CEO IBM - người “sai khiến” trí tuệ nhân tạo
Ginni Rometty - CEO nữ đầu tiên của IBM cho biết bà thường sai khiến Siri làm một vài thứ. Nhưng Siri chỉ là một phần của Watson - một ứng dụng có 50 tính năng, bao gồm trí tuệ nhân tạo, có thể tích hợp trong các thiết bị công nghệ do tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới IBM (International Business Machines) phát triển.
Cuộc trò chuyện của Ginni Rometty với tác giả Max Chafkin của tạp chí Bloomberg Businessweek liên quan đến Watson là một câu chuyện thú vị. Nó không chỉ cung cấp những thông tin cụ thể và dễ hiểu nhất về sản phẩm chiến lược này của IBM, mà còn chứng minh một cách rõ nét hơn về tầm nhìn và nhân cách của một nhà lãnh đạo - người đã liên tục có tên trong top những doanh nhân có ảnh hưởng nhất thế giới trong những năm gần đây.
* Bà gia nhập IBM 35 năm trước. Lúc đó công ty này như thế nào?
Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là mức độ quan trọng của những công việc chúng tôi làm. Khi đó chúng tôi đang xây dựng những hệ thống ngân hàng back-office phức tạp. Chúng tôi sản xuất máy ATM. Điều này, đối với tôi, đến bây giờ vẫn là một sự thật hiển nhiên về IBM. Công ty tồn tại ở nơi giao nhau giữa những sáng tạo khoa học kỹ thuật tuyệt vời và (quan trọng hơn cả là việc) đưa chúng vào ứng dụng.
Tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện thú vị: Khi tôi chuẩn bị tới phỏng vấn, tôi không có bộ đồ nào phù hợp cả. Trong suy nghĩ của mình, tôi nghĩ rằng mình cần nó, thế là tôi đi mua một bộ. Buổi phỏng vấn của tôi diễn ra vô cùng thuận lợi. Khi về tới nhà, tôi cởi áo khoác và nhận ra cái mác vẫn còn trên áo. Tôi đã nghĩ rằng, “Họ thật tử tế. Chẳng ai phàn nàn gì về điều này”.
* Có phải bà vẫn luôn biết rằng mình muốn trở thành một kỹ sư hay không?
Tôi biết rằng mình thích toán và khoa học, và tôi không muốn phải học thuộc lòng hết tất cả mọi thứ. Tôi muốn tìm hiểu nguồn gốc một việc hay thứ gì đó. Tôi là một học sinh chọn học tiếng Latin khi ở trường, bởi vì tôi cảm thấy rằng nếu tôi biết được nguồn gốc của mọi thứ, tôi có thể hiểu vì sao chúng hoạt động. Đó là suy nghĩ đã hướng tôi theo kỹ sư. Và lý do mà tôi giữ nguyên hướng đi của mình là vì ngành kỹ sư dạy tôi cách giải quyết các vấn đề. Nó dạy tôi cách nghĩ.
* IBM đã gần như phá sản vào những năm 1990. Chuyện gì đã xảy ra?
Chúng tôi giữ nguyên vị trí quá lâu trong một thời đại và phải tái tạo lại bản thân - đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi phải làm như vậy. Chúng tôi là công ty công nghệ duy nhất đứng vững trong vòng 105 năm và đã thay đổi không biết bao nhiêu lần. IBM đã tồn tại được tới 50 năm trước khi có sự ra đời “hệ thống máy chủ” - thứ đã giúp chúng tôi phát triển một cách nhanh chóng. Cho đến ngày hôm nay, hệ thống máy chủ vẫn còn đó. Chúng đã được nâng cấp và vẫn chiếm 10% trong kế hoạch phát triển của chúng tôi. Chúng điều khiển các hệ thống hàng không. Chúng vận hành các dịch vụ chuyển tiền.
* Bà so sánh công cuộc tái tạo đó với cái hiện nay như thế nào?
Sự chuyển dịch mang tính thời đại trong ngành công nghiệp của chúng tôi được tạo ra bởi những sự thay đổi lớn. Lần này lại có hàng loạt sự thay đổi - dữ liệu, đám mây (cloud), di động - tất cả diễn ra cùng một lúc, và điều đó thúc đẩy cả chúng tôi lẫn khách hàng phải nhanh chóng thích nghi.
IBM là công ty công nghệ duy nhất đứng vững trong vòng 105 năm và đã thay đổi không biết bao nhiêu lần.
Vào ngày đầu tiên làm CEO, lúc 7 giờ sáng, tôi đến phòng thí nghiệm nghiên cứu chính của công ty ở Yorktown Heights (New York) và truyền tin tức tới mọi chi nhánh của IBM. Chúng tôi vẫn là tổ chức nghiên cứu thương mại lớn nhất trên thế giới. Chúng tôi có tới 12 phòng thí nghiệm trên toàn cầu và hơn 3.000 nhà nghiên cứu. Lần gần nhất tôi xem lại thì chúng tôi sở hữu 10% số tiến sĩ Toán học của thế giới. Tôi đã nói rằng sắp tới, một sáng tạo tin học mới sẽ ra đời, và nó sẽ được vận hành bởi một khối lượng lớn dữ liệu. Nó sẽ thay đổi mọi ngành công nghiệp, và nó chắc chắn sẽ thay đổi cách thức hoạt động của IBM.
* Một phần quan trọng trong sự tái tạo của IBM là Watson. Sản phẩm mà IBM đang muốn giới thiệu chính xác là gì?
Là một dịch vụ. Nó chạy trên cloud công cộng của IBM, và bạn có thể sử dụng nó qua API (application programming interface - giao diện lập trình ứng dụng), một bộ công cụ cho những nhà lập trình nằm trong cùng một hệ thống điều hành.
Trí tuệ nhân tạo là một trong 50 tính năng của Watson. Nó có cả bộ máy dạy học, chức năng chuyển tin nhắn thành lời nói, chuyển lời nói thành tin nhắn, và những động cơ phân tích khác nhau - chúng giống như là những khối lego rời rạc. Bạn có thể đưa trí thông minh vào bất cứ sản phẩm hay quá trình nào của bạn. Chúng tôi không tạo ra những thiết bị vô tri vô giác cho khách hàng nữa, chúng tôi sẽ nằm trong mọi thứ mà khách hàng có thể chạm tay lên: robot, các thiết bị hỗ trợ tập luyện thể thao, y tế.
* Bà đã chuẩn bị cho Watson cho cuộc đấu Jeopardy! vào năm 2011. Có phải bà biết chắc chắn rằng nó sẽ thắng?
Chúng tôi cũng nín thở khi chờ đợi. Chúng tôi biết rằng nó đã được huấn luyện rất tốt, nhưng điều này vẫn không thể bảo đảm cơ hội chiến thắng. Bạn biết đấy, nó (Watson) không tài nào đoán trước được câu hỏi sắp tới.
* Bà có sử dụng hệ thống AI (Artificial Intelligence - Trí tuệ nhân tạo) nào trong cuộc sống hằng ngày của mình không? Chẳng hạn như nói chuyện với Siri?
Chắc chắn rồi, tôi có sai khiến nó một vài thứ. Nhưng với những dịch vụ như Siri mà bạn nhận được đơn thuần là sự phân tích ngôn ngữ. Và cơ chế phân tích ngôn ngữ đơn thuần là một phần quan trọng của Watson, nhưng nó không phải là tất cả. Bạn sẽ thấy được Watson là hiện thân của một phần trong cuộc sống hằng ngày, nhưng chúng tôi không biết được người ta sẽ làm gì với nó. Có một bài báo từ Wall Street Journal về việc Georgia Tech sử dụng Watson làm một trợ lý dạy học. Có tổng cộng 9 trợ lý giáo viên, và Jill Watson cũng nằm trong số đó. Điều trớ trêu ở đây là lớp học này là lớp học AI, và những học sinh kia không biết được giáo viên của mình là một robot.
* Trong ví dụ bà vừa đưa ra, Watson hoàn toàn có khả năng lấy đi công việc trợ giảng. Xã hội sẽ đối mặt với việc này như thế nào?
Khi công nghệ phát triển, chắc chắn sẽ có những thứ trong cuộc sống hằng ngày bị thay thế đi, và điều đó là hoàn toàn chính xác đối với công nghệ Watson này. Tuy nhiên, Watson Oncology (công nghệ nghiên cứu và điều trị ung thư) đang được sử dụng tại Ấn Độ, nơi chỉ có 1.000 chuyên gia ung thư điều trị cho một tỷ người. Phần lớn bệnh nhân ung thư ở Ấn Độ còn không có được cơ hội gặp mặt bác sĩ của mình. Những hệ thống mới có thể trợ giúp y bác sĩ đưa ra quyết định điều trị nhanh chóng.
Watson tập trung rất nhiều vào các vấn đề về y tế, đặc biệt là tính năng phát hiện ung thư. Nhưng ung thư là đề tài đã khiến những nhà công nghệ học luôn phải đau đầu trong bao năm qua. Chúng ta đã chiến đấu với ung thư được hơn 40 năm, việc kéo dài sự sống cho các bệnh nhân một số loại ung thư đã thay đổi tích cực, nhưng nhìn chung vẫn không khá lên.
Mối cam kết của IBM đối với sự đa dạng đã có từ rất lâu rồi. Chúng tôi đã đưa ra ý tưởng tạo những cơ hội công bằng cho tất cả mọi người từ hơn mười năm trước, khi Đạo luật Dân quyền được thông qua.
Những cách điều trị hiệu quả nhất đã được sử dụng, nhưng cuộc chiến với ung thư không ngừng mở rộng. Nhiều năm về trước, có bốn cách điều trị ung thư vú. Hiện nay con số đó đã là 800. Đó là nhờ việc ứng dụng những sáng kiến công nghệ như thế này, bởi vì không bác sĩ nào có khả năng cáng đáng nổi hết mọi thứ.
* Đã có một thời được nhận vào làm ở IBM là một chiếc “vé vàng”. Nhưng hiện nay, nếu có lúc một kỹ sư tài giỏi nào đó bước vào văn phòng của bà và nói rằng, “Tôi muốn chuyển đến làm ở Facebook hay Google”, hoặc ở một startup mới nào đó mà IBM đang cạnh tranh, bà sẽ nói gì với họ?
Chuyện như vậy diễn ra theo cả hai chiều. Có những người từ Google và Facebook chuyển tới IBM vì họ muốn tạo sự ảnh hưởng lên những thứ thực sự nghiêm trọng. Chúng tôi luôn được tin tưởng với những khối dữ liệu giá trị nhất. Chúng tôi được tin tưởng để tiến hành những kế hoạch giá trị nhất. Vì thế mà cũng có nhiều người muốn được vào làm ở đây. Đó cũng là lý do họ chọn ở lại. Chúng tôi nhận gần một triệu rưỡi đơn xin việc hằng năm. Chúng tôi vẫn có được những cá nhân ưu tú nhất.
* Việc được bổ nhiệm làm nữ CEO đầu tiên của IBM có đem lại cảm giác đặc biệt cho bà?
Tôi cảm thấy mình có một trách nhiệm lớn với IBM và một trách nhiệm lớn với việc trở thành một tấm gương cho nhiều người khác. Nhưng mối cam kết của IBM đối với sự đa dạng đã có từ rất lâu rồi. Chúng tôi đã đưa ra ý tưởng tạo những cơ hội công bằng cho tất cả mọi người từ hơn mười năm trước, khi Civil Right Act (Đạo luật Dân quyền) được thông qua. Một ví dụ gần đây nhất về điều này là việc chúng tôi hỗ trợ vận chuyển sản phẩm sữa mẹ tới các nhân viên nữ vừa sinh con hoặc đang phải đi công tác đâu đó. Việc làm này là rất quan trọng tới việc giữ nữ nhân viên trong lực lượng lao động.
* Khi bà gia nhập IBM vào năm 2012, đã có một người đứng lên và nói rằng, “Chúng tôi sẽ không chấp nhận tài trợ cho người chỉ có bằng thạc sĩ”. Đó là một người có thâm niên lâu năm ở IBM và không muốn có phụ nữ gia nhập vào cuộc chơi. Tại sao lúc đó bà không đấu tranh?
Tôi đã và vẫn muốn nhiệm kỳ của mình được biết đến với danh nghĩa là một CEO của IBM, không phải là một nữ CEO của IBM.
Taylor Nguyen / Bloomberg
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn