FPT Shop sẽ về tay người Nhật hay người Thái?

Những tin đồn râm ran cho thấy FPT Shop đang tiếp xúc với những đối tác đầu tư tên tuổi đến từ nước ngoài.

Câu chuyện FPT Shop, một trong hai chuỗi bán lẻ hàng công nghệ có sức tăng trưởng nhanh nhất hiện nay, đi tìm nhà đầu tư để mở rộng kinh doanh đang trở thành đề tài bàn tán của giới công nghệ. Sau khi ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng giám đốc FPT Shop, nửa đùa nửa thật về việc tìm đến đối tác Alibaba thì giới bán lẻ râm ran thông tin chuỗi bán lẻ của FPT có thể sẽ về tay người Nhật hoặc người Thái, tương tự các vụ mua bán/sáp nhập gần đây tại Việt Nam. Có thông tin cho rằng thương vụ này đã chốt từ trước tháng 8.

Tuy vậy, trao đổi với chúng tôi hôm 10/8 nhân sự kiện ra mắt Samsung Galaxy Note 7, bà Nguyễn Bạch Điệp - Tổng giám đốc FPT Shop - cho biết chưa có thông tin chính thức về việc FPT Shop sẽ chọn đối tác nào để hợp tác. Việc tìm nhà đầu tư cho FPT Shop hiện nay do tập đoàn FPT đảm trách, FPT Shop chỉ cung cấp hồ sơ và thông tin cần thiết cho tập đoàn để làm việc với nhà đầu tư.

“Hiện nay việc tìm nhà đầu tư mới dừng ở việc lập hồ sơ đánh giá năng lực, cung cấp hồ sơ đến các đối tác tiềm năng. Có thể tập đoàn đang tiếp xúc với một vài đối tác quan trọng nên thị trường có được thông tin bên lề”, bà Điệp nói.

Về việc FPT Shop có bán cổ phần cho Alibaba - tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc - hay không, bà Điệp cho biết Alibaba chỉ là một ví dụ trong việc FPT Shop đang tìm kiếm các đối tác vừa đủ mạnh về kinh tế, vừa có kinh nghiệm thương mại điện tử.

FPT Shop sẽ về tay người Nhật hay người Thái?

FPT Shop hiện có 334 cửa hàng. Ảnh: fptshop.com.vn.

Khi nói về việc FPT Shop “bán mình”, ông Ngô Quốc Bảo – Giám đốc phát triển kinh doanh chuỗi này cho biết, cần hiểu FPT Shop đang phát triển nhanh, cần tìm nhà đầu tư để mở rộng kinh doanh chứ không bán mình hoàn toàn như cách hiểu của nhiều người.

Trước đó, Thế giới Di động đã có các quỹ đầu tư rót tiền để phát triển, Viễn Thông A nhận góp vốn từ Nhật, Nguyễn Kim bán cổ phần cho người Thái. Trong các thương vụ này, ngoài việc có nhà đầu tư bên ngoài tham gia ban điều hành, những vị trí chủ chốt của các nhà bán lẻ vẫn được giữ lại.

Thông tin FPT Shop và FPT Trading sẽ được bán rộ lên từ cuối năm 2015, khi FPT có ý định thoái vốn khỏi lĩnh vực bán lẻ để tập trung phát triển như một công ty công nghệ. Thương vụ được FPT thông báo sẽ chốt vào cuối năm nay.

Vào giữa tháng 3/2016, trang Nikkei Asia dẫn lời của bà Lê Hồng Liên (Maybank Kim Eng Việt Nam) cho biết thương vụ có thể vào khoảng 2,3 ngàn tỷ đồng đến 2,7 ngàn tỷ đồng (103 triệu đến 121 triệu USD).

FPT Shop là chuỗi bán lẻ hàng công nghệ đứng thứ hai tại Việt Nam hiện nay xét về thị phần, dẫn đầu là Thế giới Di động. Kết thúc quý I/2016, chuỗi này đạt doanh thu 2.448 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, bình quân mỗi ngày FPT Shop đạt doanh thu hơn 27 tỷ đồng.

Cũng trong quý I năm 2016, FPT Shop đã mở mới 48 cửa hàng, trung bình 2 ngày/shop. Tính đến cuối tháng 3/2016, FPT Shop đã có 300 cửa hàng, hoàn thành trước kế hoạch mở shop năm 2016 chỉ sau 3 tháng. Đến thời điểm viết bài này, có 334 cửa hàng FPT Shop đang hoạt động, theo số liệu trên website của công ty.

Hải Đăng
Nguồn ICT News