Edward Snowden: Từ kẻ đào tẩu thành thương hiệu đình đám
3 năm sau vụ đào tẩu "như trong phim" trốn khỏi nước Mỹ, cái tên Edward Snowden không ngừng nóng trên các diễn đàn bảo mật khắp thời gian qua.
Bị chính phủ Mỹ coi là kẻ phản bội nhưng Edward Snowden vẫn sống an nhàn tại Nga trong suốt 3 năm qua mà chưa một lần bị mật vụ Mỹ sờ gáy. Tại một địa điểm bí mật tại Nga, "kẻ tội đồ" vẫn sống và làm việc hăng hái như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Từ một kẻ chạy trốn, hình ảnh Edward Snowden giờ đã xuất hiện thường xuyên hơn, thậm chí ngay cả ở Mỹ. "Người thổi còi" này không chỉ muốn tên của mình được nhắc thường xuyên hơn mà còn hướng tới việc xây dựng hẳn một thương hiệu mang tên Edward Snowden.
Nếu không nhắc tới vụ tiết lộ các thông tin mật về chương trình nghe lén của chính phủ Mỹ, "thương hiệu" Edward Snowden được thể hiện rõ nét nhất qua các robot đại diện và chiếc smartphone chống nghe lén mới mà nhà thầu tư nhân này góp tay thiết kế.
Avatar đời thực
Tuy sống bí mật tại Nga nhưng Snowden có thể hiện diện tại bất cứ sự kiện nào thông qua robot "Snowbot" mang ảnh đại diện, có thể di chuyển, truyền hình ảnh từ xa và nhận biết không gian xung quanh qua camera lắp trên thiết bị.
Mỗi Snowbot trị giá tới 14.000USD có kích thước gần bằng một người trưởng thành với thiết kế đơn giản, bao gồm chân đế di chuyển và màn hình gắn phía trên.
Sự có mặt của Snowbot cho người ta cảm giác Snowden như đang ngồi đó chứ không phải hình ảnh xa xăm qua camera hoặc công cụ chát voice. Snowbot giúp hình thành thói quen đám đông rằng "kẻ thổi còi" này là con người tự do, có thể tới bất cứ đâu, kể cả Mỹ.
Với những cuộc họp trong khán phòng lớn, hình ảnh của Snowden thường được truyền trực tiếp trên màn hình lớn. Chỉ trong năm nay, Snowden đã tham dự hơn 50 cuộc họp như thế trên khắp thế giới. Mỗi cuộc họp mang lại cho anh khoản thù lao hơn 25.000USD.
Ngoài việc trang trải thêm cho cuộc sống, hình thức họp hành từ xa kiểu này còn giúp mở rộng phạm vi ảnh hưởng chính trị của Snowden. "Chúng tôi đang cố gắng bình thường hóa sự hiện diện và cuộc đời của anh ấy", Greenwald, một nhà báo đang cộng tác với Edward Snowden nói về Snowbot.
Greenwald thậm chí còn muốn đặt Snowbot tại Fort Meade, nơi có trụ sở của NSA – cơ quan cũ Snowden từng làm việc, hoặc tại các siêu thị ở Mỹ.
Năm 2014, Snowden cùng với Poitras và Greenwald tham gia ban điều hành Hiệp hội Tự do cho Báo chí (FPF) , một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở San Francisco, Mỹ. Poitras và Greenwald là hai nhà báo từng giúp Snowden công khai các bí mật của cơ quan an ninh quốc gia NSA, Mỹ.
Năm ngoái, Snowden được bầu làm chủ tịch hội này. Điều đó giúp anh có thể tiếp cận với đội ngũ các nhà làm công nghệ trên khắp thế giới mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Ngoài ra, với cương vị chủ tịch FPF, Snowden cũng làm việc dễ dàng hơn với chuyên gia nhiều dự án mã hóa mà anh tham gia. FPF cũng là công cụ cho phép nhà báo trên khắp thế giới có thể kết nối dễ dàng hơn với "những người đang sống trong tình trạng bị đe dọa", hay nói cách khác đó là những người như Snowden.
Thông qua mạng lưới kết nối trung gian, trong đó có Ben Wizner, người được coi là "thần gác cửa" của Snowden, "kẻ đào tẩu" có thể liên lạc với bất cứ ai mà anh muốn gặp. Thậm chí, Snowden từng đứng lớp tại trường luật Harvard Law School, tất nhiên là thông qua thiết bị truyền hình từ xa.
Chưa hết, Snowden còn nói chuyện tại lớp học luật của Amal Clooney tại Columbia. Anh tham gia vào chương trình Vice trên kênh HBO, đồng thời ra bản tuyên ngôn trên trang Intercept, một website do Poitras và Greenwald và tỉ phú Pierre Omidyar xây dựng.
Snowden cũng đồng thời duy trì sự hiện diện trên Twitter với hơn 2 triệu người theo dõi. Snowden từng tiết lộ trên mạng xã hội này rằng anh sẽ tham gia diễn xuất trong bộ phim sắp tới của Oliver Stone cùng ngôi sao Joseph Gordon-Levitt.
Bộ phim của đạo diễn Oliver Stone có sự tham gia của Snowden sẽ được trình chiếu tại Mỹ vào tháng 9 tới đây. Và như vậy, lần đầu tiên khán giả Mỹ sẽ thấy Snowden ở vị trí mới: diễn viên, thay cho hình ảnh kẻ đào tẩu năm xưa.
Snowden còn tham gia tư vấn và phát triển nhiều dịch vụ liên quan tới an toàn riêng tư và an ninh mạng, chẳng hạn giải pháp lưu trữ đám mây của SkiderOak và ứng dụng tin nhắn mã hóa Signal.
Thương hiệu smartphone mới
Cách đây ít hôm, tại phòng thí nghiệm Media Lab của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Snowden cùng nhà nghiên cứu bảo mật Andrew Huang đã công bố dự án chế tạo ốp lưng điện thoại (case) có khả năng chống nghe lén, vốn là hoạt động đang được các tổ chức tình báo triển khai nhắm vào các nhà báo hoặc các nhà hoạt động chính trị hoặc xã hội.
"Một nhà báo chân chính có mặt đúng nơi và đúng thời điểm có thể thay đổi cả lịch sử", Snowden nói trong bài trình bày được truyền hình từ xa. "Điều này khiến họ trở thành mục tiêu và công cụ mà họ vẫn sử dụng hàng ngày có thể bị lợi dụng để chống lại họ".
Chiếc ốp lưng mang thương hiệu Edward Snowden hoạt động như một tấm pin dự phòng được tích hợp màn hình nhỏ cho biết điện thoại có gửi tín hiệu GPS, di động, Wi-Fi hoặc Bluetooth ra bên ngoài hay không khi đã được tắt nguồn.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình NBC năm 2014, Snowden từng cảnh báo một số phần mềm độc hại có thể hoạt động trên iPhone ngay cả khi đã tắt điện thoại. Chiếc ốp lưng đặc biệt trên sẽ được chế tạo riêng cho iPhone.
Snowden nói rằng không phải anh có ưu tiên đặc biệt gì cho iPhone mà chỉ bởi có vẻ như nhiều nhà báo đang sử dụng dòng điện thoại này nhất.
Cùng với thiết kế chống nghe lén cho smartphone, robot đại diện và tham gia vào hàng loạt dự án trong lĩnh vực bảo mật, an toàn riêng tư…, cái tên Edward Snowden chắc chắn sẽ còn rất "hot" trong thời gian tới đây.
Gia Nguyễn
Nguồn Zing News