Thương mại điện tử: Sôi động hơn nhưng vẫn còn rất nhỏ
Bức tranh thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam hai năm qua sôi động hơn hẳn nhờ vào các thương vụ đầu tư và sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà kinh doanh đang dẫn dắt thị trường này, cùng sự dịch chuyển nhanh của các chuỗi bán lẻ (offline) lớn trên môi trường trực tuyến (online).
Sự sôi động có thể thấy rất rõ qua các sự kết hợp mới, kết nối thương mại trực tuyến với thị trường bán lẻ Việt Nam. Alibaba mua Lazada, VNG đầu tư cho Tiki, Central Group với Zalora và Nguyenkim... Các chuỗi bán lẻ lớn cũng gia nhập thị trường này, Vingroup với Adayroi, Thegioididong với Vuivui.com, Lotte với Lotte.vn, Aeon với Aeonshop.com... Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam 2017 cho thấy, từ năm 2016, lĩnh vực này bước sang giai đoạn phát triển nhanh, tạo áp lực lên sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp TMĐT với các nhà cung cấp dịch vụ liên quan như chuyển phát, kho bãi, thanh toán...
3% doanh thu bán lẻ
Hiệp hội TMĐT ước tính tổng doanh thu TMĐT năm 2016 đạt mức 5 tỉ đô la Mỹ, chiếm chưa đến 3% tổng thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, con số này khiêm tốn hơn nhiều nếu trừ đi các khoản booking vé du lịch và sự kiện, khi đó doanh thu TMĐT chỉ chiếm khoảng 1,8% tổng giá trị bán lẻ 2016. Theo dự báo của eMarketer, mức tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 15% trong giai đoạn 2016-2020 sẽ đưa doanh thu TMĐT Việt Nam vượt 10 tỉ đô la Mỹ từ năm 2020.
Theo dữ liệu của Nielsen năm 2015, 45% dân số Việt Nam sử dụng Internet và 28% người dùng Internet có mua sắm trực tuyến, với mức chi tiêu trung bình 160 đô la Mỹ/người/năm. Giá trị chi tiêu cho TMĐT dù tăng nhanh gần đây nhưng vẫn còn thấp, 23% đơn hàng có giao dịch quanh 500.000 đồng và chiếm tỷ trọng lớn nhất cho chi tiêu TMĐT. Trở ngại lớn nhất vẫn là niềm tin của người dùng với sản phẩm trực tuyến, họ lo ngại về chất lượng, tâm lý sợ rủi ro nên khó chấp nhận mua sản phẩm có giá trị lớn.
Năm 2016, xu hướng bán hàng đa kênh (omni channel) đã rõ nét tại Việt Nam. Xuất hiện ngày càng nhiều nhà bán lẻ trực tuyến (online) mở thêm cửa hàng trực tiếp (offline) và chiều ngược lại, các nhà bán lẻ trực tiếp thúc đẩy ào ạt kênh trực tuyến.
Chỉ số TMĐT Việt Nam 2017 cũng cho thấy tiếp tục tồn tại khoảng cách số rất lớn giữa các địa phương (box). Căn cứ trên bốn nhóm chỉ số thành phần trụ cột: hạ tầng nhân lực và công nghệ thông tin (30%), giao dịch B2C - giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (30%), giao dịch B2B - nơi cách doanh nghiệp mua bán hàng với nhau (30%) và giao dịch G2B - chính phủ với doanh nghiệp (10%), thì TPHCM và Hà Nội bỏ xa các địa phương khác. Thu hẹp khoảng cách số tiếp tục là một thử thách lớn đối với Việt Nam, các yếu tố này tiếp tục áp lực lên doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động kinh doanh phù hợp nhằm thúc đẩy TMĐT phát triển nhanh và bền vững.
Theo ông Alexandre Dardy, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam, ba năm qua Lazada tăng trưởng hàng năm 2-3 lần, dự báo mức tăng này tiếp tục duy trì trong vài năm tới. Dù TMĐT hiện có sự lan tỏa mạnh và rộng hơn nhưng TPHCM và Hà Nội vẫn đang đóng góp đến 70% doanh số. Việc khó khăn không chỉ do mức thu nhập thấp hơn mà thói quen tiêu dùng và thanh toán truyền thống ở các khu vực này chậm thay đổi hơn đã kiềm chế tăng trưởng. “Các doanh nghiệp vẫn phải tập trung nguồn lực ở các thành phố lớn. Để TMĐT hoàn thiện và phát triển, cần sự nỗ lực của cả thị trường chứ không thể đơn lẻ của từng doanh nghiệp”, ông Alexandre chia sẻ.
Tiềm năng TMĐT vì thế dù lớn nhưng thực tế không dễ khai thác. Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc Nielsen Vietnam, xu hướng không dùng tiền mặt đang thay đổi nhưng cực kỳ chậm dù các ngân hàng đều có định hướng chiến lược về thanh toán phi tiền mặt, số lượng thẻ tăng nhanh nhưng tỷ lệ thanh toán tăng không tương xứng. Các ngân hàng cũng chưa thực sự thuyết phục người dùng về tính bảo mật. Mặt khác, theo Will Nguyễn - Giám đốc tư vấn KPMG, những trở ngại còn ở chính các mô hình TMĐT. Tâm lý chung thị trường vẫn đang nghĩ TMĐT còn là bề nổi, việc thiết lập nền tảng hệ thống quản lý, hạ tầng dịch vụ để duy trì mô hình kinh doanh hiệu quả cũng là thách thức lớn của doanh nghiệp.
Thách thức đa kênh
Xu hướng bán hàng đa kênh (omni channel) diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu nhiều năm nay và năm 2016 cũng trở thành xu thế rõ nét tại Việt Nam. Xuất hiện ngày càng nhiều nhà bán lẻ trực tuyến (online) mở thêm cửa hàng trực tiếp (offline) và chiều ngược lại các nhà bán lẻ trực tiếp thúc đẩy ào ạt kênh trực tuyến. Theo nhận định của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, phương thức bán lẻ đơn kênh sẽ giảm dần và bị thay thế bởi phương thức đa kênh, là yếu tố then chốt để tiếp cận và gắn kết khách hàng để cạnh tranh trong môi trường kinh tế số.
Ranh giới giữa các hoạt động mua sắm “thực và ảo” đang dần mờ nhạt, ngày càng nhiều khách hàng tìm kiếm trực tuyến sau đó mua sắm thực tế (webrooming) cũng như tìm kiếm thực tế sau đó mua sắm trực tuyến (showrooming). Sự kết hợp này giúp gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng trong điều kiện thương mại kết nối, số người dùng điện thoại di động tìm kiếm thông tin hàng hóa tiện lợi và dễ dàng hơn rất nhiều. Các chuyên gia khuyến cáo các nhà kinh doanh của Việt Nam cần nắm bắt xu thế này và sẽ phải nhanh chóng kết hợp với các nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa, công nghệ, dịch vụ tiếp thị để điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
Kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong triển khai mô hình đa kênh, theo ông Huỳnh Lâm Hồ, CEO Haravan, là với mô hình đó doanh nghiệp phải có cách tiếp cận hợp lý và cung cấp cho người tiêu dùng trải nghiệm nhất quán trong tất cả các kênh bán hàng. “Để triển khai thành công thì lãnh đạo doanh nghiệp phải tư duy được đó là chiến lược không còn ranh giới giữa online và offline, nếu tư duy lãnh đạo và hệ thống chưa sẵn sàng thì việc triển khai này là vô nghĩa”.
Theo bà Trịnh Vân Hoa, Giám đốc cao cấp khối TMĐT Nguyễn Kim, quá trình kinh doanh đi từ đơn kênh đến đa kênh và tất yếu là tính đồng bộ hóa cho toàn hệ thống. Cần hiểu thương mại đa kênh cũng chính là sự kết nối, là nền tảng đồng bộ hóa toàn bộ hạ tầng thông tin doanh nghiệp để hỗ trợ cho việc phân tích kinh doanh, hiểu người dùng cách nhanh nhất và đưa ra dịch vụ đồng nhất ở tất cả các khâu. Có vô số mô hình đa kênh nhưng vẫn chưa thể có một mô hình hoàn thiện trên thị trường bán lẻ, nó được dần hoàn thiện và phát triển theo mô hình của từng ngành nghề và cấu trúc của từng doanh nghiệp. “Tìm hiểu trải nghiệm khách hàng trên từng kênh để định hướng chính xác nhất mô hình của mình, đồng thời xác định đâu là kênh chủ đạo phải phát triển và đầu tư căn bản, không đơn thuần dựa trên đóng góp về doanh số mà phải dựa trên tiêu chí dịch vụ thì mới đánh giá được”, bà Hoa chia sẻ.
“Thị trường đang phát triển theo xu thế thương mại kết nối chứ không còn đơn thuần TMĐT”, bà Quỳnh nhận định và cho rằng TMĐT đang ở mức khởi điểm và không gian phát triển còn quá lớn, cho dù người tiêu dùng luôn có xu hướng thử cái mới thì offline vẫn là kênh rất lớn tại Việt Nam. Cần xác định rõ xu thế “người tiêu dùng kết nối” - một khái niệm chỉ sự trải nghiệm tiêu dùng kết hợp giữa thu nhập và mức độ tương tác phục vụ nhanh chóng cho tầng lớp trung lưu và cao cấp nhưng không bỏ qua những người tiêu dùng bình dân với tư duy tiêu dùng kết nối.
Tại Việt Nam, tiềm năng này nhắm vào con số khoảng 33 triệu dân gia nhập tầng lớp trung lưu vào năm 2020. Thế hệ kết nối cùng với những tư duy mới giúp hình thành một phân khúc khách hàng mới trở thành động lực cho tăng trưởng tiêu dùng và đặc biệt là TMĐT. Trong vòng hai thập kỷ qua, phân khúc khách hàng thuần túy theo thu nhập đã xác định tầng lớp trung lưu như một trụ cột và động lực chính cho sự phát triển kinh tế. “Tuy nhiên trong thời đại thương mại kết nối, họ chính là động lực kết nối, có thu nhập dư thừa đáng kể, sẵn sàng chi tiêu, ưa thích sản phẩm và dịch vụ cao cấp, và đặc biệt là tâm lý muốn dẫn đầu xu hướng tiêu dùng”, theo phân tích của Nielsen.
Tuyết Ân
Nguồn The Saigon Times