Taxi truyền thống vùng vẫy giữ thị phần

Ngày 14/7, Vinasun đã được thí điểm triển khai kinh doanh chở khách theo hợp đồng như Grab (xe không gắn bảng hiệu và số điện thoại bên ngoài như taxi truyền thống).

Trước đó, Công ty Hồ Huy cũng đã được UBND TP.HCM chấp nhận chủ trương đưa 100 taxi điện vào vận hành thí điểm vào ngày 2/9 tới. Đây là những động thái mạnh mẽ của doanh nghiệp taxi truyền thống trong cuộc đua giành thị phần.

Vinasun thí điểm xe không bảng hiệu

Sau thời gian chờ đợi, ngày 14/7, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đã được Bộ Giao thông - Vận tải cho phép thí điểm dùng ứng dụng công nghệ để hỗ trợ và quản lý kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng đối với loại xe từ 9 chỗ trở xuống. Việc thí điểm sẽ được thực hiện tại 8 địa phương: TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và Đồng Tháp.

Dù không gắn bảng hiệu và số điện thoại trên xe như taxi truyền thống nhưng các xe hoạt động dạng hợp đồng của Vinasun phải dán tem nhãn hiệu VCAR.

Taxi truyền thống vùng vẫy giữ thị phần

Ảnh: Q.Hòa.

Phó tổng giám đốc Vinasun Tạ Long Hỷ cho biết: "Việc gọi xe VCAR sẽ thông qua ứng dụng Vinasun App mà người dùng dễ dàng tải về điện thoại di động. Khi gọi xe, hành khách chỉ cần nhập điểm đi, điểm đến sẽ biết được số tiền phải trả và mọi dữ liệu về chuyến đi sẽ được lưu lại. Khi hành khách mất đồ đạc hoặc có khiếu nại thì cũng dễ dàng tìm lại được".

Cũng theo ông Tạ Long Hỷ, để có cơ sở thực hiện đề án thí điểm này, Vinasun đã xây dựng ứng dụng đặt xe Vinasun App từ trước đó khá lâu. Cụ thể, từ ngày 18/7/2015, Công ty đã đưa phần mềm ứng dụng này vào taxi của Hãng tại Đà Nẵng. Tháng 10/2015, phần mềm ứng dụng này tiếp tục được triển khai vào gần 6.000 xe tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hoà...

Từ đó đến nay, Vinasun App đã triển khai thành công trên 6.300 xe taxi truyền thống của Công ty tại các địa phương trên. Điều đáng nói là từ khi áp dụng ứng dụng này, số lượng vụ việc khách báo thất lạc hành lý giảm từ 270 vụ/tuần xuống dưới 100 vụ/tuần, số lượng lái xe tự giác khai báo và trả lại tài sản cho khách bỏ quên trên xe tăng từ 1.500 vụ/tháng (tháng 9/2015) lên 2.400 vụ/tháng (tháng 6/2016).

Việc Vinasun chuyển hướng sang dịch vụ xe không phù hiệu là hướng đi tất yếu khi phải cạnh tranh quyết liệt với Grab và Uber. Tại đại hội cổ đông thường niên 2016 diễn ra hồi tháng 4, lãnh đạo Vinasun đặt chỉ tiêu đạt doanh thu 4.325 tỷ đồng trong năm nay, tăng 2% so với năm 2015.

Lý do của chỉ tiêu tăng trưởng khá thấp này là vì "công ty chỉ có một mô hình kinh doanh trong khi các đối thủ có nhiều phương thức kinh doanh khác nhau". Mục tiêu của Vinasun khi ra mắt VCAR là giành thị phần khách hàng đi xe bằng App với Uber và Grab.

Taxi truyền thống vùng vẫy giữ thị phần

Ảnh: thesaigontimes.

Đi tắt, đón đầu

Trước Vinasun, vào cuối tháng 8/2015, Bộ Giao thông - Vận tải đã cho phép GrabTaxi thí điểm chương trình Triển khai dịch vụ ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hành khách theo hợp đồng tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa. Chương trình này thực hiện trong vòng 3 năm.

Sau thời gian thí điểm, tháng 12/2018, ngành giao thông sẽ đánh giá kết quả thực hiện để đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách quản lý vận tải hành khách bằng ô tô.

Vinasun là doanh nghiệp trong nước đầu tiên được thí điểm kinh doanh chở khách theo hợp đồng. Theo đại diện Vinasun, hiện nay, xe VCAR của Công ty đang hoạt động ở các tỉnh với số lượng 200 chiếc với giá cước được tính bằng giá cước của taxi truyền thống. Để khai thác thành công mô hình kinh doanh mới này, Công ty sẽ hợp tác với các hợp tác xã vận tải để tăng số xe VCAR lên khoảng 500 - 700 chiếc.

Cũng đưa ứng dụng công nghệ vào vận hành trong kinh doanh taxi nhưng Công ty CP Tập đoàn Mai Linh còn "đi tắt, đón đầu" với phương án sử dụng taxi điện. Đầu tháng 6/2016, Công ty Hồ Huy (công ty mẹ của Công ty CP Tập đoàn Mai Linh) đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho phép triển khai thí điểm đầu tư khai thác 100 xe taxi điện để thay thế dần các taxi Mai Linh chạy bằng xăng trên địa bàn Thành phố. Chương trình sẽ bắt đầu từ ngày 2/9/2016 đến hết năm 2018.

Chia sẻ với báo chí cách đây chưa lâu, ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Mai Linh cho biết, việc đầu tư đủ 10.000 xe taxi chạy bằng điện trong 10 năm sẽ tiết kiệm hơn 406 triệu lít xăng, tương đương với 134 triệu USD (khoảng 2.993 tỷ đồng).

Taxi truyền thống vùng vẫy giữ thị phần

Ảnh: Mai Linh Group.

Việc vận hành bằng xe điện cũng giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường, giúp Công ty tăng lợi thế cạnh tranh với Uber, Grab bởi giá rẻ và công nghệ tiên tiến. Theo tính toán của ông Hồ Huy, một chiếc xe điện chạy 100km tốn 1 EUR, sẽ giảm 1/3 giá cước so với vận tải taxi hiện tại (giá cước taxi là 12.000 đồng thì taxi điện chỉ 8.000đ/km...).

Trước khi được cho phép thí điểm xe điện, Mai Linh đã đầu tư mạnh vào công nghệ như gọi xe bằng phần mềm ứng dụng (App) trên điện thoại thông minh và các thiết bị di động qua 2 ứng dụng Mai Linh Taxi và Open 99 song song với việc ứng dụng thẻ POS vào việc thanh toán. Mai Linh còn thí điểm Taxi wifi, cung cấp dịch vụ sử dụng wifi miễn phí cho khách hàng tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.

Tương tự, trước khi thí điểm kinh doanh chở khách theo hợp đồng như mô hình của Grab, Vinasun đã đầu tư công nghệ mới như điều hành xe tự động thông qua ứng dụng trên smartphone, đặt chỗ qua tổng đài, điều xe qua tin nhắn, sử dụng thẻ thanh toán online, phối hợp với các ngân hàng và các trung tâm thanh toán để phát hành các loại thẻ thanh toán đa dạng.

Việc đầu tư vào công nghệ, chuyển hướng mở rộng mô hình hoạt động một lần nữa cho thấy quyết tâm giữ thị phần của các doanh nghiệp taxi truyền thống trong nước trước sự phát triển của mô hình vận chuyển theo công nghệ từ nước ngoài.

Minh Hào
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn