Khi sếp... xuống đường
Ngày 7/12, tiểu thương chợ Bến Thành bất ngờ trước sự xuất hiện của Chủ tịch Công ty Tập đoàn Trung Nguyên trong vai trò một người bán hàng. Trước đó, Tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, Bibica... cũng gây bất ngờ với nhiều chủ tiệm tạp hóa ở TP.HCM và các tỉnh khi cùng nhân viên mang hàng đến giới thiệu.
Từ công ty ra chợ
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã cùng với nhân viên công ty tiếp thị sản phẩm tận tay người tiêu dùng (ảnh trên). Đây là lần đầu tiên ông Vũ cầm gói cà phê trực tiếp giới thiệu, chào mời và trao đổi với tiểu thương chợ Bến Thành. Hình ảnh ông Vũ "xuống đường" khiến nhiều người cảm nhận "cuộc chiến" trên thương trường đang ngày càng gay gắt.
Nguyên buổi sáng, ông Vũ đến từng sạp kinh doanh ngành hàng trà, cà phê của chợ Bến Thành chào hàng, hỏi thăm về tình hình kinh doanh, các yêu cầu của người bán về cà phê Trung Nguyên.
Không chỉ có ông Vũ, trước đó, ông Trần Qúi Thanh, Tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát và ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Công ty Bibica cũng đã trực tiếp đi bán hàng cùng nhân viên.
Đến hôm nay, sau gần 4 tháng sản phẩm Number One chanh tung ra thị trường, nhiều chủ tiệm tạp hóa, khách hàng ở TP.HCM và Bình Dương vẫn còn nhớ hình ảnh ông Trần Quí Thanh tự tay mang những chai nước tăng lực đến tiếp thị từng người và từng cửa hàng bán lẻ.
Cũng vậy, từ tháng 5 đến nay, cứ cách tháng, ông Chiến lại cùng với nhân viên công ty mang các sản phẩm mới như bánh Hura Pie, Hura Deli, kẹo Beme... đến các chợ, tiệm tạp hóa ở TP.HCM, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ, Nha Trang... để quảng bá.
Trong khi ông Vũ, ông Thanh mới một lần "vào vai người bán hàng" thì ông Chiến đã không ít lần cùng nhân viên xuống chợ. Từ tháng 7 đến nay, tháng nào lãnh đạo của Bibica cũng thay phiên nhau cùng nhân viên khối văn phòng mang sản phẩm giới thiệu đến người tiêu dùng.
Lúc thì người ta thấy ông Chiến bán hàng ở các chợ TP.HCM, lúc lại thấy ông tất bật cùng nhân viên giới thiệu hàng ờ Nha Trang, Cần Thơ... Đích thân CEO đi tiếp thị sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm để quảng bá sản phẩm, tìm đối tác... là những cách mà DN ráo riết triển khai nhằm khơi thông đầu ra cho hàng hóa.
Theo lý giải của những doanh nhân này, DN Việt đang đối mặt với suy thoái của nền kinh tế đồng thời với những thử thách lớn hơn từ sự "đổ bộ” của các thương hiệu toàn cầu vào Việt Nam.
Việc xuất hiện ồ ạt của các thương hiệu lớn của nước ngoài đã tạo nên một cuộc chiến mới trong thương trường: cuộc chiến mà DN Việt bắt buộc phải thay đổi và tìm ra con đường để không những trụ vững mà còn vượt và thắng đối thủ trên "sân nhà”.
Thành quả bước đầu
Chương trình "Ngày hội bán hàng truyền thống" của Trung Nguyên thể hiện khát vọng trở thành thương hiệu Việt sẽ chinh phục người tiêu dùng Việt Nam và vươn đến toàn cầu. Ngay trong ngày ông Vũ đến chợ, doanh thu bán hàng của Công ty đã tăng hơn 200%.
Tại các điểm bán, nhân viên Trung Nguyên cũng đã giới thiệu nhiều sản phẩm mới với bao bì mới ra mắt trong năm vừa qua đến người tiêu dùng như: G7 Cappucino, Passiona, Cà phê tươi...
Tương tự, ngay trong ngày ra quân giới thiệu sản phẩm mới, doanh số của Number One vượt mong đợi và sau gần 4 tháng ra mắt, sản phẩm tiêu thụ khá mạnh tại các cửa hàng, tiệm tạp hóa, siêu thị.
Trong khi đó, chương trình bán hàng của Công ty Bibica cũng đã thành công mỹ mãn khiến Công ty quyết định chọn làm chương trình bán hàng thường niên. Từ đầu năm đến nay, đã có 5 đợt bán hàng như vậy diễn ra với sự tham gia trực tiếp của tổng giám đốc và phó tổng giám đốc.
Đánh giá về việc "xuống đường" của các chủ DN Việt, nhiều chuyên gia cho rằng, trong điều kiện nội lực DN trong nước còn yếu thì những sáng tạo trong bán hàng đã tạo sự hưởng ứng của người tiêu dùng.
Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty Bibica, cho rằng, chương trình để củng cố mạng lưới phân phối của Bibica, đồng thời thúc đẩy tinh thần bán hàng của đội ngũ kinh doanh, tạo hình ảnh đẹp của từng nhãn hàng mới, cũng như của Bibica với người tiêu dùng.
"Đây là một trong những giải pháp để tăng sức mua, và đưa DN gần hơn nữa với người tiêu dùng. Nhờ những chương trình này mà nội bộ Bibica ngày càng gắn kết hơn, hiểu và chia sẻ với công việc của những người bán hàng, từ đó cổ vũ, động viên tinh thần bám trụ, sâu sát thị trường của đội ngũ bán hàng công ty", ông Thiện nói.
Dù doanh số bán hàng vượt ngoài mong đợi nhưng điều đó không phải là nhu cầu của Trung Nguyên. Mong mỏi của ông Đặng Lê Nguyên Vũ là "Cố gắng thúc đẩy lượng tiêu thụ nội địa từ 1,2kg/người/năm tăng lên 5kg/người/năm để đảm bảo an ninh nguyên liệu tại chỗ và gia tăng lợi ích bền vững cho người nông dân trồng cà phê. Chúng tôi tin rằng cuộc chiến giữa thương hiệu Việt với thương hiệu toàn cầu mà chiến thắng sẽ nghiêng về thương hiệu Việt khi có sự đồng lòng của các DN, sự ủng hộ của người Việt và của các cơ quan nhà nước. Khi cùng nhau, không gì là không thể”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói.
Đánh giá về việc "xuống đường" của các chủ DN Việt, nhiều chuyên gia cho rằng, trong điều kiện nội lực DN trong nước còn yếu thì những sáng tạo trong bán hàng đã tạo sự hưởng ứng của người tiêu dùng. Đây chính là hậu phương vững chắc để các DN tồn tại, cạnh tranh và phát triển trước các tập đoàn đa quốc gia.