Mở đường vào chuỗi cung ứng của Samsung
Sau khoảng 3 năm, có gần 200 doanh nghiệp thuần Việt trở thành nhà cung ứng phụ trợ cho Samsung trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Nhờ đâu có được kết quả như thế?
Câu chuyện Samsung đang hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt hoàn thiện quy trình sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của tập đoàn này cho thấy, cả hai phía đều được hưởng lợi từ sự hợp tác.
Cử chuyên gia ngoại xuống doanh nghiệp
“Hôm nay chúng ta đi vào xưởng sản xuất, các vị có thấy nóng không? Có đổ mồ hôi không? Giám đốc mà thấy nóng thì những người làm việc trong đó cũng vậy. Nếu đòi hỏi nhà xưởng của doanh nghiệp Việt có tiêu chuẩn giống như Samsung là rất khó, nhưng lãnh đạo công ty có nhiệm vụ cải thiện môi trường làm việc cho người lao động”.
Đây là đoạn trao đổi thân mật của Tổng giám đốc Khu phức hợp Điện tử gia dụng và Công nghệ Samsung TP.HCM (SEHC) Lee Sang Su với đại diện Công ty TNHH Nhựa Phước Thành, trong chuyến thăm của lãnh đạo SEHC tới các doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cho Samsung mới đây.
Và không phải ngẫu nhiên, một trong những nội dung được các doanh nghiệp Việt quan tâm tại Triển lãm Công nghiệp phụ trợ của Tập đoàn Samsung phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vừa qua là phần chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ tư vấn từ Samsung. Bởi không phải tập đoàn đa quốc gia nào hoạt động ở Việt Nam cũng sẵn sàng cử chuyên gia tới tận nhà cung ứng phụ trợ để hỗ trợ cải tiến năng suất, chất lượng…
Trước đó, từ tháng 9/2015 đến giữa năm 2016, Samsung đã triển khai chương trình tăng cường năng lực cho các nhà cung ứng Việt Nam, thông qua việc cử chuyên gia dày dặn kinh nghiệm từ Hàn Quốc sang trực tiếp hỗ trợ cho 9 công ty tại Việt Nam trong 3 tháng. Các chuyên gia sẽ hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam.
Trao đổi với đại diện Công ty TNHH Nhựa Phước Thành, ông Lee Sang Su, Tổng giám đốc SEHC chia sẻ: “Samsung chỉ cần nhìn thấy các công ty Việt Nam làm tốt như công ty Hàn Quốc thì sợi dây liên kết giữa chúng ta sẽ gắn bó hơn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn mong muốn, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục nỗ lực hết sức cải tiến sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động”.
Phước Thành là một trong số ít doanh nghiệp dám đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng cho dự án hoàn toàn mới để trở thành doanh nghiệp phụ trợ cho SEHC của Samsung. Ông Châu Phước, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Nhựa Phước Thành cho biết, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy mới nhờ sự hỗ trợ rất nhiều từ Samsung, nhất là giúp đỡ trong việc cải tiến nhà máy, quy trình sản xuất, tinh giản các công đoạn không cần thiết… Ngoài ra, Samsung cũng hỗ trợ Phước Thành những quy trình kiểm soát sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra.
Một doanh nghiệp khác cũng được những chuyên gia của Samsung hỗ trợ thời gian qua là Ngân Hà. Ông Chu Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH In bao bì Ngân Hà chia sẻ rằng, nhờ sự hỗ trợ của Samsung, công ty đã đẩy nhanh được quá trình khắc phục những tồn tại trong quy trình sản xuất, nhất là vấn đề vệ sinh. Hiện doanh nghiệp này đã xây dựng được quy trình đánh giá chất lượng, năng lực sản xuất và đang đi vào quy trình sản xuất quy mô lớn, tính chuyên nghiệp cao hơn.
Tương tự, Công ty Goldsun, sau 3 tháng được chuyên gia Samsung tư vấn, tỷ lệ hàng tồn kho giảm hơn 60%, tỷ lệ lỗi thiết bị giảm 72%, trong khi tỷ lệ sản xuất chính xác đối với số lượng yêu cầu tăng từ 0% lên 94%. Còn tại Công ty Mida, hiệu suất tổng hợp thiết bị đã tăng 26%, năng suất vận hành thiết bị tăng 59%, tỷ lệ hàng lỗi giảm 52%, tỷ lệ hàng tồn kho giảm 54%.
Các doanh nghiệp Việt cần chú trọng tới đội ngũ nhân lực kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng tiêu chuẩn của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Rộng cửa cho doanh nghiệp Việt
Chỉ sau khoảng 3 năm, đã có gần 200 doanh nghiệp thuần Việt trở thành nhà cung ứng phụ trợ cho Samsung trong chuỗi sản xuất toàn cầu và con số này chắc chắn chưa dừng lại. Điều này thể hiện những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm tìm kiếm và tuyển chọn các nhà cung ứng Việt của Samsung và cả sự cố gắng của doanh nghiệp Việt trong sân chơi toàn cầu.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Công Thương, đến nay số lượng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Từ 4 nhà cung ứng cấp 1 thuần Việt, hiện Samsung đã có 12 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 1 và 178 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 2. Cụ thể, số doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng của SEV và SEVT tại miền Bắc là 161 doanh nghiệp và tại SEHC ở TP.HCM là 29 doanh nghiệp.
Với chương trình tăng cường năng lực cho các nhà cung ứng Việt Nam, đây là lần đầu tiên Samsung cử chuyên gia tới một thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường năng lực và hoàn thiện quy trình sản xuất.
“Thời gian tới, Samsung sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam để tiến hành nhiều đợt tư vấn từ chuyên gia và tổ chức các khóa đào tạo liên thông nhằm giúp nâng cao năng lực doanh nghiệp. Bất cứ doanh nghiệp nào đáp ứng các điều kiện của Samsung về chất lượng, thời gian giao hàng, giá cả đều có cơ hội trở thành nhà cung ứng của Samsung”, đại diện Samsung chia sẻ.
Cùng với hai nhà máy sản xuất ở Bắc Ninh, Thái Nguyên cùng khu tổ hợp Điện tử gia dụng Samsung SEHC ở TP.HCM sẽ chính thức đi vào hoạt động từ quý 2/2016, Samsung không chỉ đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất TV và thiết bị điện tử gia dụng của tập đoàn trên toàn cầu mà còn góp phần mở thêm nhiều cơ hội để các doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung. Có điều, các doanh nghiệp Việt cũng cần chú trọng mở rộng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nỗ lực của Samsung giúp doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng:
- Triển khai chương trình tăng cường năng lực cho các nhà cung ứng Việt Nam bằng việc cử chuyên gia từ Hàn Quốc sang trực tiếp hỗ trợ.
- Hiện đã có 12 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 1 và 178 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 2 cho Samsung.
Phương Anh
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp