng nâng con số này lên 1 triệu USD. Hiện tại, Marou có khoảng 20 nhân viên và nhà máy đặt ở Thủ Đức với công suất 100kg sôcôla mỗi ngày.

Năm ngoái, công ty này sản xuất ra 3 tấn sôcôla và 70% trong số đó được xuất khẩu ra hơn 20 thị trường trên khắp thế giới, chủ yếu là châu Âu.

Thị trường lớn nhất của họ chính là nước Pháp – quê hương của nhà sáng lập Sam. Năm ngoái, Marou cũng đã mở một cửa hàng bánh sôcôla gần chợ Bến Thành.

Tại Nhật, trong khi dân số không ngừng giảm thì doanh thu từ bán lẻ sôcôla vẫn tăng 7%, lên 405 tỷ Yên - tương đương 3,7 tỷ USD - trong năm 2015, theo số liệu của Euromonitor. Đối với người Nhật, sôcôla là một loại đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe.

Thế Trần
Nguồn Trí thức trẻ