Pixar đã cứu rỗi Steve Jobs và Apple như thế nào?
Nếu Pixar không thành công, có lẽ Steve Jobs không có đủ tự tin để quay lại dẫn dắt Apple và làm ra những sản phẩm huyền thoại như iPod hay iPhone.
Một ngày mùa hè năm 1997, Steve Jobs đã đến gặp Larwrence Levy, người đồng nghiệp tại hãng phim hoạt hình Pixar, để thông báo về quyết định của mình.
“Tôi đang cân nhắc việc quay lại Apple”, Jobs nói. Khi Levy hỏi liệu ông có chắc về thử thách khó khăn này không, Jobs trả lời: “Tôi chưa chắc lắm nhưng tôi sẽ cố”.
Điều xảy ra tiếp theo đã được ghi lại không biết bao nhiêu lần trong các bài báo và sách vở: Jobs nắm quyền “CEO tạm thời” tại công ty ông sáng lập và hồi sinh Apple từ cõi chết đến vị thế ngày hôm nay.
Câu chuyện được kể nhiều tới mức rất dễ nghĩ về việc này như một chuyện tất yếu. Steve Jobs đã quay lại và cứu Apple một cách thần kỳ, tuy nhiên thực tế ông không hoàn toàn tự tin về bản thân.
Trong cuốn sách mới có tên To Pixar and Beyond: My Unlikely Journey with Steve Jobs to Make Entertainment History, Levy viết: “Steve không chắc Apple có được cứu không. Điều cuối cùng ông ấy muốn là quay về Apple và sau đó chịu trách nhiệm nếu thất bại trong việc giải cứu công ty”.
Trước khi Jobs trở lại làm CEO Apple lần nữa, ông đang là CEO và chủ nhân của Pixar. Ngày nay, Pixar là cái tên được nhà nhà biết đến nhưng khoảng giữa những năm 1990, nó vẫn đang hoàn thành bộ phim đầu tiên (Toy Story) và gặp khó khăn về tài chính. Jobs, người đã chán phải tự mình gọi vốn cho công ty, đã thuê Levy về làm CFO (Giám đốc tài chính) và vực dậy việc kinh doanh.
Cuốn sách của Levy cho chúng ta thấy ông sát cánh bên Jobs như thế nào để tập trung vào Pixar, xây dựng nên một thương hiệu biểu tượng và cuối cùng lên sàn chứng khoán thành công rồi được Disney mua lại.
Với những người quan tâm đến mọi thứ về Apple, cuốn sách cũng không làm họ thất vọng: nó kể lại chi tiết Pixar đã giúp Jobs thoát khỏi thời kỳ được xem là “năm tháng tối tăm” của ông. Đó chính là thập kỷ từ lúc ông bị đuổi khỏi Apple đến khi có cuộc trở về lịch sử.
Khi Levy gặp Jobs lần đầu tiên, uy tín của nhà sáng lập Apple đang bị nghi ngờ. Ông bị sa thải khỏi chính công ty mình sáng lập, còn công ty hiện tại NeXT cũng trục trặc. Pixar, công ty ông mua lại từ Lucasfilm vì công nghệ hoạt hình, lại đốt tiền mà không thấy chút hi vọng nào.
Sau khi nhận vai trò lãnh đạo, Levy nhận thấy Jobs đang nung nấu ý tưởng đưa Pixar trở thành công ty đại chúng và cho toàn thế giới biết ít nhất một trong những ván bài của ông hậu Apple là một thành công.
“Nếu có sự kiện nào có thể chứng minh sự chuộc lỗi của Steve, đó chính là vụ IPO của Pixar”.
Nó khiến Jobs mất nhiều thời gian hơn ông mong đợi nhưng Pixar cũng lên sàn vào ngày 29/11/1995. Sáng hôm đó, Jobs và Levy “túm tụm quanh một máy tính” tại San Francisco để xem giá chứng khoán. Khi giá tăng mạnh, một nhà môi giới đầu tư trong phòng quay lại nhìn Jobs và nói: “Chúc mừng Steve, ông đã là tỷ phú”. Sau đó, Jobs bước ra ngoài phòng, gọi cho bạn mình – nhà sáng lập Oracle Larry Ellison, để nói: “Larry, tôi làm được rồi”.
“Được xếp vào hàng ngũ tỷ phú và IPO thành công đã vực dậy tinh thần của Steve rất nhiều”, Levy trả lời CNNMoney. “Nó như một đợt khô hạn kéo dài. Đạt được thành công lớn như vậy mang đến cho bạn nhiều tự tin hơn hẳn”.
Điều đó có thể đã giúp Jobs “chấp nhận rủi ro” khi quay về Apple, theo Levy. Song, khi trở lại làm CEO Apple, những năm tháng tại Pixar đã giúp Jobs theo nhiều cách. Chẳng hạn, ông học được cách “hợp tác” và nhường quyền hạn cho người khác. “Tại Pixar, ông ấy không phải nhà sản xuất và cũng không phải nhà làm phim”.
Và cũng tại xưởng phim hoạt hình này, Jobs lần đầu tiên nếm được thị hiếu thật sự của ngành giải trí. Kiến thức và mối quan hệ có được trong ngành đã chứng minh tác dụng khi ông vực dậy Apple xoay quanh các sản phẩm mà ngành giải trí yêu thích như iPod, iTunes Store và Apple TV.
Du Lam / CNNMoney
Nguồn ICT News