Đường đến 2 tỉ USD của Nguyễn Kim
Chuỗi bán lẻ điện máy Nguyễn Kim đang đẩy mạnh chiến lược phát triển chuỗi và liên kết “3 nhà” để chinh phục mục tiêu 2 tỉ USD doanh thu vào năm 2015.
Thị trường bán lẻ điện máy, điện tử vẫn trong giai đoạn trầm lắng, theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu Thị trường GfK Việt Nam. Năm nay, 3 nhóm mặt hàng chủ lực gồm các sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin và điện tử tiêu dùng đều có mức tăng trưởng doanh thu sụt giảm lần lượt từ -11% đến -9% so với năm 2011.
Tuy nhiên, Nguyễn Kim với việc mở thêm 11 trung tâm thương mại trong năm 2011 và 2012 vẫn tỏ ra vững vàng trước tình hình khó khăn chung của thị trường. Họ đã làm điều đó như thế nào?
Liên tục phát triển
Tại Hội nghị Bán lẻ 2012 tại TP.HCM tuần qua, ông Steven Goh, Chủ tịch Retail Asia Publishing (RAP) cho biết, bán lẻ điện tử vẫn là ngành nóng ở khu vực châu Á trong năm qua với 5/20 thương hiệu bán lẻ hàng đầu khu vực thuộc về ngành hàng điện tử. Tại Việt Nam, Nguyễn Kim là doanh nghiệp bán lẻ điện máy, điện tử duy nhất lọt vào top 10 chuỗi bán lẻ nội địa lớn nhất trong năm nay; chỉ xếp sau SJC, Co.opmart, PNJ và Big C (xếp hạng của RAP).
Để đạt được vị thế này và tiến tới mục tiêu tỉ đô, Nguyễn Kim đã từng bước triển khai chiến lược mở rộng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trước hết, chuỗi bán lẻ này đã liên tục đẩy mạnh chiến lược phát triển bề rộng của họ. Từ năm 2007 đến nay, Nguyễn Kim đã mở thêm 14 trung tâm trên cả nước với chi phí đầu tư từ 50-200 tỉ đồng/trung tâm. Họ còn tham vọng mở thêm hàng chục trung tâm nữa từ nay đến ngưỡng 2015.
Về chiều sâu, bà Vũ Thu Mười, Phó Giám đốc Tài chính Cao cấp của Nguyễn Kim, cho biết, nhà bán lẻ này đang nỗ lực gia tăng mức doanh thu của những ngành hàng mà họ cho rằng có tiềm năng hơn cả. Trong năm 2011, có 3/6 nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng gấp đôi năm 2010 cho Nguyễn Kim là thiết bị viễn thông di động, thiết bị tin học và thiết bị giải trí. “Chúng tôi sẽ nâng tỉ trọng nhóm hàng này lên 50% bằng nhiều dự án đầu tư, chương trình bán hàng và tiếp thị”, bà Mười nói.
Đồng thời, Nguyễn Kim đang từng bước mở rộng ngành hàng theo tiêu chí “one stop shop”, phát triển các trung tâm điện máy đơn thuần thành “trung tâm bách hóa điện tử kết hợp giải trí” với trung tâm mua sắm Nguyễn Kim Thủ Đức (TP.HCM) là một ví dụ điển hình. Chuỗi bán lẻ này cũng đang triển khai mô hình mua sắm trên mạng hiện vẫn chiếm tỉ trọng khá nhỏ so với thói quen mua hàng truyền thống. Nhưng chuyện thành bại của họ trong mảng này vẫn là bài toán chưa có đáp số.
Khi “3 cây chụm lại”
Mặc dù liên kết trong bán lẻ đã được các thương hiệu hàng đầu thế giới thực thi từ khá lâu, nhưng xem ra những người trong cuộc tại Việt Nam vẫn chưa thấu được tầm quan trọng của nó. Vì vậy, nhà bán lẻ Nguyễn Kim đang kỳ vọng chiến lược bắt tay giữa 3 nhà (bán lẻ, sản xuất, dịch vụ tài chính) sẽ tạo nên sự khác biệt cho họ, góp phần chinh phục mục tiêu tỉ đô trong tương lai gần.
Cũng tại Hội nghị Bán lẻ 2012, ông Nguyễn Huy Vũ, Giám đốc Ngành hàng Điện lạnh của Nguyễn Kim cho biết, trong tháng 10 và 11, họ đã hợp tác với các nhà sản xuất Sony, Samsung và Intel cùng 4 ngân hàng Vietinbank, Sacombank, HSBC và ANZ thực hiện chương trình “Mua hàng trả góp rẻ hơn tiền mặt” với kết quả khá tích cực.
“Khách hàng có thể mua trả góp trong 12 tháng với mức giá thậm chí rẻ hơn 5% so với trả tiền mặt cùng mức lãi suất 0%. Chương trình đã giúp Nguyễn Kim đạt doanh thu trung bình hơn 1 tỉ đồng/ngày và tổng doanh số tăng 20% so với cùng kỳ năm 2011”, ông Vũ Nguyễn Kim cho biết.
Chuẩn bị cho Giáng Sinh và Tết, chuỗi bán lẻ điện máy này tiếp tục triển khai đợt kích cầu mang tên “Big Bang” không lợi nhuận (so với mức lợi nhuận trung bình 10%), nhưng ông Vũ không muốn đi vào chi tiết vì lý do mức độ cạnh tranh trong ngành này là rất khủng.
Về phía nhà sản xuất, ông Robert Vũ, Giám đốc Kinh doanh Toàn quốc Ngành hàng Điện tử Công ty Samsung Việt Nam, cho rằng muốn tăng doanh số của ngành hàng điện tử thì doanh nghiệp cần xác định 5 yếu tố cốt lõi để tạo cầu. Đó là tối đa hóa kênh phân phối, đưa ra thị trường sản phẩm có tính cạnh tranh cao, chiến lược tiếp thị hợp lý, quản lý tốt khâu bán lẻ và quan trọng nhất là tự tạo ra sức cầu.
Năm nay, Samsung Việt Nam đẩy mạnh việc hợp tác với Công ty AVG và chuỗi bán lẻ Nguyễn Kim để phân phối các sản phẩm tivi có độ phân giải cao nhằm mục tiêu tăng 20% mức doanh thu.
Liên kết trong bán lẻ tất nhiên không thể thiếu sự tham gia của các định chế tài chính nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng. Chương trình bán hàng trả góp của Nguyễn Kim vừa qua với chiêu giảm giá 10% khi thanh toán qua thẻ MasterCard là một ví dụ điển hình. “Hình thức thanh toán qua ngân hàng đang phát triển khá nhanh tại Việt Nam. Hiện lượng thẻ phát hành tăng gấp 16 lần so với cuối năm 2006. Đây là cơ hội lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ tài chính cá nhân”, ông David Chan, Phó Chủ tịch Cấp cao MasterCard Toàn cầu khẳng định tại Hội nghị Bán lẻ 2012.
“Liên kết trong bán lẻ là rất quan trọng”
* Bán lẻ Việt Nam hiện ở vị trí nào trong khu vực?
Hiện bán lẻ Việt Nam mới đạt mức giá trị cao nhất khoảng 1 tỉ USD so với 33-35 tỉ USD ở những thị trường hàng đầu châu Á. Tuy nhiên, trong khi các thị trường Đông Á chỉ có mức tăng trưởng 3-5%/năm thì Việt Nam lại tăng trưởng trung bình 20% trong 10 năm trở lại đây. Như vậy, mặc dù tổng giá trị thị trường vẫn còn thấp nhưng Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu châu Á.
* Các nhà bán lẻ trong nước sẽ cạnh tranh như thế nào với đối thủ nước ngoài?
Việt Nam đã gia nhập WTO, vì vậy các bạn sẽ phải mở cửa cho các nhà bán lẻ nước ngoài. Điều này sẽ tạo nên sự cạnh tranh có ích cho thị trường. Đừng sợ đối thủ sẽ lấn sân nội địa bởi vì ở Trung Quốc, Hồng Kông hay Nhật, các nhà bán lẻ trong nước vẫn đang cạnh tranh rất mạnh mẽ. Nếu để ý, bạn sẽ thấy Lotte, Big C hay Parkson đều chỉ tập trung vào phục vụ một phân khúc riêng lẻ và thiếu thông tin về thói quen mua sắm của địa phương. Những nhà bán lẻ lớn của Việt Nam như Nguyễn Kim hay Saigon Co.op lại có được lợi thế địa phương. Theo thời gian, những kiến thức quản lý mới cũng được du nhập, giúp họ cạnh tranh công bằng với đối thủ ngoại.
* Chiến lược liên kết của Nguyễn Kim có ý nghĩa như thế nào?
Rất quan trọng. Ở châu Âu hay Mỹ, có rất nhiều mối liên kết hiệu quả giữa nhà bán lẻ với nhà sản xuất và giữa nhà bán lẻ với nhà phân phối. Điều này xảy ra vì sự thay đổi theo nhu cầu của thị trường. Vào những năm 1980-1990, vấn đề mà nhà sản xuất phải giải quyết là làm sao đưa được hàng đến các nhà bán lẻ nhanh nhất để không phải lưu kho nhiều nhằm giảm thiểu chi phí và tối đa hóa lợi nhuận. Còn bây giờ, chính nhu cầu của thị trường mới quyết định khả năng bán được hàng hay không. Vì vậy, mối liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ sẽ ngày càng quan trọng bởi họ sẽ bổ sung cho nhau để hoạt động một cách hiệu quả nhất.