Chiến lược mới của KIDO
Sau thương vụ đình đám bán lại mảng kinh doanh cốt lõi bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez International của Mỹ với tổng giá trị 370 triệu USD, Tập đoàn Kinh Đô (KIDO) hoạt động như thế nào?
Có trong tay khoản tiền rất lớn từ thương vụ M&A vào năm ngoái, KIDO đang tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh mới trong ngành hàng thực phẩm, bao gồm dầu ăn, mỳ ăn liền và một mảng hoàn toàn mới là “cấp đông” – bánh bao. Kem vẫn được giữ lại bởi đã có thị phần nhất định trên thị trường. Liệu cú hích mới “cấp đông” – bánh bao có giúp công ty tăng trưởng hơn hay không?
Đích ngắm M&A đầu tiên: Vocarimex
Động thái tiếp theo của KIDO sau khi nhận được 1.550 tỷ đồng từ thương vụ M&A với Mondelez được ban lãnh đạo tập đoàn xác định là tiếp tục bành trướng hoạt động mua lại và sáp nhập các doanh nghiệp thực phẩm trong nước. Theo ông Trần Lệ Nguyên, CEO KIDO, dự kiến trong năm nay, công ty sẽ thu nốt 20% trong tổng giá trị thương vụ 2.000 tỷ đồng mà Mondelez đã chuyển trước 1.550 tỷ đồng.
“Hai bên đang hoàn tất thủ tục chuyển giao 100% mảng bánh kẹo của Kinh Đô cho Mondelez”, ông Nguyên nói với báo chí trong một cuộc chia sẻ vào ngày 17/8/2016. Theo các nguồn tin trong giới kinh doanh thực phẩm, KIDO sẽ tích cực tiến hành mua lại các doanh nghiệp nội địa trong ngành nhằm mở rộng thị phần, tạo chỗ đứng vững chắc cho công ty trên thị trường. Với tiềm lực tài chính vững chắc và dòng tiền dồi dào, M&A là mũi tên mà KIDO chọn để nhắm tới nhiều đích. Một trong những “con chim” mà mũi tên của KIDO đã và đang “ngắm bắn” là Vocarimex (Voca), công ty dầu thực vật có tên tuổi trên thị trường. Được biết, cơ quan chủ quản của doanh nghiệp nhà nước (đã cổ phần hóa) này là Bộ Công Thương đã có chủ trương thoái vốn tại Voca. Theo ông Nguyên, KIDO sẵn sàng mua tiếp cổ phần tại Voca trong khả năng cho phép.
Theo một thông tin bên lề, KIDO đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để sở hữu 51% cổ phần của Voca và doanh thu của công ty này sẽ được hợp nhất với doanh thu của KIDO ngay trong năm nay. Theo số liệu do phía KIDO cung cấp, trong 6 tháng đầu năm, Voca đạt mức lợi nhuận 224 tỷ đồng và dự kiến đến cuối năm sẽ đạt tổng lợi nhuận 350 tỷ đồng. KIDO ước tính, lợi nhuận của Voca trong năm 2017 sẽ đạt được ở mức từ 400 – 600 tỷ đồng.
Diễn biến thực tế của thị trường bánh kẹo cho thấy, tính toán chiến lược của hai anh em Trần Kim Thành – Chủ tịch HĐQT và Trần Lệ Nguyên – Tổng giám đốc KIDO – là đúng đắn. Do sự cạnh tranh gay gắt trong thị trường bánh kẹo nên mảng này đang dần bão hòa, điển hình là phân khúc bánh Trung thu ngày càng giảm. Theo ước tính của một chuyên gia tư vấn chiến lược doanh nghiệp, mức tăng trưởng của ngành hàng bánh kẹo chỉ đạt khoảng 10% một năm, nhưng có rất nhiều doanh nghiệp tham gia. Trong khi đó, các lĩnh vực mới mà KIDO đang theo đuổi ổn định hơn nhiều so với mảng bánh kẹo trước đây. Tuy vậy, tương lai không phải chỉ có màu hồng. Đặt chân vào “câu lạc bộ tỷ USD” gồm toàn những anh hào trong lĩnh vực mỳ gói như Asia Foods, Masan, Acecook Việt Nam thực sự là một thử thách lớn đối với doanh nghiệp bánh kẹo đã từng giữ vị trí số 1 Việt Nam.
KDC ước tính doanh thu năm 2016 là 7.000 tỷ đồng sau khi mất hợp đồng.
Cú hích bánh bao
Dự kiến năm 2017 lợi nhuận của KIDO sẽ tăng lên mức 10.000 tỷ đồng. Đây là thông tin được ông Trần Lệ Nguyên chủ động công bố với báo giới cũng như các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu KDC. Ông Trần Lệ Nguyên nói: Năm 2015 KDC trả cổ tức đặc biệt 200% cộng với cổ tức 20% hàng năm KDC đã trả cho cổ đông 220% cổ tức 1 lần/30 năm (tính trung bình theo cổ tức của ngân hàng là 8%). Trả lời câu hỏi của phóng viên về mảng sản xuất bánh bao mà công ty tham gia từ cuối năm 2015, ông Nguyên giải thích lý do thâm nhập ngành hàng này bởi đây là ngành ít cạnh tranh trong khi Việt Nam là một thị trường tiềm năng.
“Chúng tôi tận dụng lợi thế sở hữu hệ thống 60.000 điểm bán kem, chỉ cần một điểm mỗi ngày bán được 10 chiếc bánh bao thì sẽ bán được 600.000 chiếc mỗi ngày”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyên cũng tự tin cho biết nếu mảng bánh bao hoạt động tốt KIDO sẽ tiếp tục lấn sân sang các món ăn điểm tâm kiểu Trung Hoa, bao gồm há cảo, xíu mại và xúc xích. KIDO đã bắt đầu sản xuất bánh bao theo công nghệ Nhật Bản từ cuối năm ngoái. Mỗi ngày công ty cho ra đời 120.000 cái và không đủ cung cấp cho thị trường, với mức giá bán từ 12.000 – 13.000 đồng/chiếc. KDC hiện đã có nhà máy sản xuất bánh bao đặt tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Theo tiết lộ của ông Nguyên, công ty sẽ xây dựng thêm nhà máy sản xuất bánh bao với năng suất gấp 3 lần.
Hiện nay, sản phẩm bánh bao mang thương hiệu KIDO đã được phân phối vào một số hệ thống siêu thị tại TP.HCM theo mô hình công ty cung cấp tủ đông/tủ hấp và chịu chi phí tiền điện của các thiết bị cho các điểm bán hàng lẻ. Đối với mảng kinh doanh truyền thống là kem, ban giám đốc KIDO cho biết, tình hình vẫn khả quan. Trong 7 tháng đầu năm mảng kem mang lại 160 tỷ đồng lợi nhuận và dự kiến cả năm nay sẽ đạt 230 – 240 tỷ đồng. Cuối tháng 8/2016 công ty sẽ khánh thành nhà máy sản xuất kem ở tỉnh Bắc Ninh, sau đó xây thêm 1 nhà máy ở TP.HCM.
Năm 2015, tốc độ tăng trưởng của kem KIDO là 30% và dự tính năm 2016 sẽ cao hơn. Hiện tại, kem KIDO đang chiếm 36,9% thị phần tại Việt Nam. Ông Trần Lệ Nguyên đã công bố, doanh thu ước tính năm 2016 của KIDO là 7.000 tỷ đồng.
Ông Trần Lệ Nguyên nói: Năm 2015 KDC trả cổ tức đặc biệt 200% cộng với cổ tức 20% hàng năm KDC đã trả cho cổ đông 220% cổ tức 1 lần/30 năm (tính trung bình theo cổ tức của ngân hàng là 8%).
Thành Trung
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp