Thâu tóm và cạnh tranh: Xu hướng của ngành bán lẻ nửa đầu năm 2016

Diễn biến của vụ chuyển nhượng Big C và Metro đã “xoay vần” truyền thông quanh các chủ đề liên quan như thoái vốn, mua lại, cạnh tranh, hợp tác, cổ phiếu và chiến lược sản phẩm.

Đây cũng là những chủ đề nóng nhất về ngành bán lẻ trên truyền thông Việt trong 6 tháng đầu năm nay, số liệu thống kê và phân tích của Media Tenor cho thấy.

Hơn 20% thông tin trên truyền thông phân tích về cuộc chạy đua của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để đấu giá cho Big C như Aeon (Nhật Bản), TCC Holding (Thái Lan), Central Group (Thái Lan), Masan Group hay Saigon Co.op.

Thâu tóm và cạnh tranh: Xu hướng của ngành bán lẻ nửa đầu năm 2016

Truyền thông và các chuyên gia nhận định rằng “cuộc cạnh tranh trong ngành bán lẻ Việt Nam trở nên sôi động và khốc liệt hơn bao giờ hết.”

Ngay cả khi Central Group đã thành công khi mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam và là doanh nghiệp Thái Lan thứ hai mua hệ thống bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam trong vòng 4 tháng thì truyền thông vẫn tiếp tục quan tâm đến những chủ đề này.

Đó là do sự phát triển của hệ thống siêu thị Aeon và Lotte khi hai tập đoàn này vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam dưới nhiều hình thức.

Ngoài ra, hoạt động liên doanh hợp tác cũng là xu hướng được các nhà bán lẻ “ngoại” áp dụng để thâm nhập và thâu tóm thị trường Việt Nam.

Truyền thông và các chuyên gia nhận định rằng “cuộc cạnh tranh trong ngành bán lẻ Việt Nam trở nên sôi động và khốc liệt hơn bao giờ hết.” Chính vì thế, chủ đề cạnh tranh chiếm đến 1/4 lượng thông tin về ngành bán lẻ.

Thâu tóm và cạnh tranh: Xu hướng của ngành bán lẻ nửa đầu năm 2016

Những diễn biến như trên giải thích cho top 10 doanh nghiệp được truyền thông quan tâm nhất trong ngành bán lẻ gồm Big C Việt Nam, Saigon Co.op, Metro Vietnam, Aeon, Berli Jucker Public Company Limited, Vinmart, Lotte Mart, Thế Giới Di Động, FPT Digital và công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư Hoàng Huy.

Họ đang chạy đua để phát triển mạng lưới, mở rộng thị phần và đáp ứng người tiêu dùng theo chiến lược sản phẩm riêng biệt.

Hầu hết những doanh nghiệp bán lẻ này nhận được thiện cảm từ truyền thông với từ 30-60% là thông tin tích cực.

Chuỗi siêu thị Vinmart được gần 60% đánh giá tích cực nhờ sự am hiểu thị trường địa phương, ưu tiên hàng nội và tạo điều kiện cho nhà sản xuất trong nước.

Thâu tóm và cạnh tranh: Xu hướng của ngành bán lẻ nửa đầu năm 2016

Aeon được truyền thông ca ngợi (50% thông tin tích cực) do dịch vụ văn minh và sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt.

Thế Giới di động có thị phần bán lẻ trực tuyến lớn đồng thời với sự phát triển mạnh mẽ của Điện máy Xanh với hơn 100 siêu thị, doanh thu mỗi tháng là 1,000 tỷ đồng và chuỗi siêu thị mini Bách hóa Xanh.

Cách đây 3 năm, Thế giới Di động chưa bao giờ lọt vào top được truyền thông chú ý nhưng hiện nay lượng thông tin về công ty này chiếm áp đảo trên truyền thông, chiếm tới 1/20 tổng số thông tin ngành bán lẻ.

Chỉ có một số ít thông tin tiêu cực về ngành bán lẻ (dưới 10%) xuất phát từ sự bất đồng trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà cung cấp do mức chiết khấu cao, vấn đề thuế hay vị thế của một số doanh nghiệp trên thị trường đang bị ảnh hưởng.

Thảo Mai
Nguồn BizLive