Số đông người Việt vẫn chọn mua hàng ở chợ & đại lý truyền thống

Trong bối cảnh, các hệ thống siêu thị như Big C, Coopmart, Lotte Mart, Aeon và các cửa hàng tiện lợi như Vinmart, Ministop, Family Mart xuất hiện dày đặc ở nhiều thành phố, nhiều người vẫn chọn đi chợ truyền thống, đại lý thay vì đến siêu thị do có những ưu điểm vượt trội.

Giá hàng hóa tại siêu thị đắt hơn đại lý, còn mất thêm thời gian chờ thanh toán, gửi xe

Theo ghi nhận của phóng viên, giá bán tại siêu thị BigC và đại lý chênh nhau khá nhiều. Cụ thể như hộp sữa bột Vinamilk Gold step 4.900 gram tại đại lý là 217.000 đồng thì tại BigC là 235.000 đồng. Loại Vinamilk thường 900 gram giá lần lượt là 170.000 đồng và 190.000 đồng.

Loại Vinamilk hộp giấy 400 gram có giá 95.000 đồng tại đại lý và 108.000 tại siêu thị.

Sữa chua Nutifood 1 thùng/12 lốc có giá 225.000 đồng tại đại lý và 236.000 đồng tại BigC.

Sữa bột Ensure Gold hương vani hộp 900 gram có giá 585.000 đồng tại đại lý và có giá trên dưới 700.000 đồng tại các siêu thị như BigC hay Vinmart.

Số đông người Việt vẫn chọn mua hàng ở chợ & đại lý truyền thống

Ảnh minh họa: Diễn đàn Doanh nghiệp.

Giá các mặt hàng khác như dầu gội đầu, xà phòng, bánh kẹo, nước rửa chén… tại siêu thị cũng cao hơn ở đại lý.

Ngoài mức giá rẻ hơn, thì với văn hóa "giao thông xe máy và mua sắm mặt đường" như hiện tại, người tiêu dùng vẫn thích lựa chọn chợ hay đại lý còn bởi sự tiện lợi và nhanh chóng khi mua hàng, thay vì phải gửi xe và chờ thanh toán như mua sắm tại siêu thị.

Chị Mai ở TP HCM cho hay, chị vẫn kết hợp cả đi chợ và siêu thị, tùy thời điểm. Hôm nào chị muốn ngủ nướng, không kịp ra chợ mua đồ tươi thì chị vào siêu thị. Tuy nhiên, chị ngán ngẩm cảnh phải chờ thanh toán và mất công gửi xe trong khi bản thân không có nhiều thời gian. "Đã vậy, vào siêu thị kiểu gì cũng tốn thêm tiền vì mua thêm cái này cái kia, có khi là chiếm cả khoản chi của tuần kế tiếp", chị Mai phân trần.

Chị Hoa ở Gò Vấp cho biết, "Tôi không thích mua thịt, cá trong siêu thị vì đa phần thịt đều đông lạnh, không còn được tươi ngon. Tôi thường mua sữa cho con ở đại lý lớn, uy tín. Khi bận, chỉ cần chạy xe táp qua đường mua sữa cho con là xong, khỏi cần vào siêu thị".

Bên cạnh những nhược điểm trên thì siêu thị cũng có những ưu điểm, đó là sự sắp xếp chuyên nghiệp, không cần trả giá, rõ nguồn gốc xuất xứ…

Chợ truyền thống, siêu thị đang chiếm thị phần như thế nào?

Hiện, chợ truyền thống vẫn chiếm ưu thế với 80% thị phần. Dự đoán, đến năm 2030, con số sẽ giảm xuống còn 60%.

Theo chia sẻ của ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, theo đề án của Bộ Công thương, đến năm 2030, siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ chiếm khoảng 40% thị phần bán lẻ so với con số 20% ở thời điểm hiện tại.

Hiện, chợ truyền thống vẫn chiếm ưu thế với 80% thị phần. Dự đoán, đến năm 2030, con số sẽ giảm xuống còn 60%.

Trong khi đó, so với Thái Lan, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang chiếm khoảng 50%. Điều này đồng nghĩa với việc, thị trường Việt Nam có thể còn sơ khai và có nhiều “đất” để các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng hơn nhiều lần.

Theo số liệu của EIU, thị trường bán lẻ của Việt Nam năm 2016 sẽ có quy mô khoảng 97 tỉ USD và tới năm 2018 sẽ đạt mức 122 tỉ USD, còn kém xa so với quy mô 196 tỉ USD của Thái Lan, nhưng tốc độ tăng trưởng lại tốt hơn nhiều.

Các doanh nghiệp ganh đua quyết liệt trên mặt trận bán lẻ

Thực tế thì các doanh nghiệp bán lẻ đang đầu tư rất mạnh vào thị trường bán lẻ ở Việt Nam.

Trong nước, Saigon Co.op là một ví dụ điển hình. Hợp tác xã này từ lâu đã luôn đứng vị trí số 1 trong ngành bán lẻ Việt Nam với doanh thu vượt ra khá xa so với Big C Việt Nam.

Ngoài ra, cái tên mới nổi bật nhất trong số các DN tư nhân đang triển khai bán lẻ là Vingroup. Dù còn nhiều hạn chế về hàng hóa cũng như chất lượng dịch vụ, nhưng Vingroup cho thấy sự quan tâm đặc biệt của mình vào lĩnh vực này.

Số đông người Việt vẫn chọn mua hàng ở chợ & đại lý truyền thống

Riêng quý 1 năm 2016, doanh thu từ hệ thống Vinmart và Vinmart+ đạt gần 2.200 tỉ đồng, xếp thứ 2 trong số các lĩnh vực kinh doanh của Vingroup, chỉ sau chuyển nhượng bất động sản. Cùng với việc đẩy mạnh số lượng điểm bán, doanh nghiệp này cũng gây ấn tượng với chiến lược lôi kéo nhà cung cấp nội địa như giảm chiết khấu xuống 0%.

Hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh của TGDĐ cũng đang trong quá trình thử nghiệm tại quận ngoại thành của TP HCM. Ông Tài đánh giá thị trường bán lẻ còn rất nhiều đất và kỳ vọng trở thành nhà bán lẻ số 1 Việt Nam. Công ty Thế giới Di động của ông Tài đang chiếm thị phần số 1 tại Việt Nam về bán lẻ điện thoại.

Về phía các ông lớn ngoại, Thái Lan đang tỏ ra là người hào hứng nhất. Họ tin rằng thị trường Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng với Thái Lan, và công cuộc chinh phục sẽ lặp lại quá trình họ đã làm với thị trường quê nhà cách đây gần 3 thập kỷ. Metro, Big C đều đã về tay người Thái.

Người Nhật cũng có ý niệm tương tự khi những đại gia bán lẻ Nhật Bản như Takashimaya và đặc biệt là Aeon đang đầu tư xây dựng hạ tầng rất mạnh mẽ tại Việt Nam.

Tất cả các tay chơi đều đang sẵn sàng hy sinh để đầu tư, chuẩn bị cho ngày "hái lộc".

Thế Trần
Nguồn Trí thức trẻ