Facebook: Dễ thích khó nhích
Khảo sát sơ bộ cho thấy gần 50% “công dân” Facebook ở Việt Nam có ý định từ bỏ mạng này. cùng thời điểm, cổ đông sáng lập tranh thủ bán cổ phiếu Facebook.
Vừa qua, Peter Thiel, cổ đông lớn nhất và đầu tiên của Facebook, người từng bỏ 500.000 USD vào hệ thống này, đã bán tháo cổ phiếu mã FB để thu về 638 triệu USD. Động thái này góp phần làm giá cổ phiếu Facebook mất giá.
Cũng trong thời gian này, tại Việt Nam, Tạp chí NCĐT cũng thực hiện cuộc khảo sát nhanh với 300 người dùng Facebook độ tuổi 18-25 ở các thành phố lớn. Kết quả cho thấy, gần 50% “công dân” Facebook trong diện khảo sát ở Việt Nam có ý định từ bỏ mạng xã hội này. Lý do từ bỏ chủ yếu là do những người được khảo sát cảm thấy tốn quá nhiều thời gian (46,8%), chán nản (21,3%), muốn dành thời gian cho các công việc hữu ích hơn như học hành (27,7%) và do bị chặn (4,3%).
Eric Jackson, nhà sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Ironfire Capital, cũng nhận định rằng: “Trong vòng 5-8 năm tới, Facebook sẽ biến mất, tương tự như con đường suy thoái của Yahoo!”. Trước nhận định này, ông Huỳnh Kim Tước, đại diện Facebook tại Việt Nam nói: “Facebook xin không bình luận”.
Lúc này, những cuộc đấu khẩu về tương lai của ông hoàng Facebook trong thế giới phẳng vẫn chưa ngã ngũ, nhưng hãy xem ngai vàng này đang lấp lánh thứ gì, cũng như đang thiếu vắng những gì quan trọng nhất?
Ồ ạt vào góp vui cho Facebook...
Không thể phủ nhận Facebook như chiếc bàn ủi khổng lồ làm phẳng nhanh học thuyết “Thế giới phẳng”. Việt Nam cũng đã đóng góp đến gần 7 triệu USD vào tổng số 921 triệu USD doanh thu quảng cáo của Facebook trong quý II/2012.
8 năm hoạt động với hơn 900 triệu người sử dụng Facebook vào năm 2012 đã chứng minh quyền lực của hệ thống này. Nếu so sánh thú vị thì dân cư Facebook đã đông thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Và rồi hàng loạt lời đề nghị đầu tư hấp dẫn đã đến với ông chủ Mark từ Yahoo! với mức 1 tỉ USD (2006), Microsoft với 15 tỉ USD (2007). Nhưng Facebook đã từ chối thẳng thừng. Chỉ riêng Microsoft được mua 1,6% giá trị cổ phần của mạng này với giá 250 triệu USD.
Trong quá trình làm phẳng thế giới, Facebook tiếp tục tỏa sáng lấp lánh với giá trị công ty từ 50 tỉ USD trong năm 2011 lên 104 tỉ USD một năm sau đó. Sự kiện Facebook chào bán cố phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) vào tháng 5.2012 được nhìn nhận là vụ IPO lớn thứ ba trong lịch sử nước Mỹ. Facebook được định giá cao hơn cả Amazon, Cisco và chỉ xếp sau Apple cùng Google.
Tại sự kiện IPO, lãnh đạo mạng này cũng công bố, mỗi ngày Facebook có hơn 3,2 tỉ lượt thích/bình luận (like/comment) với hơn 250 triệu hình ảnh được chia sẻ.
Những cô nàng công sở khó tính nhất cũng đã chia sẻ cùng chúng tôi trong cuộc khảo sát, rằng, nếu tất cả bạn bè họ có Facebook thì không có lý do gì để họ không hiện diện trong một phần của thế giới phẳng này.
...và sẵn sàng trả tiền
Lịch sử khai phá một vùng đất mới trong thế giới phẳng cộng với trào lưu kết nối theo bầy đàn đã biến Facebook thành cỗ máy in tiền. Lý do đơn giản: vì các nhà tiếp thị tìm thấy giá trị của đám đông cho các sản phẩm mà họ muốn quảng cáo.
Chúng tôi tìm gặp người đứng đầu một hãng quảng cáo tại Việt Nam, chuyên quản lý các fanpage trên Facebook và được lý giải, các nhà sản xuất có thể quảng cáo sản phẩm của họ qua các fanpage và chi trả phí dịch vụ cho mạng này từ 2-10 triệu đồng. Các hình thức marketing sản phẩm qua Facebook chủ yếu để thu hút khách hàng là đăng bảng quảng cáo (banner), bài viết, tổ chức các cuộc tranh tài trên các fanpage.
Đối với các doanh nghiệp bán hàng online thì hiệu quả Facebook không có gì phải bàn cãi. Trần Ngọc Thái Sơn, Giám đốc Điều hành hệ thống bán sách và quà tặng online Tiki, nói: “Có đến hơn 10% doanh số của chúng tôi thu được từ khách hàng trên Facebook. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lo nếu xảy ra sự cố gì thì tin xấu sẽ lan đi rất nhanh”.
Một đại diện khác của trang mua sắm thời trang Zalora cũng cho rằng: “Quảng cáo trên Facebook đem lại từ 5-15% tổng doanh thu tùy thuộc vào mức độ hấp dẫn của nội dung quảng cáo. Chi phí quảng cáo trên Facebook khá cao nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận được nếu so sánh với tính hiệu quả”.
Cho nên, không ngạc nhiên khi trên thế giới, Facebook có được những hợp đồng quảng cáo có giá trị cao như Netflix (chi 3,8 triệu USD để quảng cáo trên Facebook), hay báo Washington Post chi 4,2 triệu USD trong năm 2011. Nguồn thu của Facebook còn đến từ các dịch vụ trò chơi trên mạng. Theo thống kê năm 2011, người chơi sẵn lòng chi trả tới 445 triệu USD cho dịch vụ game trên Facebook.
Đã thấy lỗi hệ thống...
Bất chấp những ánh hào quang vẫn đang lấp lánh khắp năm châu, điểm mấu chốt của mô hình đã được phơi bày: Facebook có mang lại giá trị thực sự lâu bền để tiếp tục tồn tại trong thế giới phẳng với một địa vị sang trọng?
Hãy nhìn động thái của hãng General Motors công bố kế hoạch rút quảng cáo khỏi Facebook bởi hoạt động này không mang lại hiệu quả như mong đợi. Theo phân tích của tổ chức Word-Stream, một nhà cung cấp dịch vụ và phần mềm marketing trực tuyến, nếu quảng cáo trên Google nhận được 0,4% tổng số click thì Facebook chỉ đạt con số 0,05%. Nói cách khác, quảng cáo trên Google hiệu quả gấp gần 10 lần trên Facebook.
Nguyên nhân nằm ở tính năng mỗi mạng. Con người sử dụng Google như một công cụ tìm kiếm thông tin mình cần, trong khi nhân loại truy cập Facebook thường chỉ để cập nhật hoạt động của cá nhân và bạn bè xung quanh.
>
Giá trị của Facebook càng ngày càng được nhìn nhận rõ nét. Nếu không lý giải bằng yếu tố giá trị thì lý do nào khiến cổ phiếu của Facebook bắt đầu trong một năm trở lại đây sụt giảm đến 40% giá trị ban đầu.
Tại Việt Nam, mạng xã hội Zing me cũng đang trong quá trình tìm kiếm doanh thu trong gian khó. Trao đổi với NCĐT, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG, công ty mẹ của ZingMe, cho biết năm 2009, ZingMe chỉ có 10 ứng dụng và doanh thu là con số 0. Đến năm 2010 con số ứng dụng đã lên đến 20 và doanh thu từ đó cũng mới chỉ đạt 30 tỉ đồng, một con số không đáng kể so với chi phí bỏ ra để duy trì một mạng xã hội lớn. Đến hết năm 2011, con số ứng dụng lên 60 song cho tới nay VNG chưa có công bố doanh số năm 2011 cho ZingMe.
Thống kê từ Google Ad Planner và comScore cho thấy, ZingMe có khoảng 8,2 triệu thành viên, đứng thứ hai tại Việt Nam, sau Facebook (8,4 triệu thành viên). Việc không dẫn đầu trên thị trường internet luôn là một bất lợi rất lớn. Vậy nên ngay cả khi Facebook còn chưa thu được tiền như mong đợi, rất khó để tin rằng ZingMe có thể làm tốt hơn.
Ông Khải cho rằng, lợi thế lớn nhất của ZingMe so với các mạng xã hội nước ngoài là nó được xây dựng bởi người Việt Nam và cho người Việt Nam. “Vì thế chúng tôi đã và sẽ luôn tiếp tục tối ưu sản phẩm này sao cho phù hợp nhất với các nhu cầu sử dụng địa phương. Ví dụ: chức năng viết blog (được người Việt ưa thích) là hạng mục ZingMe tập trung đầu tư và đặt ở vị trí ưu tiên nhất. ZingMe cũng đã mở một số ứng dụng lõi như blog, photo để bất cứ ai cũng có thể xem được, ngược với mô hình “kín cổng cao tường” của các mạng xã hội phương Tây”, ông Khải nói.
...nhưng có sửa được không?
Quay trở lại Facebook, ông chủ Mark không thể không hiểu hạn chế của mạng xã hội, nhưng bài toán gia tăng giá trị cho mạng này trong tương lai vẫn không phải dễ giải.
Tháng 5.2012, Mark cũng đã cho tiến hành cung cấp dịch vụ “promoted posts” trên Facebook được thử nghiệm tại New Zealand. Thông thường, khi cập nhật thông tin trên tường (Wall), chỉ một lượng người dùng giới hạn có thể biết được. Nhưng khi sử dụng ứng dụng mới này, người khác sẽ nhìn thấy những thông tin được dán nhãn “sponsored” (được ủng hộ) trên bảng tin (Newsfeed) của họ. Thông tin dạng này có thể được truyền tải cho bất kỳ ai, hoặc những người trong một khu vực nhất định, chẳng hạn, thông tin về quán cafe chỉ cần quảng bá cho người dùng địa phương đó. Theo đó, Facebook sẽ thu phí dựa trên số lượng người xem. Chẳng hạn, 5 USD cho 1.000 người biết tới, 20 USD cho 3.700 người, 75 USD cho 14.000 người. Phí sử dụng này sẽ được điều chỉnh phù hợp dựa trên tình hình thực tế.
Và cũng không loại trừ, Mark sẽ giành lấy một phần giá trị của Google bằng cách đưa Facebook tham gia vào lĩnh vực tìm kiếm.
Khảo sát bỏ túi của NCĐT cũng cho thấy, giá trị mà mạng này mang lại chưa đủ hấp lực về mặt thời gian đối với người sử dụng. Chỉ 2% người Việt Nam vào Facebook liên tục, 1/3 số người dùng dành trung bình 2 giờ cho Facebook. Giá trị cốt lõi cũng hiện lên khá rõ: hơn 80% người dùng cho rằng dùng Facebook chủ yếu để kết nối bạn bè và 72% nói về cảm xúc của bản thân.
Bên cạnh những thách thức về mặt giá trị, Facebook còn phải đối mặt với cuộc chạy đua công nghệ khốc liệt. Trong hội thảo công nghệ diễn ra tại thành phố Redwood, Mỹ, hồi tháng 6.2012, bà Lucy Jacobs, Giám đốc Điều hành Công ty Spruce Media, chuyên hỗ trợ các thương hiệu quảng cáo trên Facebook, đánh giá: “Facebook nên biết cách kiếm tiền từ các thiết bị di động”. Trong khi đó, ông Michael Pachter, một chuyên gia chứng khoán thuộc Công ty Wedbush, Mỹ nhận định: “Các nhà đầu tư đang không hiểu Facebook sẽ tiếp tục kiếm tiền như thế nào. Còn Peter Thiel thì đã quyết định bán cổ phần của mình”.
Dù vậy, Mark vẫn tỏ quyết tâm: “Chúng tôi sẽ giữ đúng lời hứa với người tiêu dùng và các nhà đầu tư. Tầm nhìn của Facebook sẽ là tiếp tục xây dựng một thế giới kết nối hơn. Trong vòng 3 năm sắp tới, các bạn sẽ bất ngờ về sự phát triển acủa Facebook trên các thiết bị di động”.
Trong lịch sử công nghệ tại phố Wall, những lời hứa hẹn đầy hoa mỹ của Friends Reunited và Myspace đã từng không nở hoa. Trong lúc chờ đợi xem lời Mark có khác những người đi trước hay không, phải tranh thủ vài phút lượn vào Facebook xem có ai thích mình không đã. Xả stress miễn phí, tội gì không vào. Lúc nào Facebook thu phí thì tính sau...