Nhạc trực tuyến: Vẫn còn chơi điệu slow

Mới đây, nhacso.net, một trong những website âm nhạc trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam, được đại diện FPT Telecom tuyên bố sẽ chính thức đóng cửa trong thời gian sớm nhất.

Thông tin này gây xôn xao cộng đồng yêu nhạc vì nhacso.net vốn là một trong những cái tên dẫn đầu trào lưu nghe nhạc trực tuyến của giới trẻ khi ra đời hơn 10 năm trước và đã có những bước tiến dài sau khi về với FPT. Dấu chấm hết của nhacso.net phải chăng đang đặt ra câu hỏi về khả năng phát triển của mô hình nhạc trực tuyến?

Theo khảo sát của Q&Me, 2/3 dân số Việt Nam nghe nhạc mỗi ngày, chủ yếu là ca khúc nhạc Việt. Song, một đặc trưng của người nghe nhạc tại Việt Nam là chỉ muốn sử dụng những dịch vụ miễn phí. Đây là hành vi tiêu dùng được các website nhạc trực tuyến “nuông chiều” từ ngày đầu thành lập và nay trở thành trở ngại lớn cho sự phát triển của thị trường nhạc trực tuyến.

Từ năm 2003, khi internet bắt đầu phát triển mạnh, tạo cơ hội cho sự bùng nổ của web nghe nhạc trực tuyến. Nổi bật là những cái tên như nghenhac.info, yeuamnhac.com, giaidieu.net…

Nhạc trực tuyến: Vẫn còn chơi điệu slow

Dấu chấm hết của nhacso.net phải chăng đang đặt ra câu hỏi về khả năng phát triển của mô hình nhạc trực tuyến? Ảnh: Internet.

Năm 2005 là cột mốc của thị trường nhạc trực tuyến khi nhacso.net, dự án âm nhạc bản quyền đầu tiên của Việt Nam, ra đời và thu hút một lượng lớn người dùng nhờ cơ sở dữ liệu lớn cùng mô hình hoạt động chuyên nghiệp. Ngay lúc này, khái niệm nhạc bản quyền đã rất mơ hồ, người dùng quen nghe “chùa” và đánh đồng khái niệm “nghe nhạc trực tuyến = nghe nhạc miễn phí”. Khi không có được doanh thu từ người nghe nhạc, nhiều trang web phải hoạt động không có giấy phép, lấy nhạc không trả bản quyền từ những trang web lớn. Đỉnh điểm là năm 2008, nhacso.net kiện 8 trang web khác về tiền tác quyền đã khiến nhiều website nhạc vội vàng rời cuộc chơi.

Còn nhacso.net, sau khi về với FPT Telecom vào năm ngoái, trang web này đã ra mắt phiên bản mới với giao diện và nhiều tính năng cập nhật, sau đó tiếp tục trình làng ứng dụng dành cho điện thoại di động và công bố lượng người dùng ứng dụng tăng 300% sau 4 tháng. Sự ra đi đột ngột của nhacso.net sẽ để thị trường nhạc trực tuyến thành cuộc đua song mã giữa Zing MP3 (chủ lực của VNG và mở đầu cho các sản phẩm Zing News, Zing Movie, Zing Forum… sau này) và nhaccuatui.com. Chính vì thói quen nghe nhạc miễn phí và chỉ chủ yếu nghe nhạc Việt nên những mô hình nhạc trực tuyến hùng mạnh như Apple Music hay Spotify dù lớn mạnh trên toàn cầu vẫn chưa mặn mà bước vào thị trường Việt Nam.

Lý do đóng cửa nhacso.net, đại diện FPT cho biết là do hình thức nghe nhạc của người dùng đang thay đổi, dịch chuyển khác với hình thức mà nhacso.net cung cấp. Theo ông Nhan Thế Luân, Tổng Giám đốc Công ty NTC Corp (quản lý trang nhaccuatui.com), các trang web nghe nhạc hiện nay đã phát triển đến giới hạn kỹ thuật. Thương hiệu nào cũng đã và đang hoàn thiện tốc độ đường truyền, độ lớn của kho nhạc, chất lượng âm thanh… Song, một bước ngoặt đang sắp đặt lại cục diện của thị trường này là xu hướng “di động hóa”, phát triển ứng dụng nghe nhạc trên các thiết bị cầm tay chứ không đơn thuần là một trang web nghe nhạc như trước. Trong 4 triệu lượt nghe/ngày của nhaccuatui.com, các chỉ số về di động cao gấp đôi so với trang web.

Nhạc trực tuyến: Vẫn còn chơi điệu slow

Xu hướng di động đang sắp đặt lại cục diện thị trường nhạc trực tuyến. Ảnh: Sơn Phạm.

Tuy nhiên, không phải mô hình nhạc trực tuyến nào cũng đủ lực đi theo hướng phát triển này. Để thiết lập được ứng dụng cho 3 hệ điều hành di động chính là Android, IOS và Windows, mỗi hệ điều hành lại gồm nhiều thiết bị và dòng máy khác nhau, đòi hỏi thời gian đầu tư và đội ngũ lập trình bài bản. “Chúng tôi đã thuyết phục nhà đầu tư phát triển ứng dụng nghe nhạc trên thiết bị di động từ thời của iPhone 2 và sẽ tiếp tục phát triển mảng này. Còn trang web nghe nhạc vẫn được duy trì nhưng dự đoán sẽ tiếp tục giảm sút”, ông Luân cho biết.

Trong chi phí hoạt động của mô hình nhạc trực tuyến, nhân sự chiếm gần một nửa, phần còn lại chi trả cho bản quyền và đường truyền.

Người dùng quen với nghe nhạc miễn phí, nên các nhà cung cấp nhạc cũng quen với kinh doanh không có lời, hay như cách của ông Luân là “lỗ trong dự kiến”. Họ chấp nhận nuôi thị trường đến khi người dùng chấp nhận đóng phí. Dù biết rằng bỏ ra một khoản chi phí sử dụng hằng tháng, người dùng sẽ được tận hưởng nhạc chất lượng cao, ứng dụng không quảng cáo, dung lượng lưu trữ lớn hơn, nhưng rõ ràng thị trường Việt còn cần thêm thời gian cho thói quen này và cũng để các phương tiện thanh toán trực tuyến phát triển hơn. Mô hình nhạc trực tuyến cũng sẽ gây dựng được nhóm người dùng trung thành hơn.

Nói về chi phí bản quyền, nhaccuatui.com đã hợp tác với Sony Music, Universal Music, Warner Music, các ca nhạc sĩ của Hàn Quốc, Thái Lan, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam và gần 700 ca nhạc sĩ, đơn vị sở hữu nhạc trong nước. Song, dù làm tốt đến đâu, theo ông Luân, không đơn vị nào bảo đảm 100% không vi phạm bản quyền, nhất là trong môi trường mở như nhạc trực tuyến. Các mô hình nhạc này còn phải chi không nhỏ cho cơ chế phản hồi người dùng, nhận biết nội dung đăng tải trên hệ thống để kịp thời xử lý những vấn đề liên quan đến bản quyền.

Trong cơ cấu doanh thu của mô hình nhạc trực tuyến, 80-90% đến từ bán quảng cáo, còn lại phần nhỏ là thu phí dịch vụ từ các tài khoản đăng ký sử dụng.

Khi không có sự khác biệt nhiều về chất lượng dịch vụ, các mô hình nhạc trực tuyến phải cạnh tranh nhau bằng “chiều sâu”. Trước kia, web nhạc trực tuyến được bổ sung tính năng tra cứu nhạc, thông tin ca sĩ, nhạc sĩ, nghe nhạc theo chủ đề, chia sẻ cảm nhận, lập danh sách nhạc yêu thích, chia sẻ trên mạng xã hội. Hiện nay, nghiên cứu các thuật toán giúp gợi ý nhạc, chạy chữ karaoke khi phát nhạc hoặc nhận diện bài hát là những cách thức giúp các mô hình nhạc trực tuyến giữ chân được người dùng.

Trong cơ cấu doanh thu của mô hình nhạc trực tuyến, 80-90% đến từ bán quảng cáo, còn lại phần nhỏ là thu phí dịch vụ từ các tài khoản đăng ký sử dụng. Theo một số nguồn tin, một số web nhạc trực tuyến tại hiện đang có ý định xuất ngoại, nơi mà người dùng đã hình thành thói quen nghe nhạc trả phí để xây dựng thị phần. Còn đối với thị trường nhạc trực tuyến nội địa, doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận tình cảnh “không lời và phải đầu tư lâu dài”, chấp nhận mảng kinh doanh này ngày càng trở thành một miếng bánh vô cùng khó ăn.

Lan Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư