Mì ăn liền: Hết thời tăng trưởng

Số liệu từ Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA) cho thấy, hiện nay bình quân một người Việt Nam tiêu thụ 50 - 55 gói mì ăn liền/năm. So với những năm trước, con số này giảm nhẹ.

Cụ thể, năm 2015 tiêu thụ 4,8 tỷ gói, năm 2014 là 5 tỷ gói, năm 2013 là 5,2 tỷ gói. Cũng theo WINA, Việt Nam đang là quốc gia xếp thứ tư trên thế giới về tiêu thụ mì ăn liền, sau Trung Quốc (40 tỷ gói/năm), Indonesia (13 tỷ gói), Nhật Bản (5 tỷ gói).

Không còn hấp dẫn

Theo ông Kajiwara Junichi, TGĐ Công ty CP Acecook Việt Nam, nguyên nhân khiến ngành hàng mì ăn liền bị sụt giảm là do nhiều loại thực phẩm ăn liền mới du nhập vào Việt Nam, khiến người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn. Bên cạnh đó, do nhiều thông tin chưa xác thực về mì gói nên người tiêu dùng hiểu sai và lo lắng khi sử dụng.

Giành thị phần thứ hai sau Acecook nhưng Masan cũng không lạc quan khi nhận định ngành mì ăn liền là rất cạnh tranh, nhất là từ năm 2015, doanh thu ngành thực phẩm tiện lợi của Masan đi ngang do thị trường mì ăn liền tăng trưởng âm về lượng tiêu thụ. Đó là lý do trước đại hội cổ đông vào tháng 4/2016, câu hỏi mà cổ đông của Masan đặt ra là "phải chăng mì gói đã hết thời tăng trưởng?".

Mì ăn liền: Hết thời tăng trưởng

Với hơn 60 năm kinh nghiệm và là thương hiệu bán chạy nhất tại Nhật, khi mới vào Việt Nam, mì Nissin tạo ra một trào lưu mới trong mảng mì không chiên, trong khi các hãng khác đều dùng mì chiên. Ngay cả Acecook khi thấy Nissin xuất hiện cũng vội vã tung ra sản phẩm tương tự là Mikochi (mì không chiên) để cạnh tranh. Thế nhưng, chiến lược khác biệt tưởng thắng lại khiến Nissin và cả Mikochi nhanh chóng thất bại vì rất khó thay đổi thói quen người tiêu dùng.

Không còn hy vọng tăng thị phần và tăng trưởng, Nissin rút vào thế hoạt động cầm chừng và đến thời điểm này vẫn "khóa ngân sách" tiếp thị, quảng cáo.

Theo một doanh nghiệp (DN) trong ngành thực phẩm, cạnh tranh ở phân khúc mì cao cấp rất gay gắt, nên không chỉ DN nhỏ thất bại mà cả các "ông lớn" cũng rất khó để phát triển. Đơn cử như Acecook, không chỉ thua với Mikochi mà còn thất bại khi đưa ra thị trường dòng sản phẩm mới theo xu hướng thiên nhiên, sợi mì có màu xanh vẫn không được người tiêu dùng đón nhận vì cho rằng mì bị... mốc!

Tìm "đại dương xanh"

Mặc dù sức tiêu thụ mì của Acecook tại Việt Nam trong 2 năm qua bị sụt giảm nhưng theo ông Kajiwara Junichi, xét về lợi nhuận thì thị trường Việt Nam vẫn cao hơn ở Nhật Bản. Đặc biệt, người nước ngoài rất có thiện cảm với phở Việt Nam, nên phở ăn liền của Công ty xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, Canada, Đức... được tiêu thụ mạnh. Vì vậy, chiến lược "đại dương xanh" mà Acecook nhắm đến trong năm 2016 và sắp tới là phát triển phở ăn liền, miến ăn liền, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Junichi cho biết: "Hiện nay, Việt Nam đang là nơi có chi phí sản xuất tốt nhất của Acecook nên định hướng của Tập đoàn là chọn Acecook Việt Nam làm nơi sản xuất chính các sản phẩm xuất khẩu. Sáu tháng đầu năm 2016, Công ty đã xuất khẩu 100 triệu gói mì tới 46 nước, nguyên liệu chủ yếu là gạo, như bún, phở, hủ tíu ăn liền, phở khô”.

Đối với ngành hàng mì ăn liền, Acecook tập trung vào yếu tố tiện lợi và gia tăng chất lượng nên đang phát triển mì ly. Đầu tháng 7/2016, Công ty đã tung ra thị trường mì ly Handy Hảo Hảo với hương tôm chua cay và gà hầm hạt sen. Điểm khác biệt là nguyên liệu kèm trong sản phẩm này như tôm, trứng, rau, hạt sen đều sử dụng kỹ thuật sấy đông lạnh FD (Freezend Dry - làm lạnh đột ngột).

Mì ăn liền: Hết thời tăng trưởng

Mặc dù chi phí đầu tư cho kỹ thuật mới này lớn hơn nhiều so với kỹ thuật sấy bằng nhiệt gió thông thường, nhưng bù lại, nguyên liệu vẫn giữ được hương vị tự nhiên, khi gặp nước sôi sẽ hoàn nguyên, thơm ngon như tươi mới.

Cùng chọn "đại dương xanh" theo hướng xuất khẩu, đại diện Nissin tiết lộ: "Hiện nay, ở khu vực Đông Nam Á, Nissin chọn Việt Nam là nơi sản xuất loại mì không chiên. Hiện nay 70% sản lượng mì xuất khẩu của Nissin là từ nhà máy tại Việt Nam và cũng chính là nguồn thu bù đắp cho khoản lỗ của Nissin tại thị trường này".

Với kế hoạch doanh thu thuần năm 2016 từ 42.000 - 45.000 tỷ đồng (tăng từ 37 - 47% so với năm 2015) và lợi nhuận sau thuế từ 1.900 - 2.000 tỷ đồng (tăng 29 - 35%), Masan cũng chọn xuất khẩu sang các nước ASEAN để nhắm đến con số 250 triệu người tiêu dùng nơi đây, nhất là tiếp cận 65 triệu người tiêu dùng Thái Lan đang khá thuận lợi do đã ký hợp tác chiến lược với đối tác Singha.

Dù thận trọng với chiến lược tăng trưởng, Kido Group vẫn đặt ra mục tiêu vượt qua thách thức của thị trường, từng bước tăng thị phần, tận dụng 86.000 điểm bán hàng, (chiếm 40% các điểm bán hàng toàn ngành mì gói) để tăng độ phủ mì ăn liền Đại Gia Đình, tiếp tục tung ra nhiều sản phẩm mới, như vào tháng 8/2015 đã tung ra đợt sản phẩm thứ hai là Đại Gia Đình An Hảo với nhiều hương vị hơn, nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng.

Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn