Nhiệm vụ của tân CEO Ericsson

Thách thức cho người kế vị Hans Vestberg không chỉ là cắt giảm chi phí, mà còn là tìm một mục đích mới cho Ericsson.

Khi Hans Vestberg trở thành CEO của Ericsson cách đây hơn 6 năm, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Thụy Điển này đang ở vị thế vô cùng thuận lợi. Khi đó, đối thủ Alcatel-Lucent vẫn còn chật vật sau thương vụ sáp nhập đầy rối rắm với các đối tác Pháp và Mỹ. Nokia thì đang vướng vào một cuộc chiến smartphone vô vọng, trong khi mảng thiết bị mạng của công ty này cũng đang gặp khó khăn. Rõ ràng, đó là một cơ hội cho Ericsson, lúc ấy đang dẫn đầu thị trường, để “nghiền nát” các đối thủ.

Tuy nhiên, sự ra đi đột ngột của Vestberg vào cuối tháng 7 vừa qua (có hiệu lực tức thì) cho thấy những bất ổn lớn đang diễn ra ở Ericsson, một công ty hiện chiếm 2/5 lưu lượng điện thoại di động của thế giới. Nguyên nhân, theo các chuyên gia phân tích, là do Công ty thiếu tập trung chiến lược và quá do dự trong việc thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí cần thiết để cạnh tranh với các đối thủ châu Á giá rẻ hơn.

Kết quả là doanh thu Ericsson từ việc bán và lắp đặt mạng viễn thông, lĩnh vực cốt lõi của Công ty, đã suy giảm trong một thời gian dài. Biên lợi nhuận cũng chịu nhiều áp lực. Công ty vừa cho biết doanh số bán đã giảm 11% trong quý II/2016 so với cùng kỳ năm 2015 trong khi lợi nhuận hoạt động giảm 1/5.

Hans Vestberg

Hans Vestberg đã ngậm ngùi chia tay Ericsson sau hơn 6 năm giữ chức CEO tại công ty này. Ảnh: scania.com.

Mới đây, Standard & Poor’s cũng bày tỏ lo ngại đối với triển vọng lợi nhuận của Ericsson. Thế nhưng, vấn đề của Ericsson còn hơn thế, đó là đi tìm một chiến lược mới cho Công ty, điều mà Vestberg vẫn chưa làm được sau nhiều năm tại vị.

Sự lấn lướt của các đối thủ

Giá cổ phiếu của Ericsson đã giảm hơn 40% kể từ khi đạt mức đỉnh trong suốt 7 năm vào tháng 4/2015. Thời điểm đó, các gã khổng lồ viễn thông ở phương Tây, vốn là các khách hàng lớn nhất của Ericsson, đang đẩy mạnh đầu tư vào thiết bị khi họ tung ra các dịch vụ mạng 3G và 4G mới nhất. Nhưng chi tiêu kể từ đó đã sụt giảm. Chi tiêu vào thiết bị mạng cũng yếu ớt tại các nền kinh tế mới nổi, vốn bị chao đảo do những biến động thị trường gần đây.

Khi nhu cầu ảm đạm, các đối thủ mới cũng nhảy vào, cung cấp nhiều thiết bị tương đương với giá rẻ hơn. Người chơi lớn nhất trong số này là Huawei Technologies Co., một công ty Trung Quốc gần như vô danh trong ngành khi Vestberg lên giữ chức CEO tại Ericsson vào tháng 1/2010.

Doanh số bán cho các hãng khai thác dịch vụ viễn thông của Huawei đã qua mặt tổng doanh số bán toàn cầu của Ericsson cách đây 2 năm. Huawei cũng vừa báo cáo doanh thu 6 tháng đầu năm tăng tới 40%.

Trong khi đó, đối thủ Nokia đã cho thấy sự hồi phục đáng kể trong 2 năm qua kể từ khi bán mảng thiết bị di động cho Microsoft, một phần trong quá trình tái cấu trúc sâu rộng của công ty Phần Lan này. Song song đó, Nokia cũng đã mạnh tay cắt giảm chi phí để tinh gọn hơn nữa hoạt động nhằm cạnh tranh hiệu quả hơn trong ngành thiết bị viễn thông. Đầu năm 2016, Nokia đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Alcatel-Lucent để tạo ra một đối thủ mạnh hơn trước Ericsson.

Trong khi đó, để tăng cường khả năng cạnh tranh, Ericsson đã bắt tay với Cisco Systems (Mỹ). Cả hai đã đồng ý hợp tác trong các lĩnh vực như nghiên cứu và phát triển. Mặt khác, dưới thời của Vestberg, Ericsson cũng đã thực hiện nhiều đợt cắt giảm chi phí. Đầu tháng 7 vừa qua Công ty cho biết sẽ tăng chương trình cắt giảm chi phí 9 tỉ krona Thụy Điển (1,05 tỉ USD) thêm ít nhất 50%, một động thái mà giới truyền thông Thụy Điển cho rằng có thể khiến cho 25.000 việc làm bị bốc hơi. Hiện Ericsson đang tuyển dụng tổng cộng 116.500 lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Ericsson cho biết đã cắt giảm 8.000 nhân viên.

Nhiệm vụ của tân CEO EricssonThế nhưng, sau khi báo cáo lãi ròng giảm tới 24% trong quý II/2016, Vestberg càng thêm mất điểm trong mắt nhà đầu tư. Đó là chưa kể những tổn hại uy tín gần đây của Vestberg khi Ericsson bị dính vào cuộc điều tra chống tham nhũng của các nhà chức trách Mỹ.

Tất cả những điều này đã làm gia tăng sự bất mãn trong số 2 cổ đông lớn nhất của Ericsson là gia đình Wallenberg và tập đoàn holding Thụy Điển Industrivarden, dẫn đến sự ra đi của Vestberg vào cuối tháng 7 vừa qua.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Leif Johansson, thực ra, Hội đồng Quản trị đã nghĩ đến việc thay Vestberg khá lâu, nhưng gần đây mới đưa ra quyết định cuối cùng. Ông nói việc tìm kiếm người thay thế dài hạn cho Vestberg có lẽ sẽ mất nhiều tháng. Hiện tại, Giám đốc Tài chính Jan Frykhammar sẽ giữ chức CEO tạm thời.

Trong bối cảnh hiện tại và khi Công ty đang tăng tốc thực hiện chiến lược, đã đến lúc tìm một nhà lãnh đạo mới để dẫn dắt giai đoạn phát triển tiếp theo của Ericsson”, Johansson nói.

Pierre Ferragu, chuyên gia phân tích tại Bernstein, đánh giá sự ra đi của Vestberg là tin tốt lành trong bối cảnh Ericsson gần đây đã đi đến chỗ “không còn đường thoái lui trong chiến lược của mình”, nghĩa là “một cuộc thay đổi lớn đáng kể là cần thiết để đưa mọi thứ trở lại đường đua”.

Dấu hỏi về chiến lược

Giới phân tích cho rằng, dù Ericsson đã tuyên bố mạnh tay cắt giảm chi phí hơn nữa, nhưng Công ty sẽ cần một cuộc tái cơ cấu căn cơ hơn dưới thời của CEO mới. Theo phân tích của hãng Bernstein, cơ cấu chi phí của Ericsson “quá nặng nề” so với Nokia, do thiếu tập trung về mặt chiến lược cũng như về hiệu quả hoạt động, cùng với “có quá nhiều sáng kiến chiến lược thiếu khôn ngoan”.

Gareth Jenkins, chuyên gia phân tích phần mềm IT tại UBS, cho biết “các lĩnh vực tăng trưởng mới” của Ericsson đang khiến Công ty thua lỗ hằng năm 4 tỉ krona Thụy Điển. Jenkins cho rằng Công ty cần nhắm đến các lĩnh vực tăng trưởng hoàn toàn mới và thực hiện thay đổi văn hóa nội bộ nhằm đạt đến những mục tiêu này. “Đó sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng gì” cho vị CEO mới, ông nói.

Nhiệm vụ của tân CEO Ericsson

Ảnh minh họa: Jonathan Nackstrand/AFP/livemint.com.

Vestberg đã để lại nhiều dấu hỏi cho Ericsson, khi trong suốt 28 năm làm việc tại đây (trong đó có hơn 6 năm giữ chức CEO), ông vẫn không thể đưa ra một kế hoạch triệt để đưa Ericsson vươn ra khỏi mảng xây dựng thiết bị mạng viễn thông. Theo Rolv-Erik Spilling, CEO Telenor Digital, trong bối cảnh giá cả trong mảng cốt lõi đang giảm, Ericsson cần đầu tư nhiều hơn vào phần mềm và dịch vụ, hoặc các hệ thống quản lý mạng. Nhưng Ericsson thì cho rằng gần phân nửa doanh số bán của Công ty là đến từ dịch vụ (dù phần lớn từ việc lắp đặt mạng). Ericsson cũng chi nhiều vào nghiên cứu và phát triển, nhưng các nỗ lực cải tiến lại mang về kết quả không đáng kể.

Bengt Nordstom, chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn viễn thông Northstream, cho rằng nguyên nhân là do phong cách lãnh đạo quá cẩn trọng của ông chủ doanh nghiệp.

Thách thức cho người kế vị Vestberg không chỉ là cắt giảm chi phí mà còn là tìm một mục đích mới cho Ericsson. Nếu không thể làm được điều này, Nordstom lo ngại, người ta sẽ nhanh chóng chất vấn lý do cho sự tồn tại của Ericsson.

Ngô Ngọc Châu
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn