Sau Trung Quốc, Uber sẽ thất bại tại Việt Nam?

Sau khi “bán mình” cho Didi Chuxing tại Trung Quốc, liệu Uber có buộc phải hành động tương tự tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác?

Uber là công ty mới nhất gia nhập danh sách các ông lớn của Mỹ gục ngã tại thị trường Trung Quốc, sau Yahoo, Amazon, Ebay và Microsoft…

Hôm 1/8, Didi Chuxing công bố, sẽ mua lại mảng kinh doanh ở Trung Quốc của Uber để tạo nên một công ty có trị giá 35 tỷ USD. Uber và các nhà đầu tư của mình sẽ nắm giữ khoảng 20% cổ phần trong công ty mới.

Cuộc “đổ bộ” thất bại

Uber tiến hành “đổ bộ” vào thị trường Trung Quốc từ năm 2014, khi đang dần tạo nên “cơn sốt” trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động ổn định tại 60 thành phố của Trung Quốc, Uber dần bước vào những cuộc chiến đối đầu triền miên với một hãng đặt xe di động nội địa của Trung Quốc là Didi Chuxing.

Trong 2 năm, dù đã tiêu tốn tới 2 tỷ USD để gây dựng cơ sở hạ tầng cho hoạt động của công ty tại Trung Quốc, cũng như các chương trình trợ giá, lôi kéo người dùng và lái xe tại các thành phố, Uber vẫn thất bại trong việc giành giật thị phần từ đối thủ Didi Chuxing.

Sau Trung Quốc, Uber sẽ thất bại tại Việt Nam?

Uber đã thất bại tại thị trường lớn nhất nhất thế giới.

Số liệu hiện tại cho thấy Didi Chuxing chiếm tới 85% thị phần thị trường đặt xe qua ứng dụng tại Trung Quốc, trong khi của Uber chỉ là 8%.

Hoảng sợ vì mất quá nhiều tiền mà vẫn không thu được kết quả, các nhà đầu tư đã kêu gọi Uber “đình chiến” và bán mình.

Tuy nhiên, Giáo sư William Kirby của trường Kinh doanh, Đại học Harvard lại cho rằng “Uber không rút khỏi Trung Quốc vì ngại cạnh tranh với Didi, mà do các quy định (đối với công ty đặt xe) sắp được ban hành”.

Tuy các quy định được công bố này được cho là đã bớt hà khắc hơn nhiều bản dự thảo ban đầu, chúng vẫn được đánh giá là sẽ trở thành trở ngại lớn đối với Uber. Theo đó, các công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ xe sẽ bị hối thúc phải hợp nhất với các hãng taxi bản địa.

Điều này không khác gì một nhát dao đối với mô hình hoạt động của Uber bởi hãng vẫn luôn tuân thủ nguyên tắc gọi xe cá nhân, không có xe taxi để đảm bảo cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất cũng như để mình khác biệt với các hãng gọi xe khác.

Uber cũng buộc phải xin cấp chứng nhận hợp pháp ở tất cả các khu vực hãng hoạt động trên khắp Trung Quốc. Các dịch vụ online và offline sẽ bị quản lý và giám sát tách bạch nhau.

Vô vàn khó khăn

Chắc chắn, sau khi rút Trung Quốc, Uber sẽ chuyển hướng tập trung vào các thị trường khác, đặc biệt là Đông Nam Á và Việt Nam là một tâm điểm. Tuy nhiên, cũng giống như ở Trung Quốc, Uber đang gặp phải rất nhiều khó khăn tại Việt Nam.

“Uber không rút khỏi Trung Quốc vì ngại cạnh tranh với Didi, mà do các quy định (đối với công ty đặt xe) sắp được ban hành.”

Đầu tiên là từ định hướng chiến lược kinh doanh. Giống như những thị trường khác và Trung Quốc, ở Việt Nam, Uber cũng chi “mạnh tay” cho việc hỗ trợ lái xe và khuyến mại cho người dùng.

Dù đã vào Việt Nam từ đầu năm 2014 nhưng đến nay, Uber vẫn đang duy trì mức hỗ trợ đáng kể cho lái xe (lên đến 50% doanh thu), và liên tục có các mã giảm giá, miễn phí chuyến đi cho người dùng và người sử dụng mới. Thất bại tại Trung Quốc của Uber chứng tỏ việc hỗ trợ này không phải là một chiến lược kinh doanh bền vững.

Bên cạnh đó, do chưa có cơ chế hoạt động rõ ràng, Uber cũng đang phải đối mặt với các vấn đề pháp lý khi cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam.

Tháng 10/2015, theo chân đối thủ Grab, Uber đệ trình lên Bộ Giao thông vận tải Đề án thí điểm và xây dựng khung pháp lú cho hoạt động dịch vụ kết nối vận tải tại Việt Nam.

Trong khi Grab sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vào ngày 19/10/2015, Uber đã bị Bộ Giao thông vận tải trả lại Đề án với lý do Uber phải có hiện diện pháp nhân chính thức tại Việt Nam để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với các đối tác kinh doanh vận tải.

Bộ Giao thông vận tải cũng đã đề nghị Uber sửa lại Đề án theo góp ý đó nhưng cho tới nay, Uber vẫn chưa hoàn thiện đề án. Đến nay, mới chỉ có Vinasun và Grab là hai công ty được phép triển khai Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử tại Việt Nam.

Tuy hoạt động từ năm 2014 đến nay, Chính phủ Việt Nam vẫn chưa thể thu được một đồng thuế nào từ Uber. Trong khi Công ty TNHH Uber Việt Nam khẳng định chỉ cung cấp dịch vụ quản lý và nghiên cứu thị trường để hỗ trợ cho hoạt động của Công ty mẹ là Uber B.V. tại Hà Lan.

Trong khi đó, Uber B.V. Hà Lan, nhà cung cấp trực tiếp dịch vụ kết nối cho các đối tác kinh doanh vận tải tại Việt Nam lại cho biết Công ty này hoạt động xuyên biên giới theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, do cung cấp phần mềm qua biên giới nên sẽ nộp thuế theo luật pháp của chính phủ Hà Lan.

Một thách thức lớn khác đối với Uber là việc phải đối mặt với sự phản đối của các hãng taxi truyền thống và “bạn đồng nghiệp” Grab.

Sau Trung Quốc, Uber sẽ thất bại tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, Uber bị các hãng taxi truyền thống “ghét cay, ghét đắng”.

Trong khi Grab bắt tay hợp tác được với nhiều hãng taxi nội địa thì Uber lại bị các hãng này “ghét cay, ghét đắng”. Các hiệp hội vận tải, taxi đã nhiều lần đệ đơn lên Chính phủ đề xuất chấm dứt hoạt động của taxi Uber tại Việt Nam.

Bình luận về thương vụ Uber – Didi Chuxing, ông Anthony Tan – CEO của Grab, đã khẳng định trong tâm thư ngày 03/08/2016 gửi tới đội ngũ Grab trên toàn Đông Nam Á: “Chúng ta đã thấy rằng khi nhà vô địch chủ nhà đứng vững với lòng tin và thế mạnh của mình, họ sẽ thắng thế. Chúng ta đã chứng kiến sự thực này ở Trung Quốc, và ở đây cũng vậy. Họ đã thua một lần, và chúng ta sẽ hạ gục họ một lần nữa”.

Trong một động thái khác, nhiều nguồn tin cho biết, sau khi chiến thắng Uber tại Trung Quốc, Didi Chuxing và Softbank Group Corp đang dẫn tính đầu tư thêm cho Grab khoảng 600 triệu USD.

Rõ ràng, dù đã “bắt tay” mua lại Uber tại Trung Quốc, và trở thành cổ đông của Uber toàn cầu nhưng việc chuẩn bị tăng cường đầu tư vào Grab của Didi Chuxing cho thấy họ sẽ tiếp tục tranh giành với Uber tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Như vậy, chắc chắn, tương lai phía trước của Uber tại Đông Nam Á và Việt Nam sẽ là không dễ dàng.

Minh Hoàng
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp