2 điều kiện đưa thời trang Việt tiến ra thế giới

Cánh cửa hội nhập đang mở ra cho thời trang Việt, đặc biệt với những sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên để đưa thời trang Việt ra thế giới, người làm thời trang cần lưu tâm đến uy tín, phúc lợi nhân viên cũng như nguồn gốc nguyên liệu “xanh”.

Đây là ý kiến chủ đạo được các DN thời trang chia sẻ tại hội thảo “Sản xuất thời trang: Made in Vietnam” diễn ra tại trường ĐH RMIT vào trung tuần tháng 7/2016.

Đạo đức kinh doanh sẽ là lợi thế

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang mở ra cánh cửa hội nhập toàn diện cho Việt Nam, trong đó có ngành công nghiệp thời trang. “Có thể xem đây là điều kiện thuận lợi để thời trang Việt phát triển nhanh và khẳng định uy tín trên thị trường quốc tế”, Trưởng khoa Thời trang, ĐH RMIT nhận định.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Lan Vy, DN xã hội Fashion4Freedom kết nối người làm nghề truyền thống với khách hàng toàn cầu, cho rằng nhu cầu của người tiêu dùng thế giới ngày càng cao, họ không chỉ quan tâm đến giá cả mà họ còn đánh giá cao uy tín và đạo đức của doanh nghiệp.

Thương hiệu chú trọng đến đạo đức kinh doanh sẽ rất lợi thế khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ vì người dân nơi đây vốn rất quan tâm đến quy trình sản xuất sản phẩm.

Đạo đức trong ngành thời trang là một khái niệm để chỉ trách nhiệm của doanh nghiệp trong khai thác và sử dụng nguyên liệu, vấn đề môi trường và sản xuất bền vững, cũng như phúc lợi dành cho nhân viên.

Cách đây bốn năm, hãng thời trang H&M đã bị rò rỉ một đoạn phim gây xôn xao dư luận cho thấy hãng này đã bóc lột lao động giá rẻ tại Campuchia để tối đa lợi nhuận. Ngay sau đó, H&M phải hợp tác với tổ chức Humane Society International và đưa ra những thông điệp nhân văn về phương cách đối xử nhân đạo với động vật trong ngành công nghiệp thời trang cũng như cam kết bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Động thái kịp thời này đã cứu H&M khỏi sự “tẩy chay” của người tiêu dùng thế giới, và cũng là bài học mà doanh nghiệp thời trang Việt Nam cần chú ý.

Đồng quan điểm với bà Nguyễn Lan Vy, chị Cindy Vuu - người sáng lập thương hiệu Gosto Việt Nam cho rằng thương hiệu chú trọng đến đạo đức kinh doanh sẽ rất lợi thế khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ vì người dân nơi đây vốn rất quan tâm đến quy trình sản xuất sản phẩm. Văn hóa DN tốt và cách đối xử công bằng, nhân văn với nhân viên của Gosto đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng Mỹ.

Ưu ái nguyên liệu nguồn gốc thiên nhiên

Theo TS ngành dệt Trần Văn Quyến, chưa bao giờ các chất liệu có nguồn gốc thiên nhiên lại được các nhà thiết kế thời trang và người tiêu dùng khắp thế giới ưu ái như hiện nay.

2 điều kiện đưa thời trang Việt tiến ra thế giới

Ông Quyến phân tích thành công của CANIFA, thương hiệu Việt Nam đầu tiên nhận được hai chứng chỉ quốc tế danh giá dành cho len lông cừu là Woolmark và Woolmark Blend. Nguồn gốc 100% thiên nhiên, có độ đàn hồi và độ bền cao, thoáng khí và rất thân thiện với người mặc, len lông cừu dần trở thành chất liệu không thể thiếu trong bộ sưu tập của các thương hiệu thời trang, từ cao cấp như Burberry, Dolce&Gabbana, Paul Smith… đến phổ thông như Levi’s, Zara, H&M.

Tại Việt Nam, chất liệu len lông cừu vẫn được coi là xa xỉ khi đa số các hãng thời trang mới chỉ sử dụng len sợi nhân tạo. Chỉ cách đây hai năm, thời trang Việt Nam mới bắt kịp với xu hướng xanh của thời trang quốc tế khi một số thương hiệu đã tung ra các sản phẩm len lông cừu nhưng số lượng vẫn rất hạn chế.

Nhiều người tham dự hội thảo cũng bất ngờ khi Lãnh Mỹ A, một thương hiệu lụa rất nổi tiếng tại Tân Châu, An Giang lại chủ yếu xuất khẩu ra thị trường thế giới, trong khi các nhà thiết kế trong nước dường như chưa quan tâm đúng mức đến nguyên liệu độc đáo này.

Lãnh Mỹ A được xem là sản phẩm vừa mang tính truyền thống, vừa an toàn cho người sử dụng, vì các công đoạn thực hiện hoàn toàn thủ công và không sử dụng hóa chất. Lãnh Mỹ A được nhuộm từ mủ trái mặc nưa nên có màu đen tuyền, mát lạnh vào mùa nóng, ấm áp vào mùa đông, chất liệu lụa dai bền không hút nước, mặc càng lâu càng bóng tạo cảm giác quý phái.

2 điều kiện đưa thời trang Việt tiến ra thế giới

Các chuyên gia cũng bàn luận về sự đổ bộ ồ ạt của các thương hiệu thời trang thế giới vào Việt Nam. Theo bà Nguyễn Lan Vy, một yếu tố vô cùng quan trọng là giữ gìn bản sắc của thời trang Việt để không bị “hòa tan” trước làn sóng hội nhập.

Bản sắc thời trang của dân tộc là một thể tổng hòa được tạo nên từ cá tính riêng của từng nhà thiết kế được chắt lọc từ văn hóa dân tộc, đồng thời cộng hưởng với xu hướng thời trang thế giới. Như vậy, có thể thấy giữ gìn bản sắc Việt không đồng nghĩa với việc có cái nhìn cực đoan về xu hướng đang diễn ra trên thế giới, không chạy theo văn hóa phương Tây nhưng cũng không quá tôn thờ truyền thống mà quên đi dòng chảy của thời trang đương đại. Các nhà thiết kế trẻ cần chuẩn bị đầy đủ về tài chính lẫn kiến thức và kinh nghiệm để kiên định phân khúc cao cấp “Made in Vietnam”.

Xây dựng bản sắc thời trang bắt đầu từ đâu và làm như thế nào phụ thuộc rất lớn vào tài năng, tri thức và cả tự trọng nghề nghiệp của người làm nghề. Với nỗ lực tổng thể của các chuyên gia trong ngành, giới học thuật, thế hệ các nhà thiết kế mới cũng như sinh viên học các ngành liên quan đến sản xuất và kinh doanh thời trang, ngành thời trang Việt sẽ vươn ra biển lớn trong tương lai không xa.

Thu Hằng
Nguồn Vietnamnet