Vinasun đã làm gì để giữ thị phần trước sự bành trướng của Uber và Grab?
Cuộc chiến giữa các hãng taxi truyền thống và những hãng taxi thế hệ mới như Uber, Grab không khác gì một cuộc chơi Poker và nó sẽ kết thúc khi tất cả cùng hết tiền, ngoại trừ “Chip leader” (người chơi có số chip nhiều nhất).
Đứng trước sự tấn công của 2 gã khổng lồ Uber và Grab vào thị trường Việt Nam kể từ năm 2014, thị phần các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Thời điểm đó, Grab taxi hay Uber đều liên tục đưa ra code giảm giá cước, thậm chí Uber còn tặng ngay 100.000đ khi khách hàng giới thiệu cho người dùng mới. Không những thế, lái xe của các hãng taxi cũng ngay lập tức bị hấp dẫn bởi Grab/Uber do số cuốc trên mỗi đầu xe cao hơn hẳn các hãng taxi truyền thống.
Trước những khó khăn hiện hữu, nhà đầu tư trên TTCK đã định giá cổ phiếu Vinasun giảm từ mức P/E 10.x xuống còn 6.x chỉ trong hơn 1 năm.
Trong bối cảnh đó, không ít các hãng taxi truyền thống buộc phải thỏa hiệp nhằm bảo về thị phần nhưng với Vinasun thì câu chuyện hoàn toàn khác.
Câu trả lời của Vinasun
Trong khi một số hãng taxi cho phép tài xế vừa lái xe của hãng mình, vừa lái cho Grab thì Vinasun đã nói không. Điều này khiến một số tài xế từ bỏ Vinasun và họ chấp nhận điều đó.
Cùng với việc không “tiếp tay” cho địch thủ, Vinasun cũng nâng cao năng lực bản thân qua việc đẩy mạnh đầu tư xe để giành lại thị phần từ các đối thủ mới như Uber/Grab. Chỉ tính riêng trong năm 2014, Vinasun đã đầu tư mới hơn 1.200 xe và đây cũng là năm Vinasun đầu tư mạnh nhất cho đội xe bởi họ quá hiểu với thị trường taxi, thị phần mới là ưu tiên số 1.
Không những vậy, quan sát đối thủ mạnh về cái cái gì, Vinasun lập tức học hỏi cái đó. Uber/Grap có app thì Vinasun cũng có VNS app. App VNS được chạy thử lần đầu vào tháng 5/2015 ở Đà Nẵng, chỉ sau 1 năm kể từ cuộc chiến bắt đầu.
Sau 2 năm chiến đấu với những đối thủ ngoại như Uber/Grap, Vinasun vẫn sống tốt và bằng chứng là doanh thu cũng như lợi nhuận của Vinasun tăng trưởng đều đặn qua các năm. Riêng trong năm 2015, Vinasun đạt lợi nhuận trước thuế 428 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ khi thành lập tới nay.
Cuộc cạnh tranh sẽ kéo dài đến khi nào?
Cả Uber và Grab đều có những con số tăng trưởng kinh doanh ấn tượng nhưng lợi nhuận lại là dấu hỏi lớn. Báo cáo KQKD mới đây của Uber đã gây sốc khi startup đình đám của làng công nghệ thế giới với định giá 69 tỷ USD, đạt doanh thu 2 tỷ USD nhưng lỗ tới 1,2 tỷ USD chỉ trong nửa đầu năm 2016.
Tại thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc, Uber đã phải từ bỏ cuộc chơi và tiến hành sáp nhập với đối thủ cạnh tranh là Didi Chuxing. Trong những năm trước, Uber đã tiêu tốn khá nhiều tiền trong cuộc chiến với Didi Chuxing và cả hai công ty đều tiêu đến hàng tỷ USD để trợ cấp cho nhân viên lái xe trong cuộc chiến tranh giành thị phần.
Còn với Grab, theo báo cáo KQKD giai đoạn 2014- 2015 của Grab Singapore, doanh nghiệp này đạt doanh thu 10,2 triệu USD nhưng lỗ tới gần 40 triệu USD (tính cả Grab taxi và Grab car).
Những con số thống kê cho thấy khó khăn mà Uber hay Grab và những công ty hoạt động trong cùng mảng dịch vụ mạng lưới taxi đang phải đối mặt khi cố gắng xây dựng và mở rộng mạng lưới ra toàn cầu. Trên thực tế, chi phí thành lập chi nhánh, xin cấp phép hoạt động, quảng bá dịch vụ tại thị trường mới, thuê lái xe đã “ngốn” của các hãng taxi như Uber hay Grab khá nhiều tiền.
Mặc dù liên tục thua lỗ nhưng Uber vẫn nhận được nguồn hỗ trợ tài chính mạnh mẽ. Vài tháng một lần, Uber lại tiến hành kêu gọi vốn. Trong tháng 6 vừa qua, công ty đã thu hút được 3,5 tỷ USD từ quỹ đầu tư công của Saudi Arabia.
Có thể thấy, cuộc chiến giữa các hãng taxi truyền thống và những hãng taxi thế hệ mới như Uber, Grab không khác gì một cuộc chơi Poker và có lẽ nó chỉ kết thúc khi tất cả cùng hết tiền, ngoại trừ “Chip leader” (người chơi có số chip nhiều nhất). Tại Việt Nam, cán cân cuộc chơi hiện vẫn đang nghiêng về các hãng taxi truyền thống, đặc biệt là Vinasun!
Anna 09
Nguồn Trí thức trẻ