Chiến thuật giúp Vinmart trở thành chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam
Bán lẻ bao gồm các Trung tâm thương mại, cùng hệ thống Vinmart, Vinmart+, Vinpro,... đang là quân bài chiến lược của Vingroup chỉ xếp sau bất động sản.
Hiện Vingroup đang lên kế hoạch mở 400 trung tâm thương mại và các cửa hàng đồ gia dụng tới cuối năm 2019. Ông Vượng cho biết thêm rằng công ty nhắm tới việc tăng tỷ lệ doanh thu từ mảng bán lẻ trên doanh thu toàn tập đoàn từ mức 20% hiện nay lên 50% trong vài năm tới.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết khi một vài quy định được nới lỏng, thu hút người chơi từ những lĩnh vực khác và cả những ông lớn nước ngoài.
Len lỏi trong những con đường nhỏ hẹp của khu phố Cổ Hà Nội là một cửa hàng nhỏ có tấm biển hiệu màu đỏ nổi bật, thu hút Vinmart+. Bên trong, hàng loạt thực phẩm đồ uống, rau, văn phòng phẩm và đồ chơi đầy ắp trên các kệ hàng. Một khách hàng nữ khoảng chừng 36 tuổi là nhân viên văn phòng nói rằng cô ấy thích cửa hàng này và tới đây mỗi ngày bởi có thể dễ dàng đỗ xe máy và mua những thứ mình cần nhanh chóng.
Chuỗi cửa hàng này đang được điều hành bởi Vingroup - tập đoàn lớn bậc nhất tại Việt Nam. Công ty này đã mua một chuỗi siêu thị ở địa phương vào tháng 10/2014 như một bước đệm để thâm nhập vào ngành bán lẻ và bắt đầu mở chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+ vào nửa cuối năm 2015.
Vingroup hiện đang vận hành 880 cửa hàng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và họ còn đang lên kế hoạch mở thêm 10.000 cửa hàng nữa cho tới cuối năm 2019.
Trong khi đó, Canifa - một nhà sản xuất quần áo được thành lập năm 2001 bắt đầu phân phối bán lẻ vào năm 2014. Phong cách thiết kế cửa hàng và danh mục sản phẩm của Canifa được đánh giá là khá giống thương hiệu Uniqlo của Nhật Bản.
Tuy nhiên, dù giá sản phẩm của Canifa thấp hơn so với Uniqlo nhưng lại được xem là khá cao đối với mức trung bình của người tiêu dùng ở Việt Nam. Dẫu vậy, nhờ việc tầng lớp trung lưu ở đây đang tăng nhanh chóng, số lượng những cửa hàng của Canifa đến nay cũng đã tăng lên tới con số hơn 70.
Thị trường bán lẻ Việt Nam trở nên sôi động như vậy một phần nhờ những rào cản về quy định được nới lỏng.
Trước đây, muốn mở cửa hàng bán lẻ, đơn vị điều hành phải được chính quyền xem xét tới khả năng gây ra ảnh hưởng tới nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, tiêu chí đánh giá thường không rõ ràng, gây khó khăn trong khâu thành lập các chuỗi bán lẻ.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào năm 2007 khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO và chính phủ dần nới lỏng điều luật cho các doanh nghiệp mới.
Tháng 5 năm nay, chính phủ tuyên bố dự thảo nghị định về việc lập cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500 m2 hoặc lập cơ sở bán lẻ để bán hàng hóa do chính nhà đầu tư nước ngoài sản xuất ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, tại khu vực đã được tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy hoạch cho lập cơ sở bán lẻ và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng thì các doanh nghiệp FDI không phải thực hiện quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT).
Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cũng khiến thị trường bán lẻ trở nên thu hút hơn bao giờ hết. Một công ty nghiên cứu đã ước tính rằng thị trường này có thể đạt 109,8 tỉ USD vào năm 2015, tăng 2,4 lần so với 5 năm trước đó. Con số tương tự được dự đoán có thể tăng lên 179 tỉ USD vào năm 2020.
Những công ty nước ngoài cũng tham gia vào cuộc đua giành thị phần trong thị trường 93 triệu dân này.
Năm 2014, nhà bán lẻ Aeon của Nhật Bản đã mở trung tâm thương mại lớn đầu tiên của họ tại Việt Nam đặt ở TP Hồ Chí Minh. Kể từ đó, họ đã mở thêm 3 trung tâm nữa tại Hà Nội.
Trong khi đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đầu tiên dự kiến sẽ mở ở Việt Nam vào tháng 2/2018.
Trong khi các công ty nước ngoài có lợi thế về vốn, thiết kế đẹp mắt và chuỗi sản phẩm thì các công ty địa phương cũng tỏ ra không kém cạnh.
Vingroup đang nắm trong tay lợi thế từ mảng kinh doanh bất động sản. Chủ tịch tập đoàn là ông Phạm Nhật Vượng nói rằng điều quan trọng là tìm được những vị trí đắc địa trước khi các công ty nước ngoài kịp thâm nhập thị trường.
Ngoài ra họ cũng chấp nhận để 30% cửa hàng mới mở không có lợi nhuận một khoảng thời gian kể từ sau khi mở cửa. Công ty hy vọng có thể vận dụng kinh nghiệm, những hiểu biết ở mảng kinh doanh bất động sản địa phương để phát triển mảng bán lẻ.
Hiện Vingroup đang lên kế hoạch mở 400 trung tâm thương mại đến cuối năm 2019 cũng như các cửa hàng đồ gia dụng. Ông Vượng cho biết thêm rằng công ty nhắm tới việc tăng tỷ lệ doanh thu từ mảng bán lẻ trên doanh thu toàn tập đoàn từ mức 20% hiện nay lên 50% trong vài năm tới.
Một số nhà bán lẻ địa phương cũng đang tăng cường sức lực để cạnh tranh với những người chơi mới như Vingroup.
Rau Bac Tom - một chuỗi cửa hàng chuyên về thực phẩm hữu cơ đang cố gắng tiếp cận với người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu vốn khao khát mua thực phẩm sạch. Với mạng lưới khoảng 200 nông dân và 27 cửa hàng, Rau Bac Tom đang thu hút nhóm khách hàng - những người vốn trước đây thường xuyên mua sắm ở các chợ thực phẩm truyền thống.
Phát triển là vậy nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam gặp phải không ít thách thức.
Đầu tiên, mạng lưới logistic ở Việt Nam vẫn chưa phát triển. Đường nhỏ hẹp, mật độ xe máy dày đặc gây ra cảnh tắc nghẽn, đông nghịt. Thứ hai, khâu phân phối chưa mang lại hiệu quả.
Trong khi những ông lớn nước ngoài có đủ kinh nghiệm và khả năng đương đầu với những trở ngại về cơ sở hạ tầng thiếu thốn kể trên thì nó lại đang trở thành thách thức không hề nhỏ đối với các công ty trong nước - nhất là những đơn vị mới tham gia thị trường.
Vân Đàm / Nikkei
Nguồn Trí thức trẻ