Phá thế độc quyền, Bộ TT&TT trực tiếp đo rating truyền hình

Sau thời gian chạy thử nghiệm, Vietnam Tam, hệ thống định lượng dùng để đo lường thói quen và nhu cầu xem truyền hình của khán giả, đã đi vào hoạt động lần đầu tiên tại Việt Nam.

Quan trọng hơn, hệ thống này ra đời là một bước quan trọng đánh dấu thế độc quyền về dịch vụ rating các chương trình truyền hình, vốn từ trước đến nay là sân chơi riêng của Công ty TNS Media Vietnam (TNS), đã bị phá vỡ.

Thế độc quyền của TNS với quá nhiều lùm xùm

Giống như việc đếm view đối với báo điện tử, con số rating của các chương trình, kênh truyền hình cũng có ý nghĩa quan trọng. Số rating gần như là nguồn định lượng duy nhất mà các công ty truyền thông hay các nhà sản xuất sẽ sử dụng để thu được những phản hồi của người xem về sản phẩm của mình.

Ở Việt Nam, thị trường dịch vụ rating truyền hình không hề có bất cứ sự cạnh tranh nào. Thế độc quyền tập trung hoàn toàn vào TNS (một công ty đa quốc gia thuộc tập đoàn Kantar Media, Anh) hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường và có nhiều khách hàng là các đài truyền hình lớn trên cả nước (HTV, VTV, VTC…).

Giọng hát Việt

Ảnh minh họa: Chương trình Giọng hát Việt mùa đầu tiên phát trên VTV3 năm 2012 đã thu được rating rất cao.

Thế nhưng bao nhiêu năm TNS hoạt động ở Việt Nam thì có gần bằng ấy năm công ty này gắn với những lùm xùm về độ trung thực, không phản ánh đúng thực tế của các chỉ số rating mà họ cung cấp. Đã có nhiều kênh truyền hình, công ty truyền thông lâm vào hoàn cảnh khốn đốn, do quá tin vào những chỉ số rating của TNS.

Năm 2008, HTV (truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh) từng phản ứng rất mạnh mẽ về việc khảo sát thị trường bằng cách quá cũ, dẫn đến đưa ra những thông số rating không chính xác của TNS. Tiếp sau đó là lần lượt sự lên tiếng của các đài truyền hình khác như Truyền hình Vĩnh Long, rồi VTV, Truyền hình Hà Nội…

Tất cả các nhà đài là khách hàng của TNS đều nhấn mạnh về cách mà công ty này đang thực hiện để nghiên cứu thị trường là đã rất cũ, chậm chạp và không thể đưa ra kết quả chính xác. Đó là cách điều tra theo nhật ký truyền hình, dựa trên giấy và đánh dấu vào ô chọn, một cách làm quá lạc hậu so với những phương pháp hiện đại trên thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn thực hiện với báo Thanh Niên, chính những nhân vật là các cựu nhân viên TNS và các chuyên gia đã mang ra ánh sáng thêm nhiều thắc mắc về cách mà TNS dùng để thực hiện các cuộc điều tra.

Không chỉ phương pháp cũ, việc lấy câu trả lời từ người xem cũng được TNS thực hiện theo cách cẩu thả hoặc “làm cho có”. Một cựu phỏng vấn viên của TNS đã từng chia sẻ rằng thực trạng các phỏng vấn viên thỏa thuận với người được phỏng vấn để khi nhân viên kiểm tra khảo sát hỏi lại sẽ thấy trùng khớp, việc “mớm ý” cho những người được phỏng vấn hay việc người hỏi trả lời cho xong là khá phổ biến. Thậm chí, có trường hợp người được phỏng vấn mù chữ nên phỏng vấn viên đã “làm hộ” bảng khảo sát luôn.

Phá thế độc quyền, Bộ TT&TT trực tiếp đo rating truyền hình

Ảnh minh họa.

Số hộ gia đình được TNS lựa chọn để hỏi cũng để lại nhiều nghi ngờ. Có tổng cộng 2.270 số hộ gia đình được chọn để hỏi, dựa trên dân số mẫu là 8.830 người. Như vậy gần 9.000 người này, theo cách khảo sát của TNS, sẽ đại diện cho hơn 90 triệu dân Việt Nam, ở đủ các hành vi xem truyền hình khác nhau.

Như kết quả, các chương trình nhận được các chỉ số rating rất bất hợp lý, Có những bộ phim hay, tạo được nhiều dư luận trên các mạng xã hội thì được TNS chấm điểm rất thấp. Ngược lại, có những show truyền hình không được các nhà đài đầu tư nhưng lại có rating cao chót vót.

Có doanh thu gần như bằng 0 từ các khán giả truyền hình, việc sống dựa vào quảng cáo vẫn đẩy các nhà đài vào tình cảnh buộc phải chấp nhận dịch vụ mà TNS cung cấp. Do là đơn vị duy nhất trên thị trường cung cấp rating truyền hình, các nhà đài buộc phải chấp nhận sự mập mờ, không chính xác của các chỉ số rating.

Bàn tay của Bộ TT&TT sẽ xóa thế độc quyền của TNS?

Sau gần 2 năm thiết lập và thử nghiệm, cuối cùng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT đã chính thức cho ra đời Trung tâm Đo kiểm và dịch vụ phát thanh truyền hình, còn gọi là Vietnam Tam.

Hệ thống Vietnam Tam sẽ sử dụng công nghệ của Nielsen, sẽ hỏi những người xem các câu hỏi như Ai đang xem tivi ? Giới tính của người xem ? Tuổi của người xem là bao nhiêu ?... Hệ thống câu hỏi này được cái đặt sẵn trên bộ thiết bị đo, được lắp đặt ngay tại các hộ gia đình.

Vietnam Tam

Một kết quả đo lường của hệ thống People Meter thực hiện bởi Vietnam Tam.

Về cách thức hoạt động, người xem sẽ tự động nhập thông tin trả lời trước khi bắt đầu xem truyền hình. Bộ thiết bị nhỏ gọn lắp đặt tại các gia đình nói trên sẽ đựa trên các âm thanh Tivi vang lên khi người xem trả lời, qua đó thu thập chúng và mã hóa chúng bằng một công nghệ mang tên Audio Matching. Sau đó, những dữ liệu đã mã hóa sẽ được gửi về kho dữ liệu trung tâm.

Tất cả hệ thống Vietnam Tam này được thực hiện theo People Meter. Đây là một phương thức phổ biến trên thế giới và lần đầu được sử dụng tại Việt Nam trong đo lường hiệu quả truyền hình. Phương thức này đảm bảo kết quả đo lường có độ tin cậy tối thiểu lên đến 95%, và sai số mẫu tối đa chỉ 3%.

Theo Bộ TT&TT, đã có hơn 100 kênh truyền hình tại hai khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tham gia hệ thống đo lường này từ tháng 3 vừa qua. Đây là con số rất đáng mừng bởi lẽ Vietnam Tam mới chỉ được dùng để khai thác dữ liệu người xem truyền hình từ tháng 1/2016.

Với các thông tin này, các nhà đài đang hy vọng hệ thống mới này sẽ thay thế được những đo lường trước đây của TNS, qua đó cung cấp những chỉ số rating chính xác cho các chương trình, các kênh truyền hình. Từ đó, thế độc quyền trên thị trường cung cấp dịch vụ rating truyền hình của công ty TNS sẽ bị phá vỡ.

Vượng Lê
Nguồn Trí thức trẻ