Facebook Messenger trở thành ứng dụng tỷ người dùng như thế nào?
Trải qua 5 năm, Messenger cuối cùng đã có suất trong “Câu lạc bộ ứng dụng tỷ người dùng” cùng Facebook, WhatsApp, YouTube.
Nỗ lực ép người dùng tải Messenger của Facebook đã được đền đáp. Bất chấp bị phản đối dữ dội, Messenger đã tăng gấp đôi lượng người dùng trong 20 tháng, chạm mốc 1 tỷ sau 5 năm xuất hiện. Như vậy, nó cuối cùng đã có suất trong “Câu lạc bộ ứng dụng tỷ người dùng” cùng Facebook, WhatsApp, YouTube.
Bên cạnh đó, Messenger cũng ghi nhận một số con số không tưởng: 17 tỷ bức ảnh, 1 tỷ tin nhắn gửi đi mỗi tháng, 380 triệu sticker, 22 triệu GIF được sử dụng hàng ngày và 10% trong tổng số tất cả cuộc gọi VoIP là qua Messenger.
Chạm cột mốc này có thể giúp Facebook thu hút các nhãn hàng và lập trình viên đến với nền tảng Messenger. Trong khi đó, mỗi người dùng đăng ký dịch vụ lại lôi kéo thêm bạn bè, người thân đang dùng SMS hay dịch vụ đối thủ tham gia.
Để đạt đến thành công như vậy, Messenger cũng trải qua không ít thăng trầm. Ban đầu, nó là phiên bản mặc áo mới của Beluga, ứng dụng chat do các cựu nhân viên Google viết ra và được Facebook mua lại tháng 3/2011. Đồng sáng lập Beluga, Lucy Zhang, cho biết “muốn mọi người trên thế giới kết nối với nhau”.
Hành trình đến cột mốc 1 tỷ
Theo Zhang và David Marcus, người đứng đầu Messenger hiện nay, những gì ứng dụng đạt được là kết quả từ việc bổ sung liên tục các tính năng hấp dẫn lẫn nâng cao hiệu suất. Dưới đây là những quyết định quan trọng nhất đã đưa Messenger đến hôm nay:
Beluga
Năm 2010, chat nhóm đang trên đà tăng trưởng nhưng SMS lại rất tệ. Sau khi trình bày ý tưởng tại một cuộc thi của TechCrunch, ứng dụng di động GroupMe bắt đầu thu được sự chú ý nhưng phụ thuộc chủ yếu vào SMS thay vì ứng dụng gốc. Beluga được thành lập tháng 7/2010, tập trung vào chat qua kết nối dữ liệu. Ứng dụng ra đời xuất phát từ nhu cầu cá nhân của những người sáng lập. Cùng lúc đó, Facebook Chat lại chưa được để ý. Nhận thấy cơ hội tiềm tàng, Facebook đã mua lại Beluga tháng 3/2011.
Messenger v1
Zhang cùng cộng sự dành khoảng 3 đến 4 tháng bàn bạc để ra phiên bản Messenger đầu tiên. Thời điểm đó, nhóm Messenger chỉ gồm có cô, hai đồng sáng lập Jonathan Perlow, Ben Davenport, thêm một kỹ sư, một quản lý sản phẩm và một nhà thiết kế.
Messenger ra mắt tháng 8/2011, trọng tâm là gửi tin nhắn đa nền tảng nhanh chóng, dù người nhận đang trên desktop hay di động. Nó có một số tính năng vẫn được dùng đến ngày nay, trừ chia sẻ ảnh và địa điểm. Một năm sau, tính năng hiển thị tin nhắn đã đọc được giới thiệu.
Rất nhanh chóng, Facebook đi đến chiến lược biến Messenger thành ứng dụng lớn. Mạng xã hội bổ sung sự linh hoạt để bạn có thể giao tiếp theo cách nào bạn muốn. Trong năm 2012 và 2013, Facebook không còn yêu cầu phải có tài khoản Facebook mới được dùng Messenger mà có thể liên lạc qua SMS với số điện thoại của họ hay dịch vụ gọi thoại VoIP để dần thay thế công cụ gọi điện truyền thống. Công ty cũng không thiết kế Messenger theo phong cách Facebook để tăng cường tốc độ và sự đơn giản.
Cưỡng ép người dùng
Tăng trưởng khá chậm trong 3 năm đầu tiên. Tuy nhiên, ngay trước khi thông báo Messenger chạm mốc 200 triệu người dùng vào tháng 4/2014, Facebook đưa ra tuyên bố đanh thép và đầy tính độc tài: nó sẽ xóa tính năng chat khỏi ứng dụng Facebook buộc mọi người phải tải Messenger.
Mọi người trở nên phát điên. Họ cáo buộc Facebook đang ép uổng họ. Tại sao họ cần đến 2 ứng dụng Facebook khi chỉ cần 1 là quá đủ? Messenger trở thành ứng dụng số 1 trên các kho ứng dụng bất chấp chỉ được xếp hạng 1 sao.
Bằng cách tách Messenger ra khỏi Facebook, mạng xã hội nhanh chóng bổ sung nhiều tính năng mới cho ứng dụng. Cuối cùng, mọi người cũng quen dần và thậm chí còn mở Messenger nhiều hơn, thường xuyên hơn ứng dụng Facebook. Tháng 11/2014, số người dùng đạt 500 triệu.
Cải thiện tốc độ
Cuối năm 2014, Facebook hoàn thiện nâng cấp kỹ thuật quan trọng cho Messenger. Với quy mô hàng tỷ tin nhắn gửi đi mỗi ngày, vài mili-giây nhanh hơn cũng tạo sự khác biệt lớn.
Để cung cấp tình trạng tin nhắn rõ hơn, Messenger cũng giới thiệu một số vòng tròn nhỏ bên cạnh mỗi tin nhắn: vòng tròn trống là đang gửi, trống nhưng có dấu tích là đã gửi, được lấp đầy và có dấu tích là đã chuyển đến người nhận, có gương mặt bên trong bong bóng nhỏ có nghĩa là họ đã đọc nó. Đây dường như là thay đổi nhỏ nhưng được đón nhận.
Ứng dụng và video
2015 là năm Messenger phát triển vượt ranh giới một ứng dụng chat. Đây là nỗ lực kéo mọi người rời xa SMS và sử dụng Messenger nhiều hơn. Khi mà video cất cánh khắp nơi nhưng các tùy chọn chat như FaceTime hay Google Hangouts lại giới hạn trên một số nền tảng nhất định, Facebook phát hành tính năng chat video. Marcus nhấn mạnh đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, biến Messenger thành công cụ giao tiếp đa diện, có thể thay thế điện thoại.
Facebook còn giới thiệu tính năng gửi tiền cho bạn bè. Tại F8, nền tảng Messenger được công bố. Khởi đầu từ các ứng dụng chia sẻ nội dung như Giphy, nền tảng hiện đã cho phép gọi Uber hay chat với chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp. Năm 2016, chatbot và các tờ báo cũng “lên thuyền” Messenger.
Tiện ích, không phải đồ chơi
Khi mọi người mới bắt đầu làm quen với chatbot, Messenger gần đây lại chuyển hướng sang tiện ích kết nối nghiêm túc cho cả hành tinh. Để thay thế số điện thoại, mạng xã hội ra mắt Message Requests, gửi tin nhắn của người lạ sang khu vực khác của hộp thư đến.
Facebook còn cho phép người dùng Android cài đặt Messenger làm ứng dụng nhắn tin mặc định. Trong tháng này, nó bắt đầu cung cấp mã hóa tin nhắn để tăng tính bảo mật.
Tương lai của Messenger
Với các bước tiến ổn định, Facebook Messenger đã đánh bại các đối thủ khác. KakaoTalk có hơn 50 triệu người dùng, Kik có 175 triệu và Line có 218 triệu. Vị trí của Messenger còn nhấn chìm WeChat (762 triệu người dùng) tại Trung Quốc, nơi Messenger không thể hoạt động, và Snapchat (150 triệu).
Như vậy, Messenger và WhatsApp, ứng dụng thuộc sở hữu của Facebook, đã thống trị cuộc chơi di động bên ngoài Trung Quốc. Song, nếu muốn vượt SMS, nó phải có mặt khắp mọi nơi. Theo Marcus, nếu đa số những người bạn muốn nói chuyện đều có mặt trên một nền tảng mà bạn không cần đến số điện thoại, chỉ cần một cái tên đã có thể tìm ra, bạn có thể gửi nhiều thứ hơn và gọi thoại hay video. Marcus tin rằng Messenger “đang trở thành công cụ truyền thông quan trọng trên toàn thế giới”.
Du Lam / TechCrunch
Nguồn ICT News