Sóng ngầm thương mại điện tử

Doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử đang chuẩn bị cho cuộc đua cuối năm, thời điểm được đánh giá là có nhiều thay đổi và khắc nghiệt hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Kể từ sau sinh nhật của 2 tên tuổi lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử là Lazada Việt Nam và Tiki hồi tháng 3, thị trường trở nên trầm lắng hơn vì rơi vào chu kỳ thấp điểm của ngành bán lẻ. Sự trầm lắng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này khiến nhiều người cho rằng sẽ phải chứng kiến thêm vài cái tên nữa bỏ cuộc chơi.

Lo lắng này là có cơ sở. Cuối năm ngoái, khi thị trường đang vào mùa cao điểm thì Beyeu.com, một dự án của IDG Ventures chuyên kinh doanh mặt hàng dành cho em bé và phụ nữ, tuyên bố đóng cửa. Sau Beyeu.com, hơn 1 tháng sau, đến lượt Deca.vn, có mô hình tương tự Beyeu.com của Công ty Quảng cáo 24h, cũng ngừng cuộc chơi. Cũng phải nhắc thêm trước đó, Rocket Internet, chủ đầu tư Lazada Group, sáp nhập trang Lamido.vn về Lazada Việt Nam hồi tháng 3 và bán trang Foodpanda.vn cho Vietnammm vào tháng 9.2015. Tháng 4 năm nay, quỹ này cũng đã bán Zalora Việt Nam cho Central Group của Thái Lan và Lazada Group cho Alibaba Group.

Việc chuyển nhượng các dự án của Rocket Internet cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm như Alibaba khiến thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều biến động hơn. Bên cạnh đó, theo một số nguồn tin của chúng tôi, Central Group và Lotte Mart sẽ tham gia vào thị trường thương mại điện tử vào 2 tháng tới. Sức ép mới này không chỉ làm chao đảo các doanh nghiệp Việt Nam mà làm lung lay cả những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn tồn tại sau “cơn bão” hồi năm ngoái.

Sóng ngầm thương mại điện tử

Thị trường thương mại điện tử đang có sự thanh lọc mạnh mẽ. Ảnh: baomoi.com.

Hiện nay, thương mại điện tử đang tận dụng mùa thấp điểm để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Điểm khác biệt trong cuộc đua năm nay là doanh nghiệp sẽ tập trung vào chất lượng dịch vụ, đa dạng sản phẩm hơn là đổ tiền quảng cáo giành thị phần. Sự thay đổi này đến từ Lazada Việt Nam. Trước đây, vì muốn giành thị phần trong thời gian ngắn để có thể chuyển nhượng lại với giá cao, doanh nghiệp này liên tục tăng chi phí quảng cáo. Khi đã hoàn thành mục tiêu, Lazada Việt Nam dưới sự quản lý của Alibaba sẽ bắt đầu tập trung nhiều vào chất lượng dịch vụ, cụ thể là thời gian giao hàng sẽ được rút ngắn và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc Tiếp thị của Lingo.vn, cho biết hiện chi phí quảng cáo cho Google, Facebook tăng so với năm ngoái nên doanh nghiệp phải tìm cách sử dụng quảng cáo hiệu quả hơn. Theo đó, Lingo.vn xác định chỉ tập trung vào ngành hàng gia dụng với mục tiêu tăng gấp đôi số lượng nhà cung cấp từ đây đến mùa cao điểm. Thời gian giao hàng từ 48 tiếng đang được rút ngắn xuống còn 36 tiếng trong khu vực nội thành. Công ty sẽ cập nhật lại phiên bản ứng dụng di động và làm lại giao diện trang web để chuẩn bị cho mùa cuối năm.

“Kế hoạch quảng cáo cũng đã được đưa ra, trong đó tập trung nhiều hơn vào các khách hàng trung thành. Với chi phí quảng cáo có xu hướng ngày càng tăng, sẽ vô nghĩa nếu không giữ được khách hàng cũ”, ông Vĩ nhận định. Không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử, sức nóng của thị trường mùa cuối năm cũng phản ánh rõ rệt lên các công ty cung cấp dịch vụ hậu cần cho lĩnh vực này. Theo ông Nguyễn Trần Thi, Giám đốc Điều hành Giaohangnhanh.vn, dự kiến nhu cầu thị trường sẽ tăng gấp 3 đến 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Thi cũng thừa nhận áp lực về thời gian giao hàng của các đối tác, trong khi, việc tăng người với số lượng lớn để đáp ứng mùa cao điểm không phải là kế sách tốt vì sẽ tạo thêm gánh nặng cho quỹ lương mùa thấp điểm cũng như không thể kiểm soát được chất lượng dịch vụ. Theo đó, Giaohangnhanh.vn sẽ kết hợp với AhaMove.vn, một công ty con cung cấp ứng dụng gọi xe tải, xe ba gác và xe máy để giao hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Thi cho biết đây là kế hoạch đã được Công ty chuẩn bị từ đầu năm.

Sóng ngầm thương mại điện tử

Chuyện gì sẽ xảy ra khi Central Group và Lotte Mart có thể sớm tham gia vào thị trường thương mại điện tử? Ảnh: vietbao.com.

Trong khi đó, tâm điểm của thị trường là Lazada Việt Nam hiện vẫn khá kín tiếng. Kể từ khi về chung nhà với Alibaba Group, việc kiểm soát thông tin của Lazada Việt Nam cũng khắt khe hơn so với trước kia. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, Lazada đã bổ sung một số nhà cung cấp, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng các cửa hàng trong thời gian qua. Trước đó, tháng 10 năm ngoái, Lazada Việt Nam đã tách Lazada Express (LEX) thành một công ty độc lập đảm nhiệm hậu cần cho Lazada Việt Nam.

Lazada đang đi theo rất sát định hướng của công ty thương mại điện tử lớn nhất Mỹ là Amazon. Hiện Amazon không chỉ là một website bán lẻ mà còn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng như kho bãi, giao nhận... nhằm tạo lợi thế cạnh tranh.

Theo ông Alexander Dardy, Giám Đốc Điều hành của Lazada Việt Nam, thay vì tập trung vào các mã giảm giá voucher, Công ty tập trung vào các dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cho người tiêu dùng như gói giao hàng miễn phí và sắp tới là cải thiện dịch vụ đổi trả hàng.Ông Dardy cho rằng từ nay đến cuối năm, thị trường bán lẻ nói chung và thương mại điện tử nói riêng sẽ rất sôi động. Riêng Lazada Việt Nam, đã bắt đầu lên kế hoạch cho chương trình đặc biệt với quy mô lớn nhất năm mang tên “Cách mạng mua sắm trực tuyến” dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11.

Sức ép đang được đổ lên các doanh nghiệp còn lại. Tuy nhiên, trái với tình trạng căng thẳng của nhiều doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử thì đại diện Sendo.vn lại cho rằng “thị trường đang thuận lợi hơn”. Theo ông Linh, Sendo.vn hiện tập trung vào việc kết nối người bán, người mua và các đơn vị dịch vụ thương mại điện tử như giao nhận, thanh toán bằng công nghệ. Chiến lược phần nào phát huy tác dụng khi thị trường hiện đã ít doanh nghiệp lớn tham gia nhưng nhu cầu người bán nhỏ lẻ khá nhiều, khiến lượng cửa hàng và sản phẩm đăng ký trên Sendo.vn tăng trưởng gấp 3 lần so với mục tiêu.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư