Coi chừng mất thương hiệu!
Cách tốt nhất để chống lại nguy cơ mất thương hiệu là doanh nghiệp cần nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sớm và đăng ký cả ở thị trường nước ngoài.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành từ cuối năm 2015, không chỉ hàng hóa từ Thái Lan, Malaysia, mà cả của Lào, Campuchia, Indonesia… cũng tràn vào Việt Nam. Cạnh tranh gay gắt trên sân nhà nhưng không ít doanh nghiệp (DN) Việt lơ là bảo hộ nhãn hiệu (thương hiệu) của mình.
Cản trở việc xâm nhập thị trường nước ngoài
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (trứng V.Food), cho biết cách đây không lâu, DN của ông đăng ký kiểu dáng sản phẩm mới cho một mặt hàng nhưng không được cơ quan quản lý chấp nhận. Phía cơ quan quản lý giải thích do kiểu dáng sản phẩm này đã thấy phổ biến ở trên mạng. “Chính chúng tôi là người đưa sản phẩm này lên mạng, bán ra thị trường xong mới đi đăng ký kiểu dáng nhưng theo luật thì không được” - ông Thiện nói.
Cũng theo vị giám đốc này, do đặc thù Việt Nam ít xảy ra kiện tụng, tranh chấp trong bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nên khiến DN lơ là, ít quan tâm.
Trong khi đó, theo ông Vương Đức Tuấn - Trưởng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - gần đây, khi các DN nước ngoài trong khối AEC đưa hàng hóa vào Việt Nam để chiếm lĩnh thị phần thông qua các chuỗi siêu thị nước ngoài, đã có tình trạng DN ngoại lấy tên “na ná” thương hiệu Việt. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp thiết cho DN Việt là cần nhanh chóng, chú ý đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình.
Trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) còn dành riêng một chương nói về các quyền sở hữu trí tuệ với nhiều điều khoản quy định về nhãn hiệu. Khi DN tham gia vào chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu nơi có hàng ngàn đối thủ cạnh tranh cùng lĩnh vực, ngành nghề, để tạo chỗ đứng riêng biệt, việc có thương hiệu riêng để người tiêu dùng nhận dạng và có nhãn hiệu riêng được bảo hộ ở khía cạnh pháp lý là điều thiết yếu.
Khác với các tài sản thông thường, thương hiệu gắn trên sản phẩm hàng hóa bán trên thị trường lại không thể chiếm hữu được theo cách thường thấy. Đa số quốc gia đều quy định cơ chế bảo hộ độc quyền nhãn hiệu với điều kiện chủ nhãn hiệu phải nộp đơn đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Luật sư Lê Quang Vinh, Công ty Luật Bross & Partner, cho biết một số đối tượng xấu đã lợi dụng quy định này bằng cách “đánh cắp” các thương hiệu Việt đem đi đăng ký ở những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam dưới tên của mình. Sau đó, họ quay sang chào bán lại thương hiệu với giá cao cho chủ sở hữu đích thực, ép DN buộc phải ký kết hợp đồng đại lý/phân phối hàng hóa với giá rẻ, cản trở việc xâm nhập thị trường nước ngoài…
Theo luật sư Vinh, trong quá khứ, không ít thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã bị đối tác làm nhái hoặc đăng ký độc quyền nhãn hiệu ở nước ngoài từ kẹo dừa Bến Tre, thuốc lá Vinataba, cà phê Trung Nguyên, mì Vifon… Ngay cả những chỉ dẫn địa lý nổi tiếng như nước mắm Phú Quốc, nước mắm nhĩ Phan Thiết cũng bị công ty nước ngoài đăng ký nhãn hiệu. “Khi một sản phẩm hàng hóa được bán tốt sẽ xuất hiện nguy cơ đối thủ kinh doanh nhái theo thương hiệu đó nhằm trục lợi. Hệ quả trước mắt là DN hụt doanh số vì người mua hàng không phân biệt được đâu là sản phẩm thật - giả. Nghiêm trọng hơn, thương hiệu của DN có thể mất uy tín và hoạt động kinh doanh bị thiệt hại” - luật sư Lê Vinh nói.
Quan tâm bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa là bảo vệ tài sản trí tuệ vô giá của chính DN. Khi hội nhập sâu rộng, DN Việt sẽ phải đối mặt với nhiều trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.
Chủ động bảo vệ
Đại diện Công ty Sữa Nutifood cũng nhìn nhận DN không thể lơ là việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Quan tâm bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa là bảo vệ tài sản trí tuệ vô giá của chính DN. Khi hội nhập sâu rộng, DN Việt sẽ phải đối mặt với nhiều trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Do đó, các tổ chức, cá nhân cần nhanh chóng chủ động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với các tài sản trí tuệ.
Luật sư Châu Huy Quang, Công ty Luật Rajah & Tann LCT Lawyers, cho rằng việc xâm phạm về sở hữu trí tuệ, nhất là xâm phạm nhãn hiệu, kiểu dáng hàng hóa của DN khác, ngày càng phổ biến và có xu hướng gia tăng. Các DN hoạt động sau dễ có tâm lý “đi tắt đón đầu” và lợi dụng các nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm, dịch vụ của DN có thương hiệu khác để trục lợi.
Nhiều DN lý giải một trong những lý do khiến họ ngại đăng ký bảo hộ nhãn hiệu do thủ tục nhiêu khê và thời gian chờ đợi rất lâu. Quy định thời gian đăng ký từ 6-12 tháng nhưng các DN cho biết thực tế phải mất từ 2-3 năm. Chưa kể, bảo hộ nhãn hiệu chỉ có tính chất lãnh thổ nên DN muốn tham gia xuất khẩu, vươn ra thị trường thế giới thì nhãn hiệu phải được xác lập quyền tại quốc gia sở tại và các quốc gia DN có ý định xuất khẩu.
Ở trong nước, việc xác lập quyền đơn giản bởi DN có thể tự tìm hiểu và hoàn tất thủ tục đăng ký hay thông qua các công ty đại diện sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy hoạt động. Trong khi đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài không chỉ phức tạp mà còn tốn kém chi phí tùy theo quốc gia. Thực tế, không ít DN chỉ tập trung bảo hộ nhãn hiệu mình ở thị trường trong nước, khi có cơ hội phân phối sản phẩm ra thị trường nước ngoài thì bị kiện ngược bởi các cá nhân, DN khác bên ngoài đã nhanh chân đăng ký “đầu cơ” nhãn hiệu của mình. “Việt Nam đã là thành viên của Thỏa ước Madrid cùng với 50 quốc gia khác về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa. DN có thể lựa chọn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài thông qua cơ chế này. Ở các nước không phải thành viên thỏa ước, DN có thể đăng ký bảo hộ trực tiếp tại các quốc gia liên quan mà DN có hoạt động kinh doanh” - ông Châu Huy Quang phân tích.
Luật sư Lê Quang Vinh, Công ty Luật Bross & Partner:
Phải hiểu đặc điểm pháp luật của từng nước
Theo luật pháp của đa số quốc gia, nộp đơn đăng ký và giành được văn bằng bảo hộ về cơ bản là điều kiện tiên quyết để có thể sở hữu và bảo vệ được thương hiệu đó, chống lại các hành vi sử dụng trái phép hoặc sao chép gây nhầm lẫn cho khách hàng. Thế nhưng, luật pháp của một số nước nơi Việt Nam có thị trường xuất khẩu như Mỹ, Úc lại áp dụng nguyên tắc first to use (nhà nước cấp bảo hộ cho nhãn hiệu nào được sử dụng đầu tiên trong thương mại chứ không cấp cho người nộp đơn đầu tiên). Do đó, DN cần phải đặc biệt quan tâm tìm hiểu đặc điểm của hệ thống luật pháp các nước liên quan đến vấn đề này nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Bidrico:
Chủ động đăng ký khi chưa xuất khẩu
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền là việc Bidrico tiến hành đầu tiên ngay khi có ý định xuất khẩu, đưa hàng hóa sang một thị trường mới. Ở trong nước, không ít lần chúng tôi bị xâm phạm sở hữu trí tuệ, bị làm nhái nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng được chú trọng từ rất lâu. Dù thủ tục hành chính còn mất thời gian nhưng thương hiệu là tài sản trí tuệ của DN nên chúng tôi quan niệm cần được bảo hộ càng sớm càng tốt. Ngoài những thị trường công ty đã xuất khẩu hàng hóa sang phải được đăng ký bảo hộ sớm, Bidrico còn đăng ký bảo hộ sản phẩm, nhãn hiệu ở cả những thị trường có ý định hoặc chuẩn bị xuất khẩu.
Luật sư Châu Huy Quang, Công ty Luật Rajah & Tann LCT Lawyers:
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Thói quen của nhiều DN Việt Nam còn chưa chú trọng sử dụng dịch vụ pháp lý, cơ chế pháp lý là công cụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh, bảo hộ quyền lợi hợp pháp của mình, nhất là so với DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tâm lý “mất bò mới lo làm chuồng” vẫn còn khá phổ biến khi DN e ngại thủ tục pháp lý, chi phí, thời gian đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Một số DN thành công ở thị trường trong nước nhưng lại chưa sẵn sàng cho một sân chơi quốc tế, trong khi DN nước ngoài luôn biết cách tận dụng luật pháp như một phần trong chiến lược cạnh tranh, loại bỏ đối thủ của họ. Điều này khiến DN Việt dễ bị sơ hở pháp lý trong quá trình xây dựng thương hiệu. Nếu so chi phí đăng ký, duy trì bảo hộ một thương hiệu với rủi ro pháp lý khi nhãn hiệu bị xâm phạm hoặc thậm chí bị kiện ngược, việc DN đăng ký bảo hộ hợp pháp nhãn hiệu của mình nên là chuyện phải làm thời hội nhập.
Thái Phương ghi
Linh Anh
Nguồn Người Lao Động