Vì sao Uber “tháo chạy” khỏi Trung Quốc?

Chỉ mới một năm trước đây, nhà sáng lập kiêm CEO của Uber là Travis Kalanick còn tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ là thị trường mang tính quyết định nhất đối với dịch vụ gọi xe lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên mới đây, Kalanick đã chấp nhận cho Uber Trung Quốc sáp nhập với đối thủ nội địa Didi Chuxing, cũng như cho hoán đổi cổ phần giữa Uber và Didi. Theo đó, Didi đầu tư 1 tỷ USD vào Uber, đổi lại Uber và các cổ đông khác của Uber Trung Quốc (Baidu, SAIC, Citic,…) cũng nắm 20% cổ phần trong Didi. Như vậy, Uber đã trở thành doanh nghiệp công nghệ Mỹ mới nhất chấp nhận thất bại tại Trung Quốc, theo sau Yahoo!, Amazon, Ebay và Microsoft.

Thả con cá rô, bắt con săn sắt?

Trong hơn 1 năm chiến đấu quyết liệt với Didi, Uber đã mất khoảng 2 tỷ USD, một con số không nhỏ so với lượng vốn và tiền mặt mà họ đang nắm giữ là khoảng 11 tỷ USD. Tuy nhiên, Uber vẫn chỉ mới đạt được gần 6 triệu chuyến xe / ngày, so với hơn 14 triệu của Didi. Theo tuyên bố từ Uber, họ đang nắm khoảng 30-35% thị phần, còn Didi tuyên bố đang nắm hơn 80%. Còn theo Analysts International, Didi có hơn 42 triệu người dùng thường xuyên trong tháng 5/2016, so với 10 triệu của Uber.

Trong một email gửi tới các nhân viên Uber, Kalanick nói: “Là một doanh nhân, tôi đã học được rằng muốn thành công là phải biết lắng nghe khối óc lẫn con tim. Việc phục vụ thị trường Trung Quốc chỉ có thể khả thi nếu chúng ta có lợi nhuận. Việc sáp nhập với Didi cho phép chúng ta hợp tác cùng nhau để giải phóng tài nguyên cho những chương trình phục vụ tương lai của các đô thị”.

Vì sao Uber “tháo chạy” khỏi Trung Quốc?

Mất hơn 2 tỷ USD, Uber vẫn chỉ có số người dùng tại Trung Quốc bằng 1/4 của Didi Chuxing. Ảnh: TechCrunch.

Zennon Kapron, giám đốc công ty tư vấn Kapronasia, bình luận: “Đường vào thị trường Trung Quốc chất đầy xác của những công ty công nghệ nước ngoài từng thất bại tại đây. Sự kiện này có thể xem như là một bước lùi cho Uber, và lẽ ra thì mọi chuyện còn có thể trở nên tồi tệ hơn”.

Theo Justin Fox, chủ biên tờ Harvard Business Review, khi bàn về các dịch vụ như Uber thì phải nói tới hiệu ứng mạng lưới (network effect), nghĩa là khi một dịch vụ càng được nhiều người sử dụng và có mặt ở nhiều nơi thì nó càng gia tăng thêm giá trị cho người dùng. Fox cho rằng, một đặc thù của ngành dịch vụ gọi xe là ở chỗ các công ty phải tranh giành nhau từng thành phố một, vì “hiệu ứng mạng lưới” trong ngành này chỉ có giá trị ở cấp độ thành phố, ít khi ở tầm quốc gia hay toàn cầu.

Vì vậy, mặc dù Uber đã là dịch vụ gọi xe lớn nhất toàn cầu, nhưng khi tiến vào Trung Quốc thì họ vẫn phải tìm cách giành giật từng thành phố một với Didi, vốn đã có mặt ở hơn 400 thành phố so với 60 của Uber. Xem ra chính phủ Trung Quốc cũng có một sự ủng hộ ngầm nhất định với Didi, khi họ để cho mảng dịch vụ gọi taxi của hãng này hợp nhất với Kuaidi vào năm ngoái để tạo thế độc quyền hoàn toàn.

Bản thân Didi cũng được hậu thuẫn bởi 2 tập đoàn Trung Quốc cực mạnh khác là Tencent và Alibaba, và tới tháng 5 gần đây lại nhận thêm tiếp 1 tỷ USD từ Apple. Năm 2015, Didi chính thức khởi động cuộc chiến giá cả với Uber khi tung ra chiến dịch cung cấp các chuyến đi miễn phí với ngân sách 150 triệu USD. Điều đó buộc Kalanick phải phản ứng tức thì, và đến tháng 6 cùng năm thì ông hứa với các cổ đông sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Trung Quốc chỉ nội trong 2015.

Không chỉ đánh nhau bằng giá cả, cuộc chiến Didi – Uber còn diễn ra trên nhiều mặt trận khác. Tới tháng 8/2015, Uber tố cáo họ đang bị chặn khỏi dịch vụ tin nhắn WeChat, vốn thuộc sở hữu của Tencent, cổ đông của Didi. Sau đó, Didi lập ra một liên minh toàn cầu với Lyft (Mỹ), Grab (Đông Nam Á) và Ola (Ấn Độ) để cho phép người dùng 4 bên có thể dùng chung dịch vụ của nhau.

Vì sao Uber “tháo chạy” khỏi Trung Quốc?

Ảnh minh họa: wikimedia.

Một rừng không thể có hai hổ

Sang đầu năm 2016, Didi bắt đầu tỏ rõ sự tự tin về việc giành thắng lớn, khi vào tháng 4 phó chủ tịch chiến lược của hãng là Stephen Zhu tuyên bố: “Chúng tôi sẽ là người cuối cùng còn sót lại”. Với nguồn “đạn dược” 10 tỷ USD để tập trung toàn lực cho thị trường Trung Quốc, rõ ràng Didi không phải lo lắng nhiều về việc phân tán nguồn lực ra toàn cầu như Uber với 11 tỷ USD trong tay.

Dù sao đi nữa, việc Uber Trung Quốc sáp nhập với Didi cũng có thể xem như một cuộc đoàn viên nho nhỏ: chủ tịch Jean Liu của Didi là anh em họ với Liu Zhen, giám đốc chiến lược của Uber Trung Quốc.

Justin Fox đặt câu hỏi: nếu Uber không còn phải lo chuyện chảy máu tài chính ở Trung Quốc, và Kalanick không còn phải bỏ ra tới 20% ở đó, thì liệu Uber có khả năng chiếm lĩnh hết các thị trường còn lại hay không?

Tại sân nhà Mỹ, Uber đang vượt xa đối thủ gần nhất là Lyft (vốn cũng được Didi đầu tư) cả về vốn liếng lẫn thị phần. Uber đặc biệt rất được giới doanh nhân hay đi lại ưa thích, vì có mặt ở rất nhiều thành phố. Như vậy với giới này thì rõ ràng hiệu ứng mạng lưới của Uber đang hoạt động ở tầm quốc gia. Tuy nhiên, đây không phải là một phân khúc khách hàng lớn, và sự thực là tại một số thành phố thì Lyft đang giành giật lại được khá nhiều thị phần nhờ chịu khó tập trung.

Với 1 tỷ USD vốn đầu tư vừa nhận được gần đây từ General Motors và một nhóm nhà đầu tư khác, Lyft chắc chắn sẽ đủ sức cạnh tranh với Uber thêm một thời gian dài nữa. Uber cũng có lý do để không muốn triệt tiêu Lyft: cả 2 bên đã cùng hợp tác tích cực với nhau trong việc vận động các chính quyền đô thị hợp pháp hóa dịch vụ gọi xe, và việc chung sống cùng nhau sẽ giúp Uber thoát khỏi sự dòm ngó của các cơ quan chống độc quyền.

Một câu hỏi khác nữa là liệu sau khi thoát khỏi Trung Quốc thì Uber có tiến công mạnh hơn vào Ấn Độ và Đông Nam Á, đại bản doanh của 2 thành viên còn lại (Ola, Grab) trong “liên minh chống Uber” do Didi thành lập? Cả 2 thị trường này đều còn dư địa rất lớn, và Uber vẫn đang cần có một đầu cầu ở châu Á để duy trì đà tăng trưởng toàn cầu.

Tuấn Minh / Bloomberg / Quartz / WSJ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư